Số hóa bảo tàng - xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ

Thứ sáu, 23 Tháng 10 2015 14:29 TTXVN, Vietnam+
In

Các bảo tàng ngày càng trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn với công chúng, để có được kết quả này, các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể để thích ứng với xu thế phát triển chung, nhất là trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và phổ biến như hiện nay.  

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Tại tọa đàm “Vai trò mới của Bảo tàng trong xã hội hiện đại: Văn hóa-Giao tiếp-Sáng tạo” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Viện Goethe Hà Nội phối hợp tổ chức từ ngày 19-21/10, tiến sỹ Chantal Eschenfelder, Giám đốc giáo dục và truyền thông Bảo tàng Staedel.Frankfurt (Đức) cho rằng với diện tích, không gian hạn chế trong khi nhu cầu khách tham quan ngày càng tăng thì cách lựa chọn tốt nhất cho một bảo tàng là mở rộng không gian trưng bày theo hình thức số hóa. Từ đó, các bộ sưu tập sẽ đến gần hơn với người dân, kể cả những bộ sưu tập rất ít khi được trưng bày. 


Bảo tàng Staedel.Frankfurt 

Bảo tàng Staedel.Frankfurt đã số hóa được gần 25.000 hiện vật, xây dựng được trên 100 bộ phim kỹ thuật số phát trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm ngàn lượt người truy cập, theo dõi… 

Nhờ những ứng dụng hiện đại này, số người đến tham quan, nghiên cứu tại bảo tàng đã lên tới trên 1 triệu lượt người/năm, tăng gấp hơn 2 lần so với khi chỉ thực hiện phương pháp truyền thống. 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới, Bảo tàng Staedel.Frankfurt sẽ triển khai dự án trực tuyến về hội họa hiện đại với nhiều chức năng tương tác; hoàn thiện hơn nữa dự án xây dựng bộ sưu tập kỹ thuật số theo hướng liên kết thời gian, không gian, nội dung, tác giả, chủ đề…

Thành lập năm 1954, Viện bảo tàng Malacca (Malaysia) có mạng lưới với hơn 24 bảo tàng, 12 phòng trưng bày, đang trưng bày trên 26.000 hiện vật và còn có một lượng hiện vật khổng lồ chưa được trưng bày.

Để thu hút khách đến tham quan, Viện Bảo tàng này đã thực hiện sự quản lý thống nhất theo chương trình ISO và áp dụng mã nguồn mở.

Bà Syahldah bteb Abu Sah, Giám tuyển của Perzim.Malacca (một trong những bảo tàng trực thuộc Viện bảo tàng Malacca) chia sẻ để bắt kịp thời đại, Bảo tàng sử dụng công nghệ tra cứu trên mỗi hiện vật giúp công chúng có thể tra cứu thông tin nhanh chóng, dễ dàng dù ở bất cứ nơi đâu, vào thời gian nào.

Bảo tàng cũng tích cực giới thiệu thông tin, hoạt động trên trang web và mạng xã hội Facebook; xây dựng các chương trình ứng dựng trên di động, phối hợp với hai tập đoàn Google và Samsung hỗ trợ chức năng số hóa hình ảnh và kết nối di sản văn hóa tại bảo tàng. 


(nguồn: VR3d.vn) 

Tại Việt Nam, Bảo tàng ảo, tương tác 3D đầu tiên đã được ứng dụng để giới thiệu trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam” từ năm 2013. Đây cũng được coi là bước đột phá trong hoạt động bảo tàng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. 

Về công nghệ mới này, thạc sỹ Tô Thị Thủy Lâm, Trưởng Phòng truyền thông của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chia sẻ bảo tàng đã kế thừa phương pháp nghiên cứu, xây dựng nội dung, ý tưởng, thông điệp của bảo tàng kết hợp với tính năng công nghệ mà các bảo tàng trên thế giới đã triển khai.

Bảo tàng cũng ứng dụng các công nghệ mới nhất cho phép xây dựng các tính năng hiện đại hơn và mang đậm bản sắc riêng của Việt Nam.

Với việc ứng dụng công nghệ 3D, Bảo tàng đã bước đầu đã hoàn thành số hóa 14 bảo vật quốc gia. Trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ tiếp tục số hóa những nhóm hiện vật tiêu biểu khác theo hướng ưu tiên số hóa 3D hiện vật phục vụ cho các cuộc trưng bày chuyên đề, bổ sung thông tin hiện vật đã được số hóa 3D cho phần trưng bày thường trực. 

Cũng tại Việt Nam, trang web VR3d.vn của Nguyễn Trí Quang đang được giới nghiên cứu đánh giá cao. Bảo tàng cổ vật online này được xây dựng trên cơ sở ý tưởng khá liều lĩnh của chàng trai 17 tuổi khi xem triển lãm “Hình tượng nghê và sư tử trong điêu khắc cổ Việt Nam” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tháng 11/2014. 

Sau hơn 2 tháng lên kế hoạch và dựng hình tư liệu, Quang đã xây dựng, hình thành một bảo tàng online giới thiệu đến công chúng hàng trăm hiện vật cổ được scan 3D... 

Đa dạng hóa hoạt động

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, các hiện vật bảo tàng nói riêng tạo ra cơ hội mới cho các bảo tàng trong việc hấp dẫn du khách nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn bởi nhu cầu thưởng ngoạn những giá trị lịch sử, văn hóa của công chúng ngày càng cao.

Đây cũng là điều khiến các bảo tàng hiện đại ngoài ứng dụng công nghệ còn quan tâm đến việc đa dạng hóa các loại hình, hoạt động, dịch vụ.

Giáo sư-tiến sỹ Christiana Haak, Phó tổng Giám đốc các Bảo tàng Quốc gia Berlin (Đức) chia sẻ, hệ thống các Bảo tàng ở Berlin đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội cũng như xây dựng không gian đô thị. Từ năm 1999, Đức đã có quy hoạch tổng thể các bảo tàng để phù hợp với cảnh quan thành phố và khu vực lân cận.

Bảo tàng quốc gia Berlin gồm hệ thống 15 bảo tàng 3 viện nghiên cứu với rất nhiều đồ tạo tác và hiện vật. Hiện nay, Bảo tàng tổ chức rất nhiều hoạt động nên được bổ sung thêm nhiều chức năng, dịch vụ mới để phục vụ nhu cầu của khách như xây dựng thêm khu vực phục vụ càphê, đồ ăn, bán quà lưu niệm, ngồi chờ và trao đổi thông tin…

Điều này cũng có nghĩa là các chức năng quản lý mới của bảo tàng cũng được bổ sung bên cạnh các chức năng cũ. Nhờ đa dạng hóa hoạt động, các bảo tàng trong hệ thống đã tiếp đón tới 11,9 triệu lượt khách tới thăm/năm trong số đó có tới 2,87 triệu lượt khách ở lại thành phố vài ngày. 


Khách quốc tế tham quan Bảo tàng Dân tộc Việt Nam.
(Ảnh: /TTXVN) 

Thời gian gần đây, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với nhiều người dân Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trẻ em, thanh niên và các gia đình. Bảo tàng đã không còn là một không gian chỉ dành riêng cho những nhà khoa học, người nghiên cứu hay người tham quan có mục đích.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, mô hình Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính là một cách làm của bảo tàng tương lai. Bảo tàng không chỉ trưng bày hiện vật của quá khứ, mà bao gồm sự kết nối giữa quá khứ và hiện đại, sự tương tác giữa hiện vật-với khách tham quan.

Để có được thành công đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã khuyến khích sự tham gia của các chủ thể văn hóa vào các hoạt động; khuyến khích họ tự trình bày những suy nghĩ, thể hiện hiểu biết văn hóa của mình.

Các hoạt động trưng bày, giáo dục, tham quan, tọa đàm, trình diễn… tại bảo tàng được tổ chức thường xuyên, theo chuyên đề, gắn với cộng đồng, với bảo tồn và phát triển các nghề thủ công, nghệ thuật dân gian… Ngoài ra, hoạt động truyền thông, tiếp thị, dịch vụ ăn uống, cửa hàng lưu niệm,… cũng được Bảo tàng trú trọng. 


Ngôi nhà gỗ truyền thống của đồng bào H'mông trong Bảo tàng Dân tộc Việt Nam.
 ( Ảnh: Thanh Hà/ TTXVN) 

Việt Nam hiện có 147 bảo tàng, trong đó 36 bảo tàng của bộ ngành, 83 bảo tàng ở tỉnh, thành phố và 4 bảo tàng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Để có được thêm nhiều bảo tàng thành công như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, phù hợp với xu thế hội nhập trên thế giới, Việt Nam đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bảo tàng từ năm 2005-2020.

Quy hoạch này nhằm chỉnh lý, nâng cấp các bảo tàng đã có theo hướng bảo tàng không chỉ là kho lưu trữ hiện vật mà còn phải hướng đến cộng đồng, phục vụ cộng đồng; phát triển loại hình bảo tàng khoa học kỹ thuật và lịch sử tự nhiên; tạo dựng khung pháp lý năng động cho bảo tàng ngoài công lập phát triển. 10 năm qua, Việt Nam có 24 bảo tàng ngoài công lập... 


Khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
 (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) 

Mỹ Bình 
(TTXVN /Vietnam+)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: