Cần tới 6.305 tỉ đồng để nâng cấp và quản lý đường bộ Việt Nam

Chủ nhật, 04 Tháng 1 2015 00:22 TBKTSG
In

Ngày 3/1/2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã khởi công nâng cấp hai cây cầu Tràng Thưa và Cống Neo trên quốc lộ 38B tỉnh Hải Dương thuộc dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam vay vốn Ngân hàng Thế giới. Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam có chiều dài 18.000 km, cần số vốn đầu tư 6.305 tỉ đồng.

Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thuộc Bộ GTVT), gói thầu nâng cấp cầu Tràng Thưa và cầu Cống Neo trên quốc lộ 38B nhằm thay thế cho hai cầu cũ xây dựng từ những năm 80. Hai cầu cũ này có bề rộng mặt cầu từ 3,5 đến 7 mét, tải trọng xe tối đa từ 10 đến 13 tấn, không đáp ứng được các yêu cầu vận tải hiện tại, nhất là khi toàn bộ tuyến quốc lộ 38B đoạn Hải Dương – Hưng Yên đã được nâng cấp lên đường tiêu chuẩn cấp III đồng bằng (bề rộng mặt đường là 12 mét).


Lễ khởi công hai cây cầu trên quốc lộ 38B tỉnh Hải Dương ngày 3/1
(Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam)

Gói thầu này sau khi hoàn thành sẽ giải quyết được hai nút thắt giao thông trên quốc lộ 38 B nối Hải Dương và Hưng Yên, đồng thời, kết nối đồng bộ với các tuyến quốc lộ huyết mạch phía Bắc như quốc lộ 5, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 39 đi Thái Bình,...

Gói thầu nâng cấp hai cây cầu này nằm trong hợp phần C dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (Dự án RAMP) với tổng mức đầu tư 301 triệu đô la Mỹ, tương đương 6.305 tỉ đồng, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới là 251 triệu đô la Mỹ và vốn đối ứng của Việt Nam là 50 triệu đô la Mỹ.

Chủ đầu tư thực hiện là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đại diện chủ đầu là Ban Quản lý dự án 3 (PMU3). Các gói thầu xây lắp, tư vấn của dự án hầu hết được tuyển chọn và đấu thầu theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế (ICB), các nhà thầu hợp lệ trong nước và quốc tế đều có cơ hội như nhau để tham gia đấu thầu.  

Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam gồm bốn hợp phần chính:

- Hợp phần A (Quản lý tài sản đường bộ) bao gồm xây dựng khung cơ sở dữ liệu đường bộ, phát triển hệ thống và kế hoạch quản lý tài sản đường bộ, thu thập dữ liệu đường bộ.

- Hợp phần B (Bảo trì tài sản đường bộ) gồm việc bảo trì cho quốc lộ 2 đoạn Hàm Yên (Tuyên Quang) đến Hà Giang. Hợp phần này cũng bảo trì định kỳ 2 tuyến quốc lộ khác là Quốc lộ 48 (Nghệ An) đoạn Km 0 - Km20 và Quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La. Ngoài ra, hợp phần này có các hợp đồng tư vấn giám sát,  nghiên cứu và so sánh các phương thức bảo trì đường bộ; hàng hóa và thiết bị cho quản lý dự án.

- Hợp phần C (Nâng cấp tài sản đường bộ), gồm đầu tư cải tạo, nâng cấp ba tuyến quốc lộ là Quốc lộ 38 đoạn Quán Gỏi - Yên Lệnh;  Quốc lộ 39 đoạn Triều Dương-Hưng Hà và đoạn Vô Hối-Diêm Điền. Trong hợp phần C cũng xây dựng bốn cầu trên Quốc lộ 38B, gồm cầu Tràng Thưa, Cống Neo, cầu Tràng và cầu Cáp.

- Hợp phần D (Tăng cường năng lực) bao gồm đổi mới công tác quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; vận hành Quỹ Bảo trì đường bộ; xây dựng bộ thiết kế định hình các hạng mục công trình giao thông.

Sau khi toàn bộ dự án hoàn thành sẽ tạo sự kết nối đồng bộ giữa các vùng kinh tế trọng điểm như kết nối khu vực đồng bằng Bắc Bộ gồm Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình (Quốc lộ 38B, Quốc lộ 38, Quốc lộ 39) và Hải Phòng (Quốc lộ 5, Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng). Đồng thời, kết nối khu vực miền núi phía Bắc là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Dự án cũng sẽ xây dựng một hệ thống quản lý tài sản mạng lưới đường bộ Việt Nam (cho khoảng 18.000 km đường quốc lộ), áp dụng các phương pháp khoa học vào theo dõi, phân tích để xác định kế hoạch đầu tư hàng năm, trung hạn và dài hạn cho hệ thống mạng lưới đường quốc lộ Việt Nam.

Lê Anh (TBKTSG)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: