Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Ưu tiên vốn ODA cho hạ tầng đô thị, môi trường ở TPHCM

Ưu tiên vốn ODA cho hạ tầng đô thị, môi trường ở TPHCM

Viết email In

Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi cho TPHCM đầu tư các chương trình, dự án hạ tầng đô thị, môi trường và những chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn, theo Nghị định về một số cơ chế chính sách tài chính đặc thù cho TPHCM vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 10/6/2017 để áp dụng từ năm ngân sách 2017.  


Thi công tuyến metro số 1
(Ảnh: Văn Nam) 

Theo đó, việc bố trí vốn đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn thành phố được thực hiện theo nguyên tắc: đối với dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách thành phố, Chính phủ cho thành phố vay lại hoặc cấp phát một phần, thành phố bố trí vốn đối ứng từ ngân sách để trả gốc, lãi phần vay đúng hạn… 

Nghị định nói trên cũng nêu, đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương, UBND thành phố lập dự án kèm theo đề nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương. 

Theo một báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hồi cuối tháng 3/2017, UBND thành phố từng nêu các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công, trong đó có khó khăn về cơ chế pháp lý và giải ngân vốn ODA.

Theo UBND thành phố, hiện nay các dự án ODA trọng điểm của thành phố có tiến độ thực hiện rất tốt và đã có khối lượng chờ thanh toán tại Kho bạc Nhà nước thành phố. Tuy nhiên, việc ngừng giải ngân hiện nay từ kho bạc là không phù hợp với quy định của hợp đồng quốc tế đã ký và quy định của Việt Nam về quản lý hợp đồng, dễ gây phát sinh khiếu nại và các khoản tiền phạt, lãi do chậm thanh toán.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA cho các dự án, hạn chế tối đa những khiếu nại phát sinh từ phía các nhà thầu, thành phố đã có nhiều văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, bổ sung vốn ODA năm 2016 cho thành phố nhưng đến nay (tính đến cuối tháng 3/2017) vẫn chưa được xem xét giải quyết. 

Theo số liệu thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến kế hoạch nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 13.500 tỉ đồng (nếu tính luôn 10% dự phòng kế hoạch là 15.000 tỉ đồng), năm 2017 là 4.034,202 tỉ đồng (đến nay chưa được bố trí) nên không đáp ứng đủ vốn theo tiến độ giải ngân của các dự án ODA đúng như cam kết với các nhà tài trợ.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án sử dụng vốn ODA, phát huy hiệu quả sử dụng vốn ngân sách và tránh phát sinh khiếu kiện quốc tế, UBND thành phố đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chấp thuận bổ sung kế hoạch vốn ODA trung hạn 2016-2020 của thành phố là khoảng 48.762 tỉ đồng, riêng năm 2017 là khoảng 8.000 tỉ đồng.

Việc bố trí vốn ODA kịp thời cho TPHCM càng trở nên cấp bách khi nhiều thông tin mới đây cho thấy tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) là dự án sử dụng vốn ODA của TPHCM có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ đến sau năm 2020 khi phần vốn ODA chưa được trung ương bố trí dẫn đến không có tiền thanh toán cho nhà thầu kéo theo khả năng nhà thầu ngừng thi công.

Trước đó, sáng 27/4, báo cáo tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội của TPHCM, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM thông tin rằng năm nay dự kiến thành phố cần 5.200 tỉ đồng chi cho thi công tuyến metro số 1, tuy nhiên phần vốn ODA mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phân bổ chỉ được 2.900 tỉ đồng.

Từ tháng 9/2016, Bộ Tài chính yêu cầu kho bạc ngừng thanh toán tiếp cho các nhà thầu thi công tuyến metro số 1. Do vậy, trước tết, thành phố đã tạm ứng gần 1.000 tỉ đồng thanh toán cho các nhà thầu để công nhân có tiền về quê ăn tết. Tính đến ngày 26/4, số tiền mà thành phố nợ các nhà thầu là 1.339 tỉ đồng.

UBND thành phố cho biết hiện tại, thành phố theo dõi 20 dự án sử dụng vốn ODA đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 114.244 tỉ đồng, trong đó vốn ODA khoảng 97.801 tỉ đồng, vốn đối ứng khoảng 16.443 tỉ đồng. 

Văn Nam 
(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1570 khách Trực tuyến

Quảng cáo