Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Đầu tư đường sắt Cát Linh- Hà Đông không thể thu hồi được vốn

Đầu tư đường sắt Cát Linh- Hà Đông không thể thu hồi được vốn

Viết email In

Trả lời về tính hiệu quả khi đầu tư và nếu đưa vào khai thác tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói: “Không chỉ đường sắt đô thị mà dự án đường sắt nói chung không thể thu hồi được vốn”.

Tại cuộc họp báo Quý III/2019 của Bộ GTVT (27/9), vấn đề Kết luận kiểm toán dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông cuối năm 2018 nóng nhất. Do tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh tăng 205%: từ 8769 tỉ đồng lên 18.000 tỉ đồng  nhưng Kiểm toán Nhà nước chỉ ra chủ đầu tư Bộ GTVT chưa chứng minh được hiệu quả tài chính, kinh tế-xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại. Hay nói khác đi không có gì chứng minh dự án đảm bảo hiệu quả tài chính.


Dự án đường sắt nội đô Hà Nội, trong đó có tuyến Cát Linh-Hà Đông 11 năm nay là nỗi nhức nhối về đầu tư công.
Ảnh:TL

Ví dụ: chi phí dự phòng điều chỉnh theo quyết định của Bộ GTVT không hề xem xét đến yếu tố trượt giá có xu hướng giảm của ba năm liền kề trong thời gian thực hiện dự án. Tỉ suất hoàn vốn nội bộ IRR của dự án (được sử dụng để đánh giá mức độ cần thiết của dự án) cho ra con số 2,44%, thấp hơn lãi suất đi vay ngân hàng cho thấy giá trị hiện tại thuần âm (NPV của dự án âm) nên về góc độ tài chính dẫn đến bù lỗ rất lớn vì dự án này đi vay vốn ODA của Trung Quốc 669,62 triệu đô la, chưa kể vốn đối ứng Việt Nam xấp xỉ 200 triệu đô la khác. Kiểm toán Nhà nước cũng từng xác nhận rằng khi phân tích hiệu quả kinh tế tại dự án kể trên, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến kết luận dự án hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng nếu phương án tài chính lập ra tính toán đầy đủ các chi phí vận hành là bù lỗ lớn.

Không phản ứng về những kết luận nêu trên của Kiểm toán, lãnh đạo Bộ GTVT nói rằng: “không riêng gì ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng khẳng định các dự án đường sắt nói chung không thể thu hồi được vốn bởi đường sắt không phải dự án có hiệu quả thương mại cao”, theo ông Đông. Và ông nói thêm cuối giờ chiều ngày 27/9 rằng Bộ GTVT đã giải thích với Kiểm toán Nhà nước hiệu quả kinh tế dự án tại thời điểm lập dự án (2008) là 12%, hiệu quả tài chính trên dưới 2%.

Tuy nhiên, từ khi lập dự án đến nay đã qua 11 năm, dự án đội vốn hơn 200%, chưa thể hoàn thành thì tất cả những thông số trên đã không còn giá trị nữa.

Người được giao phụ trách lĩnh vực đường sắt của Bộ GTVT cũng giải thích thêm rằng việc hoàn vốn đường sắt khó nên thế giới chỉ kêu gọi đầu tư tư nhân vào khai thác toa xe, chở hàng...thay vì đầu tư hạ tầng. Việc đầu tư hạ tầng chủ yếu do nhà nước để phát triển giao thông công cộng.

Tuy nhiên, với một dự án sử dụng hơn 18 ngàn tỉ đồng vốn ngân sách và ODA nhưng đến thời điểm này, công ty tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (ACT) của Pháp mà Bộ GTVT thuê giám sát dự án vẫn khẳng định chưa có đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của hệ thống, chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định, chưa đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên thời gian để dự án gần 20 ngàn tỉ đồng đi vào khai thác đến nay vẫn mờ mịt.

Lan Nhi

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 8616 khách Trực tuyến

Quảng cáo