Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Công nghệ Giải pháp Ba kinh nghiệm chống ngập đô thị

Ba kinh nghiệm chống ngập đô thị

Viết email In

Không chỉ Hà Nội, nhiều đô thị trên thế giới cũng phải đối mặt với tình trạng “phố thành sông” mỗi khi mưa to gió lớn.

Để chống ngập lụt, có thành phố xây đường hầm có tác dụng thoát nước và giao thông, có thành phố lại xây hầm ngầm chứa nước, kênh rạch chằng chịt…

Đường hầm 2 tác dụng

Hầm đường bộ và quản lý nước mưa (hầm SMART) là công trình đường bộ kiêm thoát nước mưa ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Dài 9,7km, đây là hầm thoát nước mưa dài nhất Đông Nam Á và dài thứ nhì châu Á. Mục đích chính của đường hầm này là giải quyết tình trạng ngập lụt ở Kuala Lumpur và giảm tắc nghẽn giao thông ở một số giao lộ chính trong giờ cao điểm.

  • Ảnh bên : Ngập lụt ở Ngập lụt ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia (Ảnh: AP)

Hầm SMART có 2 phần chính là đường hầm thoát nước mưa và đường hầm cao tốc dành cho xe cộ. Đây là đường hầm đa dụng dài nhất thế giới. Nó bắt đầu từ hồ Kampung Berembang gần sông Klang River và kết thúc ở hồ Taman Desa gần sông Kerayong. Đường hầm bắt đầu được xây dựng vào tháng 11/2003.

Hai máy khoan hầm của Đức được sử dụng. Đường hầm thoát nước mưa (dài 9,7km, đường kính 13,2m, chi phí xây dựng 514,6 triệu USD) bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 1/2007.

Hầm SMART có 3 chế độ hoạt động. Ở điều kiện bình thường, không có mưa bão, không có nước mưa chảy vào hệ thống. Khi có mưa bão ở mức độ trung bình, nước mưa được dẫn vào hầm vượt ở phía dưới hầm cao tốc. Đoạn cao tốc vẫn mở cửa cho xe cộ lưu thông. Khi có bão lớn, đường hầm xa lộ đóng lại. Sau khi đảm bảo mọi phương tiện giao thông đã ra khỏi đường hầm, các cổng chắn nước tự động sẽ mở ra để cho nước mưa chảy qua. Đường hầm xa lộ sẽ được mở cửa trở lại sau 2 ngày.

>> Đường hầm giao thông thoát lũ độc đáo ở Kuala Lumpur

  • Ảnh bên : Đường hầm giao thông và điều tiết lũ SMART

Hồ chứa ngầm

Kế hoạch hồ chứa và hầm ngầm (TARP) nhằm giảm ngập lụt ở khu vực đô thị của TP Chicago (Mỹ), và giảm tác động tiêu cực của nước thải chưa qua xử lý chảy vào hồ Michigan bằng cách dẫn nước mưa và nước thải vào các hồ chứa tạm thời. Đây là một trong những dự án xây dựng dân dụng lớn nhất cả về quy mô, chi phí và thời gian thực hiện.

TARP được bắt đầu triển khai từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Một số hạng mục chính đã đi vào hoạt động. Dù đang xây dựng, xong nhờ có hệ thống hầm ngầm, TP Chicago đã bớt hẳn ngập lụt. Đến nay, siêu dự án này đã tiêu tốn hơn 3 tỷ USD.

Vấn đề ngập lụt của Chicago phần lớn bắt nguồn từ lý do địa hình; phần lớn thành phố được xây dựng trên khu vực đầm lầy. Hồ Michigan không kham nổi nước thải của thành phố và khi có mưa bão, các trạm bơm cung cấp nước sạch cho người dân bị nhiễm nước thải. Tình trạng này khiến dịch tả bùng phát hồi thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Thiệt hại do lũ lụt tăng đáng kể sau năm 1938, khi các khu vực thoát nước bị lấn chiếm, dành đất cho phát triển.

Kênh rạch nội đô

Khoảng 2/3 diện tích Hà Lan dễ bị ngập lụt nên các thành phố đều xây đê lớn phía ngoài chống nước biển, nước sông xâm nhập, và tạo nhiều kênh, rạch bên trong để tiêu nước nhanh chóng. Những công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng được xây dựng dọc theo các con kênh. Một số công trình còn đóng vai trò tiền tiêu chống ngập lụt. Một số được cung cấp nguyên vật liệu chống nước tràn, một số khác được thiết kế linh hoạt, có thể nổi trên mặt nước.     

Một hệ thống phức tạp gồm cống thoát nước, mương và trạm bơm giúp cho các phần đất trũng khô ráo và phát triển nông nghiệp. Hệ thống cống nhỏ được xây dựng dưới mặt đường có nhiệm vụ thu gom nước mưa chảy qua lớp gạch lát, và lớp đá, cát độn bên dưới.

Hà Nội sẽ cân nhắc ý kiến của chuyên gia đô thị về việc nên làm hầm ngầm để mỗi khi mưa lớn cho nước trút xuống đó, rồi bơm ra sông Hồng. “Đây là ý tưởng táo bạo và chúng ta đang nằm trên địa bàn rất trũng, cốt nền thấp, các ý kiến đóng góp tiêu úng cho Thủ đô là rất quý báu, thành phố sẽ cân nhắc kỹ ”, Chủ tịch UND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết. 

Minh Long (tổng hợp)

>> Bê tông hóa vỉa hè Hà Nội làm giảm khả năng tiêu thoát nước
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo