Được đánh giá đã khắc phục không ít “lỗ hổng” trong hoạt động đấu thầu, thế nhưng, sau gần 10 năm thi hành Luật Đấu thầu 2013 đã và đang cho thấy nhiều điểm mâu thuẫn với Luật đất đai…
Luật đấu thầu 2013 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2013, Luật bao gồm 13 Chương, 96 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, khi ra đời, Luật Đấu thầu 2013 được đánh giá đã khắc phục không ít “lỗ hổng” trong hoạt động đấu thầu, thế nhưng, sau gần 10 năm thi hành Luật Đấu thầu 2013 đã và đang cho thấy nhiều điểm mâu thuẫn với Luật đất đai…
Theo các chuyên gia, khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định: “Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất” và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định dự án sử dụng đất thuộc trường hợp đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư: “Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); và dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ: công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh”. Có nghĩa các dự án đầu tư có sử dụng đất bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
(Ảnh minh họa)
Thế nhưng, Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 quy định, việc đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua (tức nhà ở thương mại); đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê… chỉ quy định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất mà không quy định trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Hay như, điểm b khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử sụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất là khi “đất đã được giải phóng mặt bằng”.
Trong khi đó, khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu 2013 lại quy định, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại có sử dụng đất được thực hiện thông qua 2 hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đấu thầu dự án. Có nghĩa áp dụng đấu giá và đấu thầu kể cả đối với đất chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chính những mâu thuẫn của hai Luật này là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng chậm tiến độ, gây khó cho nhà đầu tư (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia cho rằng, giữa các các quy định của hai Luật đã nêu đang tồn tại nhiều điểm mâu thuẫn và đây là nguyên nhân khiến cho nhiều địa phương lúng túng, gặp khó khăn trong việc áp dụng hai hình thức đấu giá và đấu thầu.
Chưa kể, cùng với giá bồi thường GPMB còn bất cập cũng là nguyên nhân dẫn tới chủ đầu tư không giao đất kịp thời cho nhà đầu tư, nhất là đối với trường hợp đất hỗn hợp gồm đất chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và đất do Nhà nước quản lý (đất sạch) khi thực hiện dự án, dẫn tới nhà thầu phải gánh thiệt hại: lãng phí máy móc, nhân lực, phát sinh chi phí, chậm tiến độ công trình…
Thực tế, Báo cáo trước Quốc hội tháng 5/2021 về lý do 6 dự án trọng điểm (gồm dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và 5 dự án đường sắt đô thị) đang triển khai chậm tiến độ; hay công tác triển khai một số dự án mới cũng còn rất chậm như dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP... ; Bộ Giao thông vận tải cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư chậm giải phóng mặt bằng, thiếu mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu thi công…
Từ những bất cập đã nêu, các chuyên gia cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 29 Luật Đầu tư theo hướng: Chỉ áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án thuộc trường hợp quỹ đất đã giải phóng mặt bằng thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước và việc thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư (để quản lý dự án) thực hiện sau khi Nhà đầu tư đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất, hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chỉ áp dụng đối với các dự án đã có quỹ đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước; việc thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư (để quản lý dự án) thực hiện sau khi Nhà đầu tư trúng thầu dự án được lựa chọn.
Theo đó, đối với tất cả các dự án khác có quỹ đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của nhà đầu tư do đã hoàn thành việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất khác (trừ đất thuộc quyền sử dụng của Nhà nước), dự án sản xuất kinh doanh phi thương mại chuyển thành dự án nhà ở, khu đô thị... thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương, giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu.
Gia Nguyễn
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- TPHCM dự kiến thi công trở lại 25 dự án giao thông trọng điểm từ tháng 10
- Vĩnh Long: Kiến nghị đơn giản hóa 06 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc
- Vì sao nhà thầu nước ngoài dừng thi công ga ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội?
- Quảng Nam phê duyệt danh mục 41 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2021
- Đà Nẵng thúc dự án đường vành đai phía Tây 2
- Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố 5 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đất đai
- Giải quyết vướng mắc trong cải tạo hàng ngàn chung cư cũ
- Toà sứ quán Mỹ 1,2 tỷ USD tại Việt Nam có thể đem lại nguồn lợi bao nhiêu cho các nhà thầu xây dựng?
- Ngành Xây dựng: Hoàn thiện pháp luật để phục hồi và phát triển sau đại dịch
- 25 công trình đường bộ trọng điểm đến năm 2025