Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật CII: Rủi ro từ huy động vốn

CII: Rủi ro từ huy động vốn

Viết email In

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) được biết đến như một công ty chuyên về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng gần đây, thông qua việc tái cơ cấu, CII còn cho thấy sự khéo léo trong nghệ thuật sắp đặt trên nhiều phương diện. 

Theo báo cáo tài chính quý II/2014, CII hiện sở hữu 8 công ty con và 9 công ty liên kết. Mặc dù các công ty này đều cùng hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nhưng việc quản lý nhiều công ty nhỏ cũng khiến cấu trúc của CII trở nên rối rắm.

Nhìn thấy được việc đó, CII đã định hướng chiến lược phát triển trong trung và dài hạn để tái cấu trúc Công ty, phân chia lại các hoạt động tập trung vào 5 mảng chính gồm cầu và đường (CII Bridge & Road), nước (CII Water), thi công xây dựng (CII E&C), bất động sản (CII Land) và dịch vụ (CII Service). Theo đó, 5 công ty này sẽ đầu tư và quản lý dự án theo lĩnh vực chuyên môn và công ty mẹ CII không tham gia vào quá trình thi công mà chỉ tập trung vào phân bổ dự án và huy động vốn cho các công ty này. Trong đó, át chủ bài của CII chính là CII Bridge & Road, vốn được tái cơ cấu từ Công ty Cổ phần Cơ khí Điện Lữ Gia (LGC). 

  • Ảnh bên: Dự án cầu Bình Triệu 2 do CII làm chủ đầu tư. 

Ngay sau khi tái cơ cấu CII Bridge & Road, CII bắt đầu mạnh tay đi những nước cờ lớn. Đầu tiên là việc chuyển 7 dự án sang cho CII Bridge & Road với giá chuyển nhượng lên đến gần 2.000 tỉ đồng. Và cũng như cách thường thấy của CII, CII Bridge & Road giải quyết bài toán về vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi. Tuy nhiên, với phương án mà CII đưa ra cho công ty này, gần như toàn bộ giá trị của các đợt phát hành đều quay về lại công ty mẹ CII, rồi từ đó sẽ được CII phân phối lại trên thị trường.

Hay nói cách khác, CII sử dụng uy tín và vị thế trên thị trường để “hỗ trợ” công ty con kêu gọi vốn. Việc này không chỉ giúp CII Bridge & Road có thể huy động thành công, mà đem lại khoản lợi nhuận cho CII ước tính lên đến gần 1.400 tỉ đồng. Chỉ với một mũi tên, hai mục tiêu đã được hạ gục.

Tuy nhiên, có vẻ như sự sắp đặt của CII vẫn có nhiều góc tối. Theo dữ kiện lịch sử, hầu hết các dự án trong 7 dự án chuyển giao cho CII đều đã từng được huy động vốn để đầu tư thông qua hình thức phát hành trái phiếu chuyển đổi một hoặc nhiều lần. Cho đến thời điểm chuyển đổi, về bản chất, khoản tài trợ này vẫn là khoản nợ. Như vậy, khi CII Bridge & Road huy động vốn đầu tư cho những dự án này thông qua phát hành trái phiếu, đồng nghĩa với việc CII tiếp tục sử dụng nợ để tài trợ cho các dự án đó. Nói cách khác, đòn bẩy tài chính đang được sử dụng một cách “tinh tế” .

Mặc dù khá rủi ro nhưng đòn bẩy cao lại ít được nhìn thấy, do nghĩa vụ nợ của cùng dự án lại được phân bổ ở cả công ty mẹ CII và công ty con CII Bridge & Road. Điều này sẽ dẫn đến việc báo cáo tài chính của cả 2 công ty đều đẹp hơn so với bản chất nếu xét riêng từng dự án.

Về phía CII Bridge & Road, với 1.955 tỉ đồng tổng giá trị 7 dự án được ghi nhận vào tài sản, tương ứng 1.200 tỉ đồng được hạch toán vào nợ vay và 755 tỉ đồng còn lại sẽ đi vào khoản mục vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán - một tỉ lệ nợ tương đối an toàn với đặc thù ngành. Còn CII, tạm thời nếu chưa tính đến việc bán lại cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi, bảng cân đối kế toán chỉ thay đổi ở việc kết chuyển từ phần tài sản (giá trị sổ sách của 7 dự án) sang khoản mục đầu tư (đầu tư tài chính và đầu tư vào công ty con) mà không ảnh hưởng đến cấu trúc tài chính.

Tuy nhiên, tiền huy động thật (giá gốc khoản đầu tư bán ra + phần thặng dư) chỉ xuất hiện khi CII bán bớt cổ phần và phát hành trái phiếu hoán đổi thành công. Tiền chạy về túi CII, bản chất là tiếp tục sử dụng đòn bẩy nợ nhưng cấu trúc tài chính lại trở nên “đẹp” hơn bởi được đánh bóng bằng tiền tươi và phần “lợi nhuận chưa phân phối” vào cuối kỳ báo cáo.

Tại sao CII lại quan tâm đến hệ số nợ trên báo cáo tài chính của mình? Đơn giản là vì con số này đã và đang ở mức báo động trong thời gian gần đây. Cuối năm ngoái hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của CII là 3,6 lần và tỉ lệ này đã nhảy lên mức 4,2 lần tính đến cuối quý II/2014.

Không những vậy, vào tháng 11.2013, VietinBank đã mua lại gần 3.200 tỉ đồng nợ của CII từ các tổ chức tín dụng khác và tài trợ thêm 1.200 tỉ đồng thông qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp do CII phát hành. Chỉ tính riêng 2 khoản trên, CII đã nợ VietinBank tổng cộng gần 4.400 tỉ đồng. Vậy nếu tiếp tục đứng ra phát hành trái phiếu, CII sẽ thể hiện một cấu trúc tài chính khá yếu trên báo cáo. 

Trên thực tế, CII là một công ty hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, một lĩnh vực vốn ít doanh nghiệp tư nhân tham gia do đòi hỏi đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài. Đặc biệt là khi CII thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển từ bán dự án sang khai thác cho đến cuối dòng đời của dự án thì huy động vốn cho những dự án mới trở nên khó khăn hơn. Điều này thể hiện rõ ở những con số nói trên. Tuy nhiên, hy vọng rằng với dòng tiền ổn định thu từ các dự án trong những năm tiếp theo, CII sẽ giảm được tỉ lệ nợ lớn và không đi vào tình trạng một dự án được đối ứng cho nhiều tầng nợ nhằm đảm bảo an toàn cho các khoản vay. 

Thanh Hà (Nhịp cầu đầu tư) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2922 khách Trực tuyến

Quảng cáo