Kiểm toán Nhà nước đề xuất cắt 274 tỉ đồng tại 4 tuyến đường khu Thủ Thiêm

Thứ tư, 02 Tháng 9 2020 20:38 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán chỉ ra  một số thiếu sót trong việc thực hiện 2 dự án theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT) ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 4 đường trục chính và cầu Thủ Thiêm 2.

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng và chuyển giao) do Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh làm nhà đầu tư. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã nêu ra những hạn chế và tồn tại ở hai dự án trên và đề xuất một số phương án xử lý.


Kiểm toán Nhà nước đề nghị cắt 274 tỉ đồng tại dự án BT 4 tuyến dường chính Thủ Thiêm.
(Ảnh minh họa: Lê Quân)

Cắt 274 tỉ đồng tại 4 tuyến đường chính

Đối với dự án xây dựng 4 tuyền đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư được phê duyệt là 12.182 tỉ đồng. Tại thời điểm Nhà đầu tư trình phê duyệt tổng mức đầu tư, Sở Xây dựng TPHCM chưa ban hành chỉ số giá xây dựng của năm 2012, nên chi phí trượt giá trong tổng mức đầu tư trình được tính theo chỉ số giá bình quân từ năm 2007-2011.

Đến thời điểm phê duyệt tổng mức đầu tư, Sở Xây dựng TPHCM đã ban hành chỉ số giá năm 2012 nhưng không kịp thời cập nhật để tính lại chi phí dự phòng trượt giá, làm tăng 350,91 tỉ đồng.

Dự án 4 tuyến đường chính, tổng mức đầu tư được phê duyệt là 12.182 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 6.500 tỉ đồng, thiết bị là 24,5 tỉ đồng, quản lý dự án 28,3 tỉ đồng, chi phí đầu tư xây dựng 278 tỉ đồng, chi phí khác 117 tỉ đồng, chi phí lãi vay 2.111 tỉ đồng, dự phòng do trượt giá 1.805 tỉ đồng… Trong đó, hợp đồng mà UBND TPHCM ký với Công ty Đại Quang Minh có tổng mức đầu tư 8.265 tỉ đồng, không tính lãi vay và dự phòng trượt giá.

Tuy nhiên, cơ quan kiểm toán cho biết, khoản chi phí dự phòng trượt giá 1.805,686 tỉ đồng (trong đó có 350,91 tỉ đồng) trong tổng mức đầu tư được loại trừ ngay trong tổng vốn đầu tư của hợp đồng BT. Điều này thực hiện bởi cơ chế thanh toán đồng thời được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và được Bộ Tài chính hướng dẫn, nên không ảnh hưởng đến việc cân đối thanh toán khi ký hợp đồng BT và giá trị quyết toán dự án BT hoàn thành.

Liên quan đến mức tính toán suất đầu tư của dự án được đặt vấn đề trong nhiều Kiểm toán Nhà nước chỉ ra khi so sánh suất đầu tư tại Quyết định số 634/2014 của Bộ Xây dựng, đối với đường giao thông cấp I (tuyến R1) và đường giao thông cấp II (Tuyến R2, R3, R4) thì chi phí được đề cập tính suất đầu tư trong tổng mức đầu tư của dự án không cao hơn suất đầu tư công bố của Bộ Xây dựng năm 2013.

Về tiến độ xây dựng 4 tuyến đường chính, đến tháng 6-2020, dự án bị chậm 27 tháng. Trong khi đó, công tác nghiệm thu, thanh toán các chi phí gói thầu còn sai sót số tiền 18 tỉ đồng, phải hoàn thiện hồ sơ thanh toán số tiền 51 tỉ đồng. Dự án này cũng sai sót trong việc nghiệm thu, thanh toán các gói thầu với số tiền 17,8 tỉ đồng; phải hoàn thiện hồ sơ thanh toán số tiền 50,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, kết luận trước đó của Thanh tra Chính phủ có đề cập đến phần khảo sát không kỹ dẫn đến tăng chi phí đầu tư xử lý nền đất yếu 481,3 tỉ. Trong khi đó, Kiểm toán cho rằng việc lập tổng mức đầu tư thì chi phí xây dựng được tính theo khối lượng chủ yếu từ thiết kế cơ sở. Các khối lượng khác dự tính và giá xây dựng phù hợp với thị trường theo quy định tại Nghị định 112/2009.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thanh toán cho nhà thầu 17,6 tỉ đồng; giảm giá trị các hợp đồng còn lại 1,6 tỉ đồng; hoàn thiện thủ tục theo quy định để thanh toán số tiền 50,5 tỉ.

Ngoài ra cần giảm giá trị hợp đồng đối với khối lượng không thực hiện 254,9 tỉ đồng do điều chỉnh quy hoạch nên phạm vi phần đường trên tuyến R1 chuyển thành cầu cạn qua dự án quảng trường trung tâm và sẽ bổ sung dự toán thay thế. Kiểm toán cũng kiến nghị giảm dự toán gói thầu 86,3 tỉ đồng…

Như vậy, tổng số chi phí phải cắt giảm thanh toán của dự án BT 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm khoảng 274 tỉ đồng.


Cầu Thủ Thiêm chưa thể hoàn thiện vì đang vướng mặt bằng.
(Ảnh minh họa: Phong Anh)

Cầu Thủ Thiêm 2 chậm hoàn thiện vì vướng mặt bằng

Đối với dự án cầu Thủ Thiêm 2 được phê duyệt tổng mức đầu tư 4.260 tỉ đồng vào năm 2015. Trong đó chi phí xây dựng là 1.962 tỉ đồng; quản lý dự án 15 tỉ đồng; tư vấn đầu tư xây dựng 207 tỉ đồng ; chi phí khác 99 tỉ đồng; dự phòng chênh lệch mức lương 249 tỉ đồng… Tổng vốn đầu tư trong hợp đồng BT giữa UBND TPHCM và Công ty Đại Quang Minh là 3.081 tỉ đồng (không tính lãi vay và dự phòng trượt giá).

Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2019 kiến nghị giảm tổng mức đầu tư 253 tỉ đồng, trong đó chi phí dự phòng chênh lệch lương tối thiểu là 249 tỉ đồng. Kiểm toán Nhà nước cho rằng theo quy định việc sử dụng dự phòng chỉ khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM.

Dự án không sử dụng chi phí 249 tỉ đồng nói trên do cơ chế thanh toán đồng thời theo văn bản số 127/TTg-KTN của Thủ tướng nên sẽ được giảm trừ khi các bên quyết toán dự án hoàn thành. Dự án cũng thanh toán cho nhà thầu chưa đúng chi phí thiết kế 3,9 tỉ đồng; phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định số tiền 11,9 tỉ đồng.

Một tồn tại được chỉ ra là đến tháng 6-2020, sau 60 tháng ký hợp đồng BT, dự án chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư thi công. Tính đến tháng 2-2020, vẫn còn 12.880 m2 vướng giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là bờ quận 1 chưa di dời hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng.

Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo UBND quận 1, quận 2, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, sớm bàn giao cho nhà đầu tư thi công hoàn thành các dự án BT.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu UBND TPHCM quan tâm, chỉ đạo thực hiện việc xác nhận khối lượng, giá trị hạng mục hoàn thành để thanh toán theo quy định của hợp đồng BT. Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đến nay khối lượng hoàn thành của dự án đã đạt hơn 60% giá trị nhưng nhà đầu tư chưa được xác nhận khối lượng và giá trị để thực hiện việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Việc chậm thanh toán có thể dẫn đến phát sinh chi phí của dự án theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết”, kết luận nêu.

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: