Bộ GTVT: giao AVC xây dựng nhà ga T3 để thúc đẩy tiến độ

Thứ tư, 20 Tháng 3 2019 20:19 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã quyết định đề xuất Chính phủ giao cho Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, và xem đây là giải pháp thúc đẩy tiến độ của dự án này, từ đó cải thiện tình trạng quá tải của hai nhà ga hiện hữu T1 và T2 tại Tân Sơn Nhất.

Thông tin nói trên được ghi nhận từ buổi tọa đàm trực tuyến "Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất?" do Báo Giao thông tổ chức chiều ngày 19/3.


Quy hoạch sân đỗ máy bay và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
(Ảnh: Bộ GTVT)

Buổi tọa đàm nói trên quy tụ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư nhằm làm rõ tình trạng quá tải và nguy cơ chậm tiến độ của dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời hiến kế "giải cứu" sân bay đông đúc nhất cả nước này. Các khách mời tham dự tọa đàm gồm có: Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ; Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo; Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh; Phó Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Lê Quốc Khánh; Phó giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng công trình hàng không - ADCC (Bộ Quốc phòng) Nguyễn Đình Chung; Chủ tịch Tập đoàn IPP Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn.

Theo số liệu của Bộ GTVT, công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất là 28 triệu hành khách. Năm 2018 đã đạt mức 38,3 triệu. Việc đầu tư nhà ga T3 phải mất 4 năm, đến năm 2021 mới có thể đưa vào hoạt động. Cảng hàng không Long Thành, với tiến độ Quốc hội giao là 2025 phải hoàn thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu hành khách.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết việc đề xuất chọn Tổng công ty cảng hàng không ACV thực hiện xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là do ACV là nhà khai thác có kinh nghiệm nhất và có nguồn lực để đầu tư dự án. Theo đó, ACV đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về dự án. Tổng vốn đầu tư cho dự án vào khoảng 11.000 tỉ đồng. "Bộ GTVT đã giao cho ACV chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ để xin chủ trương đầu tư trong tháng 4 tới”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.

ACV hiện đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước, được đánh giá là nhà khai thác có kinh nghiệm và có nguồn lực để đầu tư. Vừa qua, mới có thêm một nhà khai thác nữa là Tập đoàn SunGroup đang khai thác sân bay Vân Đồn.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, khi lựa chọn phương án đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, có nhà đầu tư chỉ cần làm 1-2 năm là xong. Tuy nhiên, nếu chỉ riêng công tác xây lắp một nhà ga công suất 20 triệu hành khách, điều đó là không thể. Đó là chưa nói đến công tác chuẩn bị đầu tư (lập dự án tiền khả thi, khả thi). Nếu là công trình loại A, phải thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Sau khâu chuẩn bị đầu tư mới đến giai đoạn đầu tư và cuối cùng là giai đoạn kết thúc đầu tư (bao gồm nghiệm thu, thanh toán…). Đối chiếu quy định hiện hành, không thể làm trong 1-2 năm.

Bộ GTVT cũng đã lên nhiều phương án tối ưu. Nếu thực hiện chỉ định thầu cũng phải mất tối thiểu 40 tháng. Từ đây, bộ quyết định giao ACV thực hiện dự án này. ACV thực hiện theo hình thức nào, liên danh liên kết với ai là quyền của ACV.

Khi ACV còn trực thuộc Bộ GTVT, cơ quan này đã giao ACV nghiên cứu thực hiện báo cáo tiền khả thi (Pre-FS), đây là dự án thuộc nhóm A, phải trình Thủ tướng xin chủ trương đầu tư.

Ở góc nhìn của một nhà đầu tư tư nhân, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP Liên Thái Bình Dương cho biết việc mời xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ga sân bay là tín hiệu đáng mừng. Từ kinh nghiệm là nhà đầu tư nhà ga quốc tế Cam Ranh, ông cho rằng để tư nhân đầu tư là góp phần tiếp sức cho ACV. Tiền túi bỏ ra nên chắc chắn họ sẽ giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng thi công, chỉ đạo 3 ca/ngày.

Cũng theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, ACV phải "cầm trịch", tránh trường hợp nhà đầu tư bán cổ phần cho người bên ngoài vào chiếm lĩnh. Về tiến độ, theo kinh nghiệm IPP đã làm tại sân bay Cam Ranh, chỉ cần 6-8 tháng chuẩn bị hồ sơ thiết kế và 19 tháng triển khai xây dựng.

Đối với dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, do mặt bằng rộng hơn, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm thi công. Với kinh nghiệm và tiềm lực đã có, IPP khẳng định có thể làm được nếu có cơ chế hợp tác.

Theo ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ vẫn duy trì và tồn tại song song với sân bay Long Thành. Cơ quan này đang triển khai thực hiện Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải hàng không đến 2020, tầm nhìn 2030, cũng là để giải quyết hạ tầng tại các cảng hàng không trọng yếu. Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh sân bay Tân Sơn Nhất, nâng tổng công suất lên 50 triệu hành khách, quy hoạch và kế hoạch đầu tư hạ tầng đều được tính toán dựa trên dự báo tăng trưởng hàng không.

Tháng 8/2018, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Tân Sơn Nhất. Tổng diện tích đất quy hoạch điều chỉnh là 791 ha, gồm 545 ha đất cảng hiện hữu, 19 ha đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ, 18 ha đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng, 35 ha đất bổ sung phía Nam và 171 ha đất bổ sung phía Bắc.

Theo quy hoạch, công suất nhà ga T1, T2 được nâng lên 30 triệu hành khách/năm, bổ sung nhà ga T3 ở phía Nam với công suất 20 triệu khách.

ACV hiện đã trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng ga hành khách T3 với công suất thiết kế 20 triệu khách/năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000 m2 đồng bộ sân đỗ máy bay, đường dẫn trên cao 2 làn xe, cầu cạn trước nhà ga 5 làn xe và sân đỗ ô tô, nhà để xe cao tầng. Dự kiến, tổng kinh phí hơn 11.430 tỉ đồng được đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.

Minh Anh

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: