Trong thẩm quyền và nhiệm vụ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để các dự án được khơi thông; trong đó, có dự án sở hữu vị trí đắc địa như Tháp SJC và 117 Nguyễn Đình Chiểu.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có không ít dự án bất động sản quy mô lớn đang bị “ách” do vướng mắc về quy định pháp luật.
Trong thẩm quyền và nhiệm vụ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để các dự án được khơi thông; trong đó, có dự án sở hữu vị trí đắc địa như Tháp SJC và 117 Nguyễn Đình Chiểu...
(ảnh minh họa: Properties.VN)
Dự án tháp SJC ở khu tứ giác Lê Lợi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lê Thánh Tôn-Nguyễn Trung Trực, quận 1) "đắp chiếu" hơn 15 năm qua. Vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận chủ trương giữ nguyên chức năng, mục tiêu thực hiện dự án là “Đầu tư, xây dựng, vận hành và quản lý một tổ hợp cao ốc thương mại đa năng bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp cho thuê, nhà hàng, các tiện nghi và dịch vụ kèm theo các khu chức năng để kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành.”
Theo đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án; phối hợp với các cơ quan có liên quan báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành xem xét, giải quyết việc điều chỉnh tiến độ thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Trước đó, vào tháng 6/2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận điều chỉnh chức năng dự án Tháp SJC từ văn phòng-khách sạn-thương mại dịch vụ-căn hộ cho thuê thành văn phòng-thương mại dịch vụ. Tháng 1/2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng điều chỉnh mục tiêu dự án, chuyển chức năng văn phòng-khách sạn-thương mại dịch vụ-căn hộ bán và cho thuê thành chức năng văn phòng- khách sạn-thương mại dịch vụ-căn hộ cho thuê (không còn chức năng căn hộ bán). Đồng thời, giảm chiều cao công trình từ 208m xuống còn 199,8m với tầng cao từ 54 tầng xuống còn 46 tầng.
Mặc dù sở hữu vị trí đắc địa bậc nhất Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hiện nay dự án Tháp SJC vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang, lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị trung tâm thành phố.
Về pháp lý, năm 2005, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương giao Công ty Vàng bạc Đá quý Thành phố Hồ Chí Minh (Công ty SJC) thực hiện dự án Tháp SJC với quy mô sau điều chỉnh gồm 6 tầng hầm, 54 tầng nổi với chức năng văn phòng, khách sạn, thương mại-dịch vụ, căn hộ bán và cho thuê, có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Khu đất tứ giác nói trên rộng 3.805m2. Sau khi có chủ trương của Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép triển khai hợp tác đầu tư dự án tháp SJC, Công ty SJC đã liên danh với đối tác nước ngoài nhưng không thành, sau đó hợp tác với các doanh nghiệp trong nước. Mặc dù chưa được triển khai nhưng tại dự án đã diễn ra câu chuyện lòng vòng chuyển nhượng cổ phần, đầu cơ, môi giới kiếm lời.
Thêm một dự án "ách tắc" kéo dài khác là Trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ bán 117 Nguyễn Đình Chiểu (tên thương mại hiện nay là Léman Luxury). Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương cấp Giấy chứng nhận quyền sử hữu công trình đối với khối đế thương mại dịch vụ của dự án gồm các tầng hầm, tầng 1 đến tầng 6 cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Nam Land.
Sau khi có kết luận chính thức của Bộ Quốc phòng về thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn động trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế liên quan đến dự án 117 Nguyễn Đình Chiểu, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất đúng quy định pháp luật.
Trước đó, tháng 10/2020, Ngân hàng Vietinbank thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư Phương Nam Land tại Viettinbank-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, tài sản đảm bảo khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư Phương Nam Land là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại số 117 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.
Theo quy hoạch được duyệt, khu đất này có diện tích 4.268,5m2, mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh (xây dựng khu phức hợp khách sạn, thương mại, văn phòng và căn hộ cho thuê); thời hạn sử dụng là 50 năm, kể từ ngày 30/12/2010; tài sản gắn liền với đất là Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, căn hộ cho thuê gồm tầng hầm B1 và 6 tầng thương mại, tổng diện tích xây dựng hơn 59.100m2./.
Trần Xuân Tình
(TTXVN / Vietnam+)
- Nhà đầu tư sẽ không được xây căn hộ chung cư nhỏ hơn 25 m2
- Đề xuất giảm giá căn hộ bị ế trên đất vàng Thủ Thiêm
- Thủ tướng gỡ vướng cho loạt dự án giao thông ở TP.HCM
- Đèo Cả muốn đầu tư dự án An Hữu- Cao Lãnh theo hình thức PPP
- Thủ tướng chỉ thị đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công
- TPHCM: Đề xuất đầu tư đường trên cao số 5 theo hợp đồng BOT
- Siết tín dụng bất động sản và xây dựng: Kẽ hở “tín dụng đen” hoạt động?
- Đấu giá quỹ đất hai bên đường để lấy vốn làm đường vành đai 3 và 4 (TPHCM)
- Đề xuất lấn 1.500 ha vịnh Vân Phong
- Ký kết hợp đồng dự án PPP đầu tiên áp dụng quy chế đấu thầu