Kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ cho các dự án nhà đất có lẫn đất công

Thứ hai, 13 Tháng 4 2020 10:19 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

TPHCM vừa mới kiến nghị Thủ tướng cho phép giao đất công có diện tích dưới 1.000 m2 cho chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng và thực hiện theo quy hoạch.

UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng giải quyết khó khăn vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. Trong đó, TPHCM kiến nghị được chấp thuận các giải pháp xử lý đối với dự án nhà ở có xen cài với đất công, kênh rạch.


Ở TPHCM đang tồn tại nhiều dự án có đất công xen cài.
(Ảnh minh họa: SGGP)

Cụ thể, đối với quỹ đất công có tổng diện tích dưới 1.000 m2 trong các dự án nhà ở (đất xen cài giữa các thửa đất, mương, rạch...), TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép giao chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch.

Đối với quỹ đất có tổng diện tích đất công trên 1.000 m2, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong năm 2019, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) gặp nhiều khó khăn, quy mô và nguồn cung thị trường sụt giảm, kéo theo sự tăng giá bất hợp lý. Số các doanh nghiệp BĐS giải thể tăng tới 39%, đứng đầu trong các lĩnh vực kinh doanh khác.

Riêng trong 2019, UBND TPHCM chỉ chấp thuận đầu tư và công nhận chủ đầu tư 4 dự án nhà ở thương mại có đầy đủ pháp lý (giảm 24 dự án so với năm 2018); chấp thuận đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại (giảm 64 dự án so với cùng kỳ năm 2018), trong đó chỉ có 7 dự án chấp thuận đầu tư mới; Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 47 dự án (giảm 30 dự án).

Kỳ vọng lối thoát cho dự án địa ốc đình trệ

Theo UBND TPHCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình dự án bất động sản sụt giảm nói trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án trong quá trình kiểm tra, kiểm toán, điều tra rà soát thủ tục pháp lý dẫn đến tình trạng đùn đẩy giải quyết của các cơ quan nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.

Nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong thủ tục đầu tư xây dựng dự án sẽ tác động trực tiếp đến thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Cũng tại văn bản này, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng đối với quy định phải có 100% đất ở hợp pháp mới được xem xét công nhận chủ đầu tư. Bởi hiện nay TPHCM có khoảng 63 dự án cần được tháo gỡ do vướng mắc ở quy định này.

Tình trạng dự án vướng đất công xen cài trong dự án thương mại khiến rất nhiều chủ đầu tư ở TPHCM khổ sở trong nhiều năm qua. Thống kê cho thấy, hàng loạt dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen kẹt các phần đất thuộc Nhà nước quản lý (đất rạch, đường, bờ đất…thường có hình dáng bất định hình, nằm xen kẹt rải rác trong khu đất dự án) đang bị đình trệ dù tỷ lệ đất thuộc Nhà nước quản lý thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, việc dự án có quỹ đất công xen cài rải rác, bất định hình trong dự án thuộc diện Nhà nước quản lý, chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 10% diện tích dự án, đang là niềm trăn trở chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Một số trường hợp chủ đầu tư xây dựng khi chưa xử lý xong thủ tục cấp phép các khu đất trên, dự án đã bị lập biên bản cũng như xử phạt, yêu cầu ngừng thi công. Việc yêu cầu chủ đầu tư tạm ngừng thi công xây dựng công trình chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Vì vậy, cần phải có hướng giải quyết hợp lý cho dự án có tình trạng này.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phẩn Quốc Cường Gia Lai từng cho biết, nhiều năm qua doanh nghiệp khổ sở vì dự án có dính quỹ đất hỗn hợp mãi không chuyển đổi được. Hiện doanh nghiệp có 6 dự án bất động sản đang bị ách tắc nhiều tháng qua, gây thiệt hại lớn. Trong đó quan trọng nhất là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM.

"Nhiều giấy tờ pháp lý của dự án đã hết hạn, đối tác nước ngoài có cổ phần trong dự án cũng đã nản và có ý định rút vốn. Công ty bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho các đối tác kinh doanh, dòng tiền thu - chi không chủ động được", bà Nguyễn Thị Như Loan than thở về những khó khăn của dự án.

Trước đó dự án 110 căn biệt thự của công ty Hưng Lộc Phát bị TPHCM "tuýt còi" vì xây dựng trái phép cũng có phần lý do về các thủ tục pháp lý chồng chéo liên quan đến việc có đất công xen cài trong dự án. Về vướng mắc quỹ đất xây dựng dự án của Hưng Lộc Phát có đất rạch, bờ đất, đường do Nhà nước quản lý nằm xen cài rải rác, bất định hình, đây cũng là vướng mắc phổ biến của rất nhiều dự án kinh doanh nhà ở. Điều này cũng khiến TPHCM cũng khá khó khăn và mất một thời gian để giải quyết cho hợp lý. Vì vậy, với kiến nghị lần này UBND TPHCM cũng hy vọng mở ra "lối thoát" cho những dự án có tình trạng tương tự như vậy.

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: