Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Những điểm mới về quản lý vốn vay ODA

Những điểm mới về quản lý vốn vay ODA

Viết email In

Ngày 30/6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, trong đó quy định rõ điều kiện được vay lại đối với UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

Về cơ bản, Nghị định 97 mới này nằm trong tổng thể, có hiệu lực song hành cùng Luật Quản lý nợ công (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) và chủ yếu tập trung làm rõ, cụ thể hóa những nội dung của chương V trong Luật Quản lý nợ công.  


Theo quy định mới, bên cạnh chính quyền địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp tư nhân cũng đã được quyền vay vốn ODA.
(Ảnh: Thành Hoa) 

Nghị định 97 có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, bên cạnh chính quyền địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp tư nhân cũng đã được quyền vay vốn ODA. Điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận vay đã được quy định rõ trong Luật Quản lý nợ công. Đó là có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động ít nhất ba năm; có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn vay, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định; có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định; có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá ba lần theo báo cáo tài chính của năm gần nhất so với năm thực hiện thẩm định; không bị lỗ trong ba năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán; không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị vay lại; thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật. Mức vay của doanh ngiệp không vượt quá 70% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Thứ hai, Nghị định 97 được xây dựng theo hướng tăng cho vay lại đối với chính quyền địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập thay vì hình thức cấp phát là chủ yếu như trước đây. Điều này sẽ tăng trách nhiệm quản lý, giải trình của bên nhận vay lại, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Tỷ lệ cho vay lại cũng được quy định rõ. Cụ thể, đối với UBND cấp tỉnh, nó được xác định theo một số nguyên tắc: địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 30%; địa phương có tỷ lệ này từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 40%; địa phương có tỷ lệ này dưới 50%, tỷ lệ cho vay lại là 50%. Địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương thì tỷ lệ cho vay lại là 70%. Riêng TPHCM và Hà Nội, tỷ lệ cho vay lại là 100%. Về tỷ lệ cho vay lại đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 97 nêu rõ: đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và kinh phí đầu tư, tỷ lệ vay lại là 100%; còn đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và một phần kinh phí đầu tư thì tỷ lệ vay lại là 50%.

Thứ ba, lãi suất cho vay lại sẽ bao gồm lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại. Mức phí quản lý cho vay lại bằng 0,25%/năm tính trên dư nợ. Dự phòng rủi ro cho vay lại sẽ là 0% đối với các khoản cho vay lại UBND cấp tỉnh; 1%/năm/dư nợ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và 1,5%/năm/dư nợ đối với doanh nghiệp.

Thứ tư, bên vay lại phải có hình thức bảo đảm cho tiền vay. Trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay lại (thay cho mức 100% trước đây). Trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm tiền vay giảm thấp hơn so với mức 120% giá trị dư nợ còn lại của khoản vay lại, bên vay lại có trách nhiệm bổ sung tài sản đảm bảo tiền vay nhằm đảm bảo mức tối thiểu nêu trên.

Thứ năm, các biện pháp quản lý cho vay lại cũng được quy định theo hướng chặt chẽ hơn trong chương III của Nghị định 97. Cụ thể, bên vay lại phải chịu trách nhiệm sử dụng vốn vay lại đúng mục đích, có hiệu quả; thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng vay lại; định kỳ hàng quí, đối chiếu tình hình nợ, bao gồm số rút vốn, số trả nợ, số dư nợ với bên vay lại. Đối với cơ quan được ủy quyền cho vay lại, định kỳ hàng năm, phải tổng hợp tình hình nợ của tất cả các khoản vay lại được ủy quyền quản lý, báo cáo, đối chiếu với Bộ Tài chính.

Thứ sáu, các tiêu chí phân loại nợ, quản lý và xử lý rủi ro cho vay lại cũng được đề cập cụ thể trong chương IV của Nghị định 97. Các khoản cho vay lại sẽ được phân loại định kỳ và tổng hợp vào bảng phân loại nợ thuộc chương trình quản lý rủi ro về nợ công theo tình trạng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay lại. Nhóm 1 bao gồm các khoản vay đang được trả nợ đầy đủ, đúng hạn; Nhóm 2 bao gồm các khoản vay có nợ quá hạn một kỳ trả nợ; Nhóm 3 có nợ quá hạn từ hai đến ba kỳ trả nợ; Nhóm 4 có nợ quá hạn từ bốn kỳ trả nợ trở lên; Nhóm 5 gồm khoản vay không có khả năng trả nợ. Trên cơ sở phân loại nợ, Bộ Tài chính áp dụng các nghiệp vụ quản lý rủi ro tương ứng. Cụ thể, đối với nợ quá hạn từ một kỳ trở lên, bên vay phải báo cáo về tình hình doanh thu, chi phí và cam kết bố trí đủ nguồn để trả nợ; không được xem xét các khoản vay mới. Đối với nợ quá hạn từ hai kỳ trở lên, bên vay lại duy trì số dư tài khoản với mức tối thiểu bằng hai kỳ trả nợ tiếp theo, chậm nhất 15 ngày trước kỳ trả nợ tiếp theo gần nhất. Đối với khoản nợ quá hạn từ ba kỳ trở lên, cơ quan cho vay lại được phép yêu cầu các ngân hàng nơi bên vay lại mở tài khoản trích tài khoản để trả nợ. Trường hợp khoản vay không có khả năng trả nợ, bên vay lại có trách nhiệm chấp hành các biện pháp xử lý, kể cả việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Về tổng thể, Nghị định 97 được đánh giá là tương đối cụ thể và có nhiều quy định mới phù hợp với chủ trương chung của Luật Quản lý nợ công. Đây cũng là văn bản hướng dẫn cần thiết để hoạt động cho vay lại vốn ODA được thực thi hiệu quả hơn trong thời gian tới. 

Linh Trang 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1663 khách Trực tuyến

Quảng cáo