Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Đầu tư bãi đậu xe: Thiếu “đất lành”

Đầu tư bãi đậu xe: Thiếu “đất lành”

Viết email In

Trong bối cảnh nhiều dự án bãi đậu xe (gồm cả bãi ngầm và bãi cao tầng) bế tắc trong việc triển khai xây dựng thì việc một số bãi đậu xe mới đi vào hoạt động đang phải đối mặt với sự "cạnh tranh, lấn át" không lành mạnh của các bãi đậu xe tự phát nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu vực khiến không ít nhà đầu tư nản lòng.

Tháng 5/2013, Cty TNHH Cơ khí, xây dựng và thương mại Tiên Tiến đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng công trình nhà để xe năm tầng tại đường Chế Lan Viên (quận Tân Phú) - khu nhà để xe do tư nhân đầu tư lớn nhất thành phố hiện nay. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án cho biết “Chúng tôi đang xin phép TP cho chuyển đổi công năng bãi xe sang kinh doanh kho hàng, cùng với kinh doanh cây xăng, rửa xe”.  


Bãi đậu xe Tiên Tiến 

Không thể cạnh tranh 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Cơ khí - Xây dựng và thương mại Tiên Tiến - Nguyễn Văn Tiến cho biết: Công trình bãi đỗ xe của Cty (bãi đậu xe Tiên Tiến) xây dựng theo hình thức kết cấu bằng thép lắp ghép trên diện tích 37.000 m2, áp dụng mô hình quản lý và điều hành tự động theo công nghệ Nhật Bản với số vốn đầu tư lên tới 20 triệu USD. Công trình đáp ứng được 1.500 chỗ đậu xe ô tô và 1.500 chỗ đậu xe máy. Ngoài ra, khu nhà để xe còn có các dịch vụ tiện ích khác như sửa chữa, bảo dưỡng xe, nhà lưu trú nghỉ ngơi cho lái xe, cây xăng... 

Theo ông Tiến, mức giá của bãi xe Tiên Tiến được tính theo block giờ và thực thiện tự động hoàn toàn bằng máy móc. Cụ thể, đối với ô tô, giờ đầu tiên là 10.000 đồng, hai giờ tiếp theo tính thêm 10.000 đồng, ba giờ tiếp theo cộng thêm 10.000 đồng... còn xe máy giá gửi một ngày đêm là 8.000 đồng. Với mức giá này, Cty Tiên Tiến tính toán: Nếu hoạt động hết công suất cả 5 tầng giữ xe, trong điều kiện không còn bãi xe tự phát cạnh tranh thì phải mất 20 năm mới có thể thu hồi vốn. 

Tuy nhiên, thực tế, sau 1 năm đi vào hoạt động, bãi đậu xe Tiên Tiến đang gặp phải sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ các bãi xe tự phát trong khu vực. Do không phải bỏ nhiều vốn đầu tư các hạng mục, thiết bị an toàn, thực hiện trách nhiệm đóng thuế... cho nên các bãi đậu xe nhỏ lẻ, tự phát thu phí ở mức thấp. “Và cứ với tình trạng này, khả năng thu hồi vốn của DN là không thể” - ông Tiến chia sẻ. 

Cần cơ chế điều tiết hợp lý

TP cần có chính sách quản lý nghiêm túc, tránh tình trạng mời gọi đầu tư rồi “bỏ ngỏ” không có cơ chế hỗ trợ cho nhà đầu tư. 

Ông Tiến phân tích: Vay hàng trăm tỷ đồng đầu tư, nhưng hiện 1 tháng nhà để xe mới chỉ có 400- 500 xe ô tô/ tháng, thu nhập bình quân 1 tháng chưa tới 500 triệu đồng, trả lương cho nhân viên đã mất 300 triệu đồng, còn lại không đủ trả số tiền lãi 1 tỷ đồng/tháng cho ngân hàng. “Đấy là đất của mình, tự tay Cty thiết kế thi công, chứ nếu mọi thứ đều phải đi thuê thì còn bi đát nữa” - ông Tiến chua chát. 

Khi được hỏi về sự hỗ trợ của TP trong việc xây dựng bãi đậu xe, ông Tiến cho biết: "Tôi đầu tư mua đất từ năm 2009, trải qua một quá trình “trầy trật” tới năm 2013 mới được cấp phép xây dựng. Quá trình chậm trễ ấy nhiều người cho là Cty khó khăn về tài chính nhưng thực sự không phải như vậy. Cái vướng nhất là thủ tục phiền hà, bên này nói được, bên kia bảo không, dùng dằng mất hơn 4 năm, cuối cùng cũng với những chứng từ đó, không cần bổ sung gì vẫn được cấp phép, việc kéo dài đã khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn do trượt giá". "Chủ trương của TP luôn ưu ái, kêu gọi đầu tư vào bãi xe nhưng khi DN đầu tư rồi lại không có giải pháp để cạnh tranh bình đẳng nên DN chúng tôi nản...” - ông Tiến cho biết.
Theo ông Tiến, bãi xe cao tầng chỉ thực sự hoạt động hiệu quả khi có sự quy hoạch bãi xe hợp lý, xóa xổ các bãi xe tự phát nhưng điều này vô cùng khó vì nó ảnh hưởng tới quyền lợi của một số cá nhân. Chúng tôi chỉ còn biết trông mong vào sự thay đổi của chính quyền, hiểu cho nỗi khổ của DN mà có những biện pháp lập lại môi trường cạnh tranh công bằng.

Còn theo ông Võ Kim Cương - Nguyên PGĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM: Cho dù không nằm trong quy hoạch thì các bãi xe tự phát cũng cần phải nằm trong sự điều tiết của địa phương một cách hợp lý, tránh tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”. Khi “mọi sự đã rồi” thì không chỉ DN càng đầu tư lớn càng chịu thiệt hại nặng nề mà chính khách hàng cũng là người lãnh hậu quả. Đơn cử như vụ cháy bãi xe tự phát ở Bình Chánh vừa rồi, cuối cùng thiệt hại người dân chịu mà không được hỗ trợ đền bù gì.

Ông Cương cũng cho rằng: Đối với các bãi xe tự phát, TP cần sớm ban hành một khoản thuế gọi là thuế điều tiết; Bắt buộc các chủ bãi xe này phải đầu tư hạ tầng mới được phép giữ xe, thậm chí cần phải ký quỹ để ràng buộc họ. Đồng thời, nhà nước cũng cần phải có chính sách quản lý thật sự nghiêm túc, tránh tình trạng mời gọi đầu tư rồi “bỏ ngỏ” không có cơ chế hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Thanh Huyền 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2532 khách Trực tuyến

Quảng cáo