Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Dự án Giới thiệu dự án 9 đề cử chính thức cho danh hiệu “Dự án Tương lai của Năm” tại Ashui Awards 2019

9 đề cử chính thức cho danh hiệu “Dự án Tương lai của Năm” tại Ashui Awards 2019

Viết email In

Ashui Awards 2019 vừa công bố danh mục 92 đề cử chính thức tại 10 hạng mục bình chọn danh hiệu của năm. Chúng ta cùng chiêm ngưỡng 9 đề cử cho danh hiệu “Dự án Tương lai của Năm” (Future Project of the Year) dưới đây.

Công viên 23/9 (TPHCM) / thiết kế: LAVA+ASPECT Studio

Ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu vực công viên 23/9 tại Quận 1, TPHCM của Công ty TNHH LAVA (Laboratory for Visionary Architecture / Úc) liên danh cùng ASPECT Studio hình thành từ 4 yếu tố: thiên nhiên (tôn trọng mảng xanh hiện hữu, thay đổi cao độ thiết kế tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên); con người (tăng tính kết nối và không gian sinh hoạt công cộng như đài phun nước, đường đi bộ, đường chạy xe đạp, các dụng cụ tập thể thao, sân trượt patin…); quá khứ (truyền tải giá trị lịch sử khu vực từng là ga xe lửa đầu tiên ở Đông Dương); tương lai (áp dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường).

Bảo tàng Cao Bằng / thiết kế: DCCD6

Bảo tàng tỉnh Cao Bằng được tạo nên với cấu trúc đa lớp vỏ, tổ hợp bởi 5 khối chính – tượng trưng cho ngũ hành ; các khối hình vuông và chữ nhật đan xen, gọt giũa theo hình tháp ngược và vuốt nhọn ở đỉnh như những ngọn núi soi bóng xuống hồ nước cạn; các khối tròn hòa quyện vào nhau như những dải mây trắng quyện hòa vào hình ảnh ruộng bậc thang trong nắng sớm. Nó cũng gợi hình ảnh về Văn hóa – Truyền thống và Bản sắc là sức bật giúp Cao Bằng phát triển.

Bảo tàng Đà Nẵng / thiết kế: studioMilou Singapore

Dự án bảo tàng Đà Nẵng sẽ là một ví dụ thành công của một bảo tàng đương đại cấp thành phố, đồng thời là một ví dụ điển hình về việc tái sử dụng một cách hợp lý tòa nhà hiện có. Phương án thiết kế của studioMilou cố gắng bổ sung một phần riêng biệt cho tòa nhà lịch sử hiện tại, nhưng vẫn sẽ tôn trọng các điều kiện bảo tồn nghiêm ngặt nhất bởi thiết kế này không xâm phạm, có thể tháo rời, và rất mạch lạc. Dự án này sẽ không chỉ là điểm đến của những người yêu thích bảo tàng, mà còn là một không gian cộng đồng cho toàn thành phố.

Bảo tàng Gốm Bát Tràng / thiết kế: 1+1>2

Bảo tàng lấy cảm hứng từ hình ảnh những khối bàn xoay “vuốt gốm” giao thoa với nhau, nhào nặn nên tác phẩm với những mặt cong đa diện, chuyển động mềm mại và tự do. Ở một góc khác lại thấy hình ảnh Lò bầu cổ của người Bát Tràng xưa. Nhìn từ bên kia sông, những nét ngang trượt theo mặt cong như sự tiếp nối dòng chảy sông Hồng – từ ngàn năm nay đã ôm trọn làng gốm. Cấu trúc và kết cấu lớp vỏ không chỉ mang tính chất tạo hình, mà hợp lý về công năng sử dụng.

Mizuki Park / thiết kế: NQH Architects

Quy hoạch khu đô thị Mizuki Park ở Nam Sài Gòn lấy cảm hứng từ thiền họa Enso Nhật Bản: là biểu tượng của sự giác ngộ, sức mạnh, sự tao nhã và vạn vật trong vũ trụ; biểu tượng của sự giải phóng tự do, tư duy không gò bó; là sự cân bằng và tiếp diễn của cuộc sống. Sự liên kết được thể hiện qua các tuyến đường nội khu cũng như các mạch kênh đào chảy xuyên qua khu đô thị, giúp cư dân nơi đây tận hưởng các tiện ích một cách dễ dàng, phục vụ mọi khía cạnh cuộc sống như giải trí, giáo dục, thương mại, y tế, cộng đồng, thể thao…

Share Tower / thiết kế: HML-architecture

Với ý niệm về sự chia sẻ, khai thác gió mát từ hồ Tây thổi vào, ngoài việc công trình được hưởng lợi từ tự nhiên, sẽ chia sẻ cho những khu dân cư thấp tầng phía bên trong. Cho đi cũng chính là nhận lại, việc bỏ bớt diện tích tạo các khoảng trống đã góp phần cải tạo vi khí hậu cho tòa nhà với toàn bộ các không gian tràn ngập nắng và gió. Khu công cộng tầng trệt hòa vào dòng chảy giao thông của đô thị, gắn kết công trình và bối cảnh thành một thể hữu cơ đầy sức sống.

Trống Space / thiết kế: HML-architecture

Đây là một dự án khách sạn boutique tiêu chuẩn 5 sao tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cảm hứng thiết kế từ không gian của khu phố cổ Hà Nội, với những khoảng trống đặc trưng, là nét văn hóa các làng nghề thủ công truyền thống với 36 phố phường. Các KTS muốn bỏ bớt những khoảng không gian sử dụng tiện ích trong công trình để tạo lập những khoảng trống dành cho việc tích hợp các hoạt động văn hóa phục vụ cộng đồng, quảng bá văn hóa Hà Nội, cải thiện không gian sống của người dân thủ đô bớt ngột ngạt.

Trụ sở Đài PT-TH Bà Rịa Vũng Tàu / thiết kế: NBD Architects

Xuất phát từ ý niệm đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, con ngươi như một viên ngọc quý, ánh nhìn là hình thức giao tiếp, trao đổi thông tin và cảm xúc vừa rõ ràng mà lại ý nhị, các KTS đã khéo léo cách điệu hình ảnh đôi mắt, tạo nên một công trình vừa có tính biểu tượng vừa có cấu trúc hợp lý về công năng và thẫm mỹ. Công trình bố trí theo hai trục đường lớn dễ dàng nhận diện và tiếp cận, đồng thời tạo nên cảnh quan hấp dẫn, tăng cường sự tương tác cho không gian công cộng và cũng như tạo tra một môi trường làm việc hiệu quả.

Water Hope / thiết kế: Idee Architects

Dự án thiết kế một nhà spa kết hợp tắm bùn, nằm giữa một bối cảnh những đồi cát Cam Ranh. Các KTS muốn tạo một công trình như một ốc đảo chìm trong cát, đồng thời tích hợp những giải pháp nhằm tích trữ nước cho mùa khô hạn, từ đó sinh ra một nguồn sống dần cải tạo môi trường xung quanh. Gửi gắm trong đồ án là cảm hứng từ sức sống mãnh liệt của cây xanh duy nhất đã sống trên đồi nhiều năm, cùng niềm hy vọng có thể cải tạo và mang lại màu xanh tự nhiên cũng như có nguồn nước dồi dào với ý nghĩa sức sống do cong người mang lại.

  • Các bạn có thể tìm hiểu thêm và tham gia bình chọn đến hết ngày 30/12 tại website: https://ashui.com/awards/
  • Kết quả sẽ được công bố rộng rãi vào ngày cuối cùng của năm, 31/12/2019.

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2606 khách Trực tuyến

Quảng cáo