Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật TPHCM muốn chấm dứt tình trạng "có tiền tiêu không hết" trong đầu tư công

TPHCM muốn chấm dứt tình trạng "có tiền tiêu không hết" trong đầu tư công

Viết email In

Tính đến hết năm 2019, TPHCM giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 85%. Nguyên nhân của tình trạng “có tiền không tiêu hết” là do giải ngân chưa đồng đều, nhu cầu vốn chưa sát với tình hình thực tế. Lãnh đạo TPHCM cho rằng sẽ có nhiều giải pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng chậm giải ngân trong năm 2020.

Theo báo cáo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TPHCM năm 2020 diễn ra sáng 6/1, dù đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nhưng tính đến tháng 12/2019 đạt 22.274 tỉ đồng, đạt 85% kế hoạch vốn đã giao; trong đó vốn Trung ương đã giải ngân 2.483 tỉ đồng, đạt 84% kế hoạch; vốn ngân sách thành phố đã giải ngân 19.790 tỉ đồng, đạt 85% kế hoạch.


Tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) của TPHCM đang được xây dựng. Đây là dự án đã bố trí đủ vốn, song do vướng các thủ tục nên chưa giải ngân được
(Ảnh: Anh Quân)

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết căn cứ hồ sơ khối lượng hoàn thành và tình hình báo cáo của các đơn vị, dự báo kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công cả năm 2019 (tính theo niên độ tài chính đến hết 31/1/2020) đạt 24.617 tỉ đồng, đạt 93,6% kế hoạch.

Theo bà Mai, kết quả giải ngân các tháng không đồng đều, tình trạng giải ngân tập trung vào các tháng cuối năm.  Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lý giải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công là do nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế; các sở, ngành chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó là việc thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó một số nguyên nhân đã kéo dài từ nhiều năm đến nay vẫn chưa khắc phục xong, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn.

Trong khi nhiều dự án giải ngân không hết thì các dự án giao thông thiếu vốn trầm trọng. Theo báo cáo của chính quyền TPHCM gửi Bộ GTVT, thành phố dự kiến cần 83.061 tỉ đồng để thực hiện 19 dự án giao thông lớn. Tuy nhiên, hiện tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án giao thông mới đáp ứng được 35% nhu cầu khiến nhiều dự án chưa thể xây dựng theo quy hoạch.

Để chấm dứt tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, chính quyền TPHCM đã ban hành chỉ thị số 11, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.

Chính quyền thành phố sẽ rà soát tình hình thực hiện từng dự án, từ đó phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhóm các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, nhóm các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân để kịp thời giải quyết và tháo gỡ.

Khi dự án có khối lượng đã nghiệm thu sẽ lập hồ sơ, thanh toán ngay với kho bạc Nhà nước, không để dồn thanh toán vào cuối quý hoặc cuối năm.  Đặc biệt, TPHCM sẽ giảm vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm.

Các dự án được giao kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư năm 2020 phải cam kết hoàn tất công tác phê duyệt quyết định đầu tư trong năm theo quy định. Trường hợp dự án đã được giao vốn chuẩn bị đầu tư nhưng đến hết ngày 31/12/2020 không được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư mà không có lý do khách quan sẽ xem xét không tiếp tục giao vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án trong năm kế hoạch tiếp theo.

Lê Anh

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2099 khách Trực tuyến

Quảng cáo