Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Thiếu hậu kiểm trong phòng cháy chung cư

Thiếu hậu kiểm trong phòng cháy chung cư

Viết email In

Vụ cháy chung cư Carina Plaza, quận 8, TPHCM hôm 23/3 khiến 13 người thiệt mạng một lần nữa cho thấy việc thực thi và hậu kiểm khâu phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã bộc lộ nhiều vấn đề. 

Ở vụ cháy này, theo Phòng quản lý đô thị và Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận 8 thì chung cư Carina Plaza được kiểm tra hệ thống báo cháy, chữa cháy vào tháng 1/2018 và được kết luận bảo đảm bảo trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, khi vụ cháy xảy ra, người dân ở đây phản ánh cả hệ thống báo cháy và hệ thống phun nước chữa cháy tự động của chung cư đều tê liệt nên hậu quả để lại mới nghiêm trọng như vậy.  


Một góc chung cư Carina Plaza, quận 8, TPHCM - nơi xảy ra vụ cháy hôm 23/3
(Ảnh: Lê Vinh) 

Hiện nay, hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật và văn bản pháp luật Việt Nam về PCCC khá đầy đủ. Ví dụ, theo tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 3890:2009, tòa nhà từ 5 tầng trở lên phải trang bị hệ thống báo cháy tự động. Hệ thống báo cháy, chữa cháy sau khi đưa vào hoạt động phải được kiểm tra mỗi năm ít nhất 2 lần; được bảo dưỡng ít nhất 2 năm một lần. 

Còn theo quy chuẩn Việt Nam: QCVN 06:2010/BXD, cửa thoát hiểm không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Về bố trí họng nước chữa cháy, tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 2622:1995 cũng quy định rõ, các tòa chung cư phải bố trí từ 1 – 2 họng nước chữa cháy cho mỗi điểm bên trong tòa nhà với lượng nước mỗi họng là 2,5 lít/giây. Các họng chữa cháy bên trong tòa nhà phải bố trí cạnh lối ra vào như ở sảnh, hành lang và những nơi dễ thấy, dễ sử dụng.

Ngoài ra, trong Nghị định 79/2014, cũng quy định khá rõ về vấn đề phòng cháy chữa cháy ở các tòa nhà chung cư.

Mặc dù, đã có các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định... về PCCC cho nhà chung cư nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập trong việc thực thi và hậu kiểm. Điều này có thể thấy rõ qua vụ cháy chung cư Carina Plaza, khi mà hệ thống phòng cháy và chữa cháy vừa được kiểm tra cách thời điểm cháy hơn 1 tháng.

Theo số liệu của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM, năm 2017 đã tiến hành tổng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với 712 công trình cao tầng, 28 công trình siêu cao tầng, 70 trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố và đã phát hiện 139 cơ sở vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy với 116 lỗi vi phạm.

Việc phát hiện hàng trăm lỗi vi phạm về PCCC đã cho thấy việc thực hiện còn lơ là. Vì thế, khâu hậu kiểm là rất quan trọng, nếu kiểm tra chặt chẽ phát hiện được các vi phạm thì sẽ ngăn ngừa được các vụ cháy. Còn kiểm tra qua loa, bỏ qua các lỗi vi phạm thì hỏa hoạn có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Đã đến lúc cần phải quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan thực thi việc kiểm tra phòng cháy, chữa cháy. Ví dụ, cần quy định cụ thể rằng những người kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy của chung cư sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra.

Đối với chủ đầu tư, nếu phát hiện chủ đầu tư nào cho người dân vào ở khi hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu thì phải xử lý nghiêm kể cả về mặt pháp luật, tránh tình trạng vừa cho dân vào ở, vừa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu PCCC. Đồng thời, cần quy định chủ đầu tư phải cung cấp cho người dân giấy chứng nhận về PCCC khi bàn giao nhà.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần phân loại và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông các chung cư đảm bảo PCCC và các chung cư không đảm bảo để người dân được biết. Từ đó, người dân sẽ đề nghị chủ đầu tư khắc phục lỗi PCCC hoặc ít nhất là người dân có phương án dự phòng nếu xảy ra cháy.

Để giảm thiểu các vụ cháy chung cư, bên cạnh các quy định và các giải pháp của cơ quan chức năng thì chủ đầu tư hoặc ban quản trị các chung cư cần thường xuyên tập huấn cho người dân ở chung cư các kỹ năng phòng tránh khi xảy ra hỏa hoạn. Song song với việc tập huấn, người dân cũng cần có ý thức trong việc PCCC như không chấp nhận vào ở chung cư khi hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu, không hút thuốc ở tầng hầm để xe hoặc hành lang chung cư. 

Chỉ khi cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới giảm được số vụ và giảm thiệt hại cho người dân nếu không may xảy ra cháy chung cư. 

Lê Anh 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2327 khách Trực tuyến

Quảng cáo