Sở Xây dựng TPHCM phối hợp với các sở, ngành liên quan sẽ kiểm tra 88 dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được phê duyệt tiếp giáp bờ sông Sài Gòn và 13 dự án đầu tư xây dựng nhà ở có hành lang bảo vệ sông, theo kế hoạch số 16279 ban hành ngày 13/12/2019 của cơ quan này.
Việc kiểm tra các quy định về quản lý, sử dụng hành lang bờ sông Sài Gòn được thực hiện tại địa bàn 9 quận, huyện gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Thạnh, Thủ Đức, 1, 2, 4, 7 và 12.
Đối tượng kiểm tra là 88 dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được phê duyệt tiếp giáp với bờ sông Sài Gòn và 13 dự án đầu tư xây dựng nhà ở có hành lang bảo vệ sông Sài Gòn khác.
Một dự án nhà ở ven sông ở quận 2 (Ảnh: Anh Quân)
Theo kế hoạch sẽ có 3 đoàn kiểm tra do các phó chánh thanh tra Sở Xây dựng làm trưởng đoàn và có sự tham gia của đại diện Sở Nội vụ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các quận, huyện...
Thời gian kiểm tra từ ngày 16/12/2019 đến ngày 3/1/2020. Dự kiến đến ngày 17/1/2020 sẽ có kết quả báo cáo chính quyền TPHCM.
Kế hoạch cũng nêu rõ sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý sử dụng hành lang bờ sông, kênh rạch. Đồng thời, đề xuất các giải pháp chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng hành lang sông Sài Gòn tại các dự án nằm ven sông.
Tại một hội thảo hồi tháng 9 năm nay, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho biết TPHCM đã cập nhật quy hoạch mép bờ, hành lang bảo vệ bờ sông từ 30- 50 m. Theo quy hoạch được duyệt, không gian dọc sông Sài Gòn, kênh rạch nội thành có chức năng là cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều dự án bất động sản khi xây dựng đã lấn chiếm bờ sông để làm của riêng. Để khắc phục tình trạng lấn chiếm bờ sông, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề xuất, chính quyền thành phố cần rà soát kỹ quy hoạch hành lang sông rạch, đặc biệt là sông Sài Gòn và các kênh, rạch nội thành, không để tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở.
Đồng thời phải, xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh đối với quỹ đất thuộc hành lang sông rạch để thực hiện thống nhất trên toàn thành phố. Chỉ khi có quy hoạch thì mới khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững.
Lê Anh
(TBKTSG)
- Những dự án giao thông sẽ hoàn thành năm 2020
- Vốn cho hạ tầng giao thông: chỗ giải ngân không hết chỗ thiếu triền miên
- Hà Nội thông qua bảng giá đất mới: Đắt nhất gần 188 triệu đồng/m2
- Hạ tầng kết nối TPHCM: ách tắc tứ phía
- Xây dựng trái phép tràn lan: Khi “chiếc áo pháp luật” đang quá chật
- Sửa Luật Đất đai, giá đất được tính đủ các giá trị tăng thêm
- Đà Nẵng: Đề xuất hủy bỏ các dự án không khả thi sau khi rà soát
- Dự án xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất: tiến độ khó khả thi
- Nâng tổng mức đầu tư sân bay Sa Pa lên hơn 7.000 tỷ đồng
- Đà Nẵng lên tiếng về vụ dự án Cocobay