Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Đường sắt đô thị Hà Nội: Vốn rót chừng nào là đủ?

Đường sắt đô thị Hà Nội: Vốn rót chừng nào là đủ?

Viết email In

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Thỏa ước tín dụng bổ sung 69 triệu euro cho Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội” nguồn vốn vay từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). 

Là một trong 3 dự án đang được triển khai, tuyến đường sắt đô thị, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 1.176 triệu euro bao gồm 9 gói thầu chính, trong đó đã có 5 gói thầu đang tiến hành được hơn 20% khối lượng công việc.  


Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội vừa phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cao hơn so với dự kiến ban đầu 

Được biết, hồi cuối tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 393 triệu euro (trong đó vốn ODA là 304,99 triệu euro, vốn đối ứng là 88,01 triệu euro) cho dự án này. 

Theo đơn vị chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội), Dự án được phê duyệt từ năm 2008 với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 783 triệu euro, nhưng trong quá trình thực hiện đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên thành 1.176 triệu Euro và đến thời điểm này, theo Thỏa ước tín dụng bổ sung mà Thủ tướng mới phê duyệt, tổng mức đầu tư đã tăng lên 1.245 triệu euro. 

Mặc dù Dự án mới đang trong giai đoạn khởi công những hạng mục đầu tiên, cùng với việc tiến hành giải phóng mặt bằng các ga ngầm, nhưng TP. Hà Nội vẫn đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2018.

Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội ngày 9/1 vừa qua, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với 4 ga ngầm (S9, S10, S11, S12) thuộc dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 4 ga ngầm trước 30/4/2016.

Theo chủ đầu tư, thời điểm này, Dự án đã trình Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Ba Đình thẩm định phương án thu hồi bãi đỗ xe Ngọc Khánh và hoàn thành xác nhận nguồn gốc đất cho 25/30 phương án (ga S10), 35/72 phương án (ga S11) và đã hoàn chỉnh phương án bồi thường với các hộ dân còn lại.

Không chỉ có tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội phải điều chỉnh tổng mức đầu tư với số vốn “khủng”, ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) cũng đang trong giai đoạn điều chỉnh tổng mức đầu tư và vẫn chưa có kế hoạch khởi công.

Được duyệt cùng thời điểm năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng (tương đương 131 tỷ yên), dù chưa triển khai, nhưng dự án này đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên đến 51.700 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đã rà soát tổng mức đầu tư và trình phê duyệt từ tháng 12/2013, đến nay vẫn chờ Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định về việc tổng mức đầu tư sau 7 năm đã tăng tới gần 3 lần.

Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải), ngoài việc đội vốn, vướng mắc chính của dự án này do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. “Phạm vi giải phóng mặt bằng thuộc các khu vực nhạy cảm, đông dân cư; công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, đặc biệt là các nhà ga trung tâm; mặt bằng depot hiện nay chưa xác định được địa điểm tái định cư nên chưa thể họp dân”, văn bản của Cục nêu rõ.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thuê một công ty tư vấn của Anh thẩm tra dự án, trước tháng 4/2016 sẽ có báo cáo. Chúng tôi kiến nghị thẩm tra nhanh để tiếp tục triển khai Dự án”, ông Nguyễn Quang Mạnh cho biết thêm. 

Trang Nguyễn 
(Báo Đầu tư)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2001 khách Trực tuyến

Quảng cáo