Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật TPHCM tiếp tục tìm vốn ODA cho giao thông, môi trường

TPHCM tiếp tục tìm vốn ODA cho giao thông, môi trường

Viết email In

UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ thành phố trong việc vận động nguồn vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) và vốn vay ưu đãi cho các dự án ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường có quy mô lớn. 

Các dự án có quy mô lớn được UBND thành phố đề cập là dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 5, tuyến đường sắt đô thị số 3a (tuyến Bến Thành - Bến xe Miền Tây cũ), nhà ga trung tâm Bến Thành, dự án cải thiện môi trường nước (lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, giai đoạn 3).  


Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TPHCM.
(Ảnh: Anh Quân) 

Đối với dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương), UBND thành phố đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, có ý kiến đồng thuận chủ trương cho tổ chức thực hiện việc lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu song song với quá trình điều chỉnh dự án. Việc ký kết hợp đồng sẽ chỉ được thực hiện sau khi dự án điều chỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành. 

Theo một báo cáo ngày 12-5 gởi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan về tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi quý 1-2016, UBND thành phố cho biết hiện thành phố có 17 dự án đang triển khai sử dụng vốn ODA với tổng mức đầu tư khoảng 104.520 tỉ đồng, trong đó vốn ODA khoảng 88.900 tỉ đồng và còn lại là vốn đối ứng.

Đánh giá xếp loại về tình hình thực hiện và tiến độ chung các dự án ODA, chính quyền thành phố nhận định trong tổng số 17 dự án ODA, có 3 dự án xếp loại kém, 12 dự án xếp loại trung bình, 2 dự án loại khá và không có dự án nào xếp loại tốt.

Riêng trong quý 1-2016, tình hình giải ngân vốn ODA của các dự án đạt gần 20% kế hoạch vốn được giao. Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình thực hiện và tiến độ giải ngân của các dự án ODA được liệt kê gồm đền bù giải phóng mặt bằng và di dời các công trình tiện ích gặp nhiều khó khăn và tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch; việc thi công một số gói thầu gặp khó khăn do việc phân luồng giao thông, thi công trong khu vực hiện hữu hẹp và phải xử lý các công trình ngầm...

Ngoài ra, tiến độ giải ngân các dự án ODA còn bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh thiết kế và thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án, gia hạn hiệp định vay cho phù hợp với tình hình thực tế, xử lý một số tình huống trong đấu thầu.

Liên quan đến vốn nhu cầu vốn ODA trên cả nước, tại một hội thảo về cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh diễn ra hồi tháng 1/2016, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, cho biết để tạo ra sự hài hòa, tập trung nguồn lực cho các khu vực, địa bàn khó khăn hơn trong bối cảnh nợ công cao, Luật Ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2017 chính thức xác lập quyền bội chi của ngân sách địa phương. Nghĩa là các địa phương được "bật đèn xanh" gia tăng các khoản vay để bù đắp cho đầu tư dự án địa phương mình.

Việc này sẽ giúp các địa phương rành mạch hơn đâu là nợ, đâu là vốn được cấp phát, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, bởi khi vay phải có trách nhiệm hoàn trả nên khi bàn thảo ngân sách hàng năm địa phương sẽ phải tính đến kế hoạch trả nợ.

Theo ông Long, đến năm 2017 Việt Nam chính thức không được vay vốn ưu đãi nữa, sẽ phải chuyển dần sang vay thương mại, quy mô vốn ODA từ nay đến năm 2017 không nhiều nên vốn ODA còn lại sẽ dành cho các tỉnh khó khăn để nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng, còn các tỉnh, thành phố lớn ngay bây giờ phải chuyển dần sang giai đoạn vay vốn thương mại cho nhu cầu phát triển của địa phương. 

Văn Nam 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2321 khách Trực tuyến

Quảng cáo