Có 8 nhà đầu tư muốn xây cầu Cát Lái

Thứ hai, 05 Tháng 4 2021 05:34 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Dự án cầu Cát Lái nối giữa huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) với Thành phố Thủ Đức (TPHCM) hiện đã có 8 nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ.

Theo thông tin mới nhất từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, sở này đã nhận được hồ sơ của 8 nhà đầu tư tham gia đấu thầu thực hiện dự án BOT xây dựng cầu Cát Lái. Tuy nhiên, hiện nay do TPHCM và Đồng Nai chưa thống nhất được phương án xây dựng cầu Cát Lái nên chưa thể triển khai các bước tiếp theo.


Phối cảnh cầu Cát Lái
(Nguồn: dongnai.gov.vn)

Hiện tại, dự án cầu Cát Lái vẫn đang trong quá trình hoàn thiện phương án xây dựng nên vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng.

Vào giữa tháng 1/2021, Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc liên quan đến dự án xây dựng cầu Cát Lái.

Sau cuộc họp, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai hoàn thiện báo cáo phương án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái gửi cho TPHCM trong thời gian sớm nhất để TPHCM tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm thống nhất các nội dung còn vướng mắc.

Phía TPHCM sẽ cung cấp tình hình thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng, hiện trạng, pháp lý các dự án có liên quan đang triển khai trong khu vực sẽ xâu dựng cầu Cát Lái gửi Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, để đánh giá mức độ ảnh hưởng, tính khả thi của các phương án thiết kế cầu Cát Lái.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai đề xuất hai phương án xây cầu Cát Lái.

Phương án 1: Hướng tuyến của cầu có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2, TPHCM, sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai sang bờ huyện Nhơn Trạch. Phương án này được tính toán với 2 quy mô mặt cắt ngang cầu gồm 6 làn xe và 8 làn xe.

Phương án 2: Cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường Vành đai 2 tại vị trí cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2 cũ (nay là Thành phố Thủ Đức), sau đó, vượt sông Đồng Nai sang bờ huyện Nhơn Trạch. Phương án này cũng được xây dựng với 2 quy mô mặt cắt ngang cầu gồm 6 và 8 làn xe.

Theo tính toán của tỉnh Đồng Nai, do tổng mức đầu tư của dự án rất lớn (7.200 tỉ đồng) nên việc triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi, vì vậy phải tách dự án ra làm ba dự án thành phần.

Trong đó, phần đường dẫn phía TPHCM sẽ do TPHCM đầu tư; còn đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai sẽ do tỉnh này đầu tư. Riêng phần cầu chính, Đồng Nai sẽ thực hiện theo phương án BOT kết hợp BT. Phần đất để thực hiện BT sẽ sử dụng từ quỹ đất trên địa bàn Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay đầu tư theo hình thức nào vẫn chưa được quyết định. Do chưa chọn được nhà đầu tư và hình thức xây dựng nên chưa ấn định được thời gian khởi công cây cầu này.

Vào tháng 8/2019, Chính phủ đồng ý giao tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái.

Lê Anh

(TBKTSG)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: