TPHCM: Vi phạm xây dựng nhà cao tầng gấp 3 lần nhà riêng lẻ

Thứ tư, 27 Tháng 9 2017 00:15 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Tình trạng vi phạm xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TPHCM chỉ chiếm 2-3%, trong khi vi phạm đối với nhà cao tầng chiếm 10%. 

Thông tin này được ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết tại buổi họp về tình hình kinh tế-xã hội thành phố trong 9 tháng đầu năm 2017 diễn ra hôm 25/9.  


Nhà cao tầng vi phạm xây dựng cao hon nhiều so với nhà riêng lẻ
(Ảnh: Anh Quân) 

Theo tài liệu báo cáo tại cuộc họp, trong 9 tháng của năm 2017, Sở Xây dựng đã kiểm tra 51.557 lượt công trình xây dựng (so với cùng kỳ tăng 35,6%), đã phát hiện 1.595 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, chiếm 3,1% trên tổng số lượt kiểm tra (so với cùng kỳ tăng 24%). Trong đó, xây dựng không phép 830/1.595 trường hợp (so với cùng kỳ tăng 35,6%); công trình sai phép là 557/1.595 trường hợp (so với cùng kỳ tăng 15,1%). 

Tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng (xây dựng không phép, sai phép) vẫn còn diễn biến phức tạp ở các địa phương như quận 7, quận 9, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn.

Ông Tuấn cho biết, qua kiểm tra vi phạm nhà ở riêng lẻ chỉ chiếm 2-3%, trong khi công trình cao tầng chiếm 10%. Hiện toàn thành phố có tổng cộng 145 công trình nhà cao tầng đang xây dựng thì có 15 công trình vi phạm, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Đối với trách nhiệm của thanh tra xây dựng, ông Tuấn cho biết theo quy định, trách nhiệm kiểm tra, quản lý địa bàn, trong đó có hoạt động xây dựng là của cấp quận huyện; trong khi đó quận huyện không còn quản lý lực lượng thanh tra xây dựng, không có bộ máy thực hiện công vụ.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Tuấn phải đưa lực lượng thanh tra xây dựng về lại các quận, huyện. Tuy nhiên, việc này phải được các quận huyện thống nhất thì Sở Xây dựng sẽ trình kế hoạch lên UBND TPHCM trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh việc xây dựng sai phép, tình hình quản lý, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là các chung cư được đầu tư xây dựng theo Luật Nhà ở, diễn biến phức tạp, xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân, liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng và công tác quản lý, vận hành; tranh chấp phần sở hữu chung, sở hữu riêng.

Theo ông Tuấn, nhà chung cư tranh chấp chiếm 8-10% nhà chung cư của thành phố. Nguyên nhân xuất phát từ chủ đầu tư cũng có và cả từ ban quản trị nhà chung cư. Trong đó nguyên nhấn chính vẫn là liên quan đến kinh phí quản lý vận hành, có chung cư chi phí quản lý vận hành 5-7 tỉ đồng, có chung cư lên đến 50 -70 tỉ đồng.

Về giải pháp, ông Tuấn cho biết sẽ phân loại các vụ việc để tập trung giải quyết. Đồng thời, phối hợp với các quận, huyện để tập huấn cho các ban quản trị chung cư vì thời gian qua có nhiều ban quản trị và đơn vị vận hành chung cư chưa có kiến thức pháp luật về quản lý vận hành nhà ở. 

Lê Anh 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: