Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng tình hình tranh chấp chung cư tại TPHCM có xu hướng tăng trong thời gian qua, trong đó, có 10 chung cư có tranh chấp gay gắt. Để giảm tranh chấp chung cư cần sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhà chung cư.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, thành phố có khoảng 1.000 chung cư thì có 100 chung cư có phát sinh tranh chấp, trong đó có 34 chung cư tranh chấp đến mức Sở Xây dựng phải xem xét giải quyết. Số liệu thống kê cho thấy tình hình tranh chấp xảy ra tại các chung cư có xu hướng tăng so với những năm trước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch (HoREA) cho biết, chanh chấp chung chư chủ yếu xoay quanh 6 vấn đề gồm việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, quỹ quản lý vận hành chung cư; sở hữu chung, sở hữu riêng; chất lượng công trình; quản lý, khai thác, kinh doanh bãi giữ xe...
Còn Bộ Xây dựng trong văn bản báo cáo Chính phủ năm 2018 chỉ ra 8 nguyên nhân. Trong đó, tranh chấp về phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng: nhà để xe… là tranh chấp gay gắt nhất khi chiếm 40 trên tổng số 108 dự án, tương đương khoảng 37%. Tiếp đến là tranh chấp liên quan đến việc chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị với 39 dự án, khoảng 36%. Ngoài ra, là các tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành, chất lượng công trình, chậm cấp giấy chứng nhận....
Bộ Xây dựng thừa nhận, một số quy định pháp lý về quản lý, sử dụng nhà chung cư như cách tính diện tích căn hộ, diện tích chung, riêng… chưa rõ ràng. Về quy định, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chưa phù hợp trong quản lý.
Bên cạnh đó, vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt, chưa giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài...
Ông Châu của (HoREA) nhận định, tranh chấp chung cư có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp, gay gắt hơn. Vì thế, cơ quan quản lý cần quan tâm xử lý không để tranh chấp chung cư trở thành điểm nóng năm 2019.
Để giảm tranh chấp chung cư, HoREA đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2016 và Thông tư 28/2016 về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Cụ thể, cần quy định chủ tài khoản của ban quản trị chung cư phải có tối thiểu 2 người trong ban quản trị. Kiên quyết thực hiện cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định UBND cấp phường tham gia hội nghị nhà chung cư thường niên, và có trách nhiệm hòa giải hoặc giải quyết ban đầu các tranh chấp xảy ra tại chung cư.
HoREA cũng đề nghị nên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư đảm bảo các nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện, bàn bạc dân chủ và tự giác chấp hành theo tinh thần của hương ước làng xã ngày xưa.
Ngoài ra, cần triển khai giáo dục kỹ năng thoát hiểm, cứu hộ trong các chương trình ngoại khóa ở các cấp học. HoREA cho rằng, việc sửa đổi bổ sung quy định về quy chế quản lý chung cư là rất cần thiết để giải quyết tranh chấp tại chung cư.
Lê Anh
(TBKTSG)
- Lãi suất vay mua nhà ở xã hội tăng lên 5%
- Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa: 5 nhà đầu tư sẵn sàng tham gia
- Hiệp hội Bất động sản TPHCM muốn có luật chung cư
- TPHCM nỗ lực giải cứu, "đất vàng" có tìm được nhà đầu tư?
- Xác định giá đất, nút thắt lớn trong sửa đổi Luật Đất đai
- Tư lệnh ngành Giao thông chốt tiến độ sân bay Long Thành và cao tốc Bắc Nam
- Đà Nẵng không cấp phép cho các dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường
- Khơi thông vốn tư nhân cho cơ sở hạ tầng
- 20.000 tỉ đồng làm đường Vành đai 3, “giải hạn” cho 4 tỉnh phía Nam
- Công bằng trong xử lý sai phạm quản lý đất đai