Mở đường giao thông, động lực quan trọng để đồng bằng sông Cửu Long xoay trục phát triển

Thứ bảy, 23 Tháng 4 2022 20:32 VnEconomy
In

Điểm nghẽn mang tính cốt lõi của vùng đồng bằng sông Cửu Long từ nhiều thập niên qua đó là hạ tầng giao thông. Hiện nay, điểm nghẽn này đang dần được tháo gỡ thông qua hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng, được Chính phủ ưu tiên nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025…

Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch vùng đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch 2017.


Đồng bằng sông Cửu Long đang "nhộn nhịp" với hàng loạt dự án giao thông quan trọng.

Quy hoạch "Vùng" đề phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Theo Quyết định 287/QĐ-TTg, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch Vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Vùng đất, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của 13 tỉnh/thành: TP. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; vùng biển ven bờ của các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Mục tiêu nhằm phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Để thực hiện được những mục tiêu trên, việc đầu tư xây dựng, kết nối hệ thống hạ tầng giao thông là vô cùng quan trọng.

Về hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; bốn cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 198.823 tỷ đồng, với 37 dự án mới và 14 dự án chuyển tiếp. Do nguồn vốn này vượt khả năng cân đối nên Bộ đang đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỷ đồng để đầu tư các dự án trọng điểm tại khu vực.


Bản đồ hệ thống giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
(Ảnh: TEDI)

"Hối hả" các dự án đường bộ

Về đường bộ, các dự án đang được Bộ Giao thông vận tải đầu tư, gồm các tuyến cao tốc: Tuyến Cần Thơ - Cà Mau, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến An Hữu - Cao Lãnh, tuyến Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; các dự án cầu như cầu Rạch Miễu 2, cầu Ðại Ngãi, các dự án nâng cấp tuyến quốc lộ 53, 62 và 91B...

Song song, đầu tư hoàn chỉnh dự án luồng tàu biển cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu; đầu tư giai đoạn 2 tuyến kênh Chợ Gạo, phát triển hành lang đường thủy và các trung tâm logistics,… nhằm kết nối giao thông trục ngang, trục dọc (cao tốc Bắc – Nam phía Đông), đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đặc biệt, mới đây, vào đầu tháng 4/2022, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi liên Bộ Tài chính – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tổng mức đầu tư để cải tạo, nâng cấp ba tuyến quốc lộ 53, 62 và 91B nguồn vốn là 7.158 tỷ đồng, tương đương hơn 309 triệu USD; trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 250 triệu USD.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp ba tuyến quốc lộ nói trên sẽ giúp nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách, bảo đảm  an toàn giao thông. Ngoài ra, các dự án cũng từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, ngày 29/3/2022, dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang và Bến Tre, giúp giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt trên tuyến quốc lộ 60.

Quốc lộ 60 là trục hành lang ven biển kết nối các tỉnh duyên hải phía Nam với TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, là tuyến trục dọc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của cả khu vực.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, kết nối liên tục hai cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, có chiều dài dự án hơn 6 km, gồm phần cầu chính dài gần 2 km, đường dẫn và cầu trên tuyến dài hơn 4 km. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 5.000 tỷ đồng, được khởi công 2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Đến nay, tổng giá trị xây lắp của dự án đạt gần 51% giá trị hợp đồng, vượt kế hoạch đề ra.

Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đến nay tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo, yêu cầu Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, thiết bị thi công đẩy nhanh tiến độ, cũng như công tác giải ngân dự án, đảm bảo dự án cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, trong chuyến công tác tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ gần đây để kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án giao thông, đã nhấn mạnh: Các tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng để kết nối giao thông vùng, tạo các trục phát triển của đồng bằng sông Cửu Long.

Ðể đẩy nhanh tiến độ các dự án thì cần sự phối hợp, hiệp đồng giữa các bên liên quan, hướng đến mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Xuân Thái

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: