Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Công nghệ Ứng dụng Cẩn trọng với những "lưỡi gươm" từ kính

Cẩn trọng với những "lưỡi gươm" từ kính

Viết email In

Ngày nay, sử dụng kính trong các công trình xây dựng đang như một cơn sóng lan ra khắp thế giới và là một biểu tượng của kiến trúc “Hiện đại”. Với sự tiện dụng của mình, kính đã làm thay đổi một cách nhanh chóng bộ mặt kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, những nhược điểm kỹ thuật chưa được khắc phục, khiến cho kiến trúc công trình từ kính mang không ít mặt trái như làm tăng nhiệt độ đô thị, tiêu hao năng lượng, ô nhiễm ánh sáng. Thậm chí, chuỗi các vụ tai nạn do kính kiến trúc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động cho sự an toàn của cư dân trong các đô thị.  

Ngày càng nhiều công trình sử dụng kính 

Thủy tinh là thành phần chính cấu thành nên kính. Con người biết đến thủy tinh lần đầu tiên cách đây chừng 900 năm, từ những tàn tích của hoạt động của các núi lửa, sau đó là ở những lần đun nấu trên bãi biển. Thủy tinh là chất rắn vô định hình, nên ta có thể nhìn xuyên qua. Chính đặc tính lung linh, bắt mắt của nó đã thu hút sự chú ý và dần trở nên quen thuộc với đời sống con người. Đến thời Phục hưng, ở châu Âu người ta bắt đầu tạo, khắc trang trí hình ảnh con người vào kính và bắt đầu tạo ra tấm kính lớn đầu tiên bằng phương pháp cán, sử dụng trong các công trình xây dựng, như các lâu đài, cung điện… 

  • Ảnh bên: Kính vỡ tại tòa nhà Keangnam hồi tháng 8/2012. 

Ngày nay, kính được sử dụng rất phổ biến trong các công trình xây dựng, chỉ sau thép và bê tông. Với sự đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, kích thước… kính được thiết kế để thay thế các bức tường truyền thống trong hiện tại và tương lai. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của kính trong thiết kế nội – ngoại thất của công trình, từ mặt ngoài các tòa nhà đến các mặt tường trong, cầu thang, trần, sàn, tường, đèn treo… 

Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng kính màu để xây dựng Phòng tĩnh tâm trong các bệnh viện lớn hoặc các bệnh viện Nhi để làm thể hiện sự nguyện cầu hoặc đón chào trẻ sơ sinh hoặc nhằm tạo sự tươi vui háo hức cho trẻ em khi đến viện, khi ấy, bác sỹ sẽ có điều kiện tốt hơn để tiếp xúc với các em…Châu Âu hiện là nơi sử dụng nhiều kính nhất trong các công trình xây dựng, bình quân là 18kg kính/người/năm. Con số này của toàn thế giới là 6kg/người/năm, trong khi ở Việt Nam thì khiêm tốn hơn, khoảng 1kg/người/năm. 

Những "lưỡi gươm" đe dọa an toàn các đô thị

Báo cáo nghiên cứu của Royal Victoria Infirmary tại Newcastle (Anh quốc) trên 918 bệnh nhân ở tất cả các nhóm tuổi đã bị thương do thủy tinh thì 40% những vết thương là do kính kiến trúc gây nên và đó là những thương tích nghiêm trọng có yêu cầu phẫu thuật phức tạp và thời gian điều trị lâu dài. Kết luận từ Đại học Monash (Úc) thì thủy tinh là nguyên nhân hàng đầu của những chấn thương không chủ ý và trong đó kính kiến trúc chịu trách nhiệm phần lớn.

Trong vụ nổ thiên thạch ngày 15/2/2013 tại Chelyabinsk, theo thống kê của Bộ Các tình trạng khẩn cấp Nga đã có khoảng 1200 người bị thương mà đại đa số là do kính vỡ từ các tòa nhà. Vào tháng 5/2011 kính vỡ rơi xuống từ một tòa nhà chọc trời ở quận thương mại Lujiazui ở Thượng Hải đã phá hỏng 50 xe ô tô . Ngày 20/8/2010 trần kính cao 20 mét của một trung tâm may mặc thành phố Yiwu sụp xuống làm nhiều trẻ em bị thương máu và kính văng khắp mọi nơi.
Nếu như các tai nạn do kính kiến trúc ở Âu, Mỹ và Nhật Bản chủ yếu là do thiên tai bão lốc, động đất và sóng thần thì ở Trung Quốc lại chủ yếu lại do sai lầm của con người. Đây là điều cảnh báo cho công tác quản lý và sử dụng kính tại Việt Nam. Điều tra mới đây của nhóm thực hiện đề tài “Quy chuẩn sử dựng kính đảm bảo an toàn - BXD” thì tỷ lệ kính an toàn ở Việt Nam hiện nay là 28% thuộc hàng thấp nhất thế giới trong khi Thái Lan là 60%, Singapore 70%, Hoa Kỳ 80% và Nhật Bản 90%.

Theo ông Bùi Chí Công, Chuyên gia Kính nghệ thuật Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Kính và Thủy tinh Việt Nam thì, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn từ kính kiến trúc là do thiếu quy các định an toàn, thiết kế sai, tay nghề thấp, thiếu bảo trì và quản lý yếu kém đã biến nhiều bức tường kính trở thành những quả bom hẹn giờ đe dọa mạng sống của các cư dân đô thị.

Bên cạnh đó, tường kính là cấu trúc bên ngoài có độ bền thiết kế trung bình khoảng 25 năm, nhưng các bộ phận hỗ trợ như bu lông và các chất kết dính khoảng 10 - 15 năm sẽ trở nên lão hóa và gỉ sét, nếu không được kiểm tra và bảo dưỡng kịp thời các tường kính sẽ trở thành mối nguy hiểm.

Để hạn chế những mối đe dọa tai nạn từ kính ở nước ta, chuyên gia Bùi Chí Công cho rằng, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy định pháp luật để quản lý các công ty thiết kế, thi công, phân chia trách nhiệm rõ ràng người chịu trách nhiệm cho việc bảo trì những bức tường kính, đồng thời tổ chức đào tạo các kỹ sư kính kiến trúc tại các trường và cập nhật bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ kiến trúc sư, thi công và giám sát chuyên nghiệp trong lĩnh vực kính kiến trúc.

Trần Đình Hà 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo