Bàn về ý tưởng làm đường trên cao để chống kẹt xe

Thứ năm, 28 Tháng 1 2010 22:17 Tuần Việt Nam
In

Điều đáng mừng là Hà Nội đã mạnh dạn thông qua chủ trương xây dựng đường trên cao. Tuy nhiên nên xây dựng đường trên cao như thế nào và dành cho đối tượng nào là điều rất nên cân nhắc chu đáo, vì sự phát triển lâu dài của thành phố.

Hy vọng rằng những người có chủ trương xây đường trên cao đã có cân nhắc chu đáo. Trong khuôn khổ bài viết này tôi mong muốn trình bày quan điểm cá nhân của mình về một giải pháp xây dựng đường trên cao đồng bộ, hy vọng những điều đề xuất không quá thừa.

Nên xây dựng đường trên cao như thế nào?

Ở mức độ hạn chế, có thể xây dựng cầu vượt tại các ngã tư lớn để tránh tắc nghẽn giao thông. Thực tế cho thấy phương án này chỉ làm được ở những nơi có diện tích khá lớn. Và để xây đường lên cầu, chi phí cũng  không hề nhỏ.

Tuy nhiên, phương án này không tăng năng lực vận tải của đường. Tắc nghẽn sẽ lại tái diễn khi lưu lượng phương tiện giao thông tăng lên.

Ở mức độ triệt để, chúng ta có thể xây một hệ thống đường xây chồng lên hệ thống đường hiện có để tăng khoảng gấp hai lần năng lực vận tải của đường.

Với tình hình giao thông của Hà Nội, cần phải áp dụng biện pháp triệt để này thì mới đáp ứng nhu cầu trước mắt và 10-20 năm tới.

Đối tượng sử dụng đường trên cao:

Đây là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất cần cân nhắc.

Chúng ta nhớ rằng có tới 80-90% người Hà Nội dùng xe máy hoặc xe đạp. Trong tương lai sẽ nhiều người có ô tô, nhưng số lượng xe máy xe đạp còn duy trì lâu dài trong tương lai.

Về mặt xây dựng, yêu cầu xây dựng đường trên cao cho xe đạp và xe máy tương tự nhau, đơn giản và rẻ hơn nhiều so với xây đường cho ô tô, vì tải trọng xe đạp xe máy không lớn.

Về mặt giao thông, tách giao thông xe ô tô và giao thông xe đạp xe máy từ xưa đến nay là niềm mơ ước của các nhà quản lý, vì đó là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn và tắc nghẽn giao thông.

Vì vậy, với giải pháp triệt để, rất nên cân nhắc và quyết định xây dựng hệ thống đường trên cao dành riêng cho xe đạp và xe máy.

Về mặt phát triển bền vững: tương lai giao thông của các thành phố là phương tiện giao thông cá nhân nhỏ nhẹ, dùng điện, năng lượng mặt trời. Trong đó đi bộ và đi xe đạp là hai giải pháp được khuyến khích nhiều nhất. Hệ thống đường trên cao dành cho xe đạp và xe máy về sau có giá trị sử dụng lâu dài vì có thể chuyển thành hệ thống dành riêng cho xe đạp, xe loại nhỏ, hoặc người đi bộ (nếu sau này xe máy ít được sử dụng).

Về mặt thương mại, buôn bán, nếu hệ thống đường trên cao được xây dựng đồng bộ và đấu nối với hệ thống tầng 2 các nhà mặt phố, chúng ta sẽ tăng gấp đôi diện tích giao dịch buôn bán và vỉa hè, rất an toàn vì người đi bộ, xe đạp xe máy và xe ô tô được tách riêng. Khi người đi bộ đi trên hệ thống đường trên cao, toàn bộ vỉa hè hiện có có thể sử dụng là nơi đỗ xe cho ô tô.

Ý tưởng cụ thể về tổ chức hệ thống đường trên cao có thể tóm lược như sau:

- Đường 3 tầng :

Trên các tuyến phố chính có mặt cắt đường và vỉa hè đủ lớn, xây dựng 2 lớp đường phía trên dành cho xe  máy, xe đạp và đường monorail (tàu điện chạy trên 1 đường ray bê tông).

Mặt đường phố hiện có được giữ nguyên, chỉ để xe ô tô, xe tải, xe buýt chạy; giữa đường là lớp cột cao ít nhất 8m để đỡ đường monorail ở tầng trên cùng. Hệ thống cột này kết hợp với 2 hàng cột trên vỉa hè đỡ hai đường hai bên, là đường đi cho xe đạp và xe máy theo 2 chiều. Chính giữa là khoảng không hở để cả 3 lớp đường đều thông thoáng.

Nếu lòng đường rộng 15m, vỉa hè mỗi bên 6m, có thể bố trí 2 tuyến đường cho xe đạp và xe máy, mỗi đường rộng 6m, cách chỉ giới đỏ 3m; phần khoảng trống thông hơi ở giữa sẽ rộng 9m.

Hai tuyến đường trên cao này cứ 50m một lại đấu nối với nhau để đảm bảo sự thông thoáng cho tầng dưới và sự kết nối giao thông ở tầng trên. Cứ 500m một, phần kết nối lại được làm rộng hơn để có chỗ cho bến monorail.

Các tòa nhà dọc hai bên đường sẽ được khuyến khích để đồng thời đấu nối với cả hai lớp đường (dành cho xe đạp xe máy và ô tô), nhằm tạo thành không gian đi bộ, mua sắm mới, an toàn hơn vì không có xe hơi; lại gần phương tiện công cộng (monorail) hơn. Khả năng tầng hai (hoặc tầng 3) các tòa nhà sẽ trở thành cửa hàng mặt phố; còn tầng 1 có thể dùng như cửa hàng hoặc gara ô tô.

Nếu các tuyến phố chính đều được xây dựng thành 2-3 tầng, hệ thống đường cho xe máy và xe đạp có thể được kết nối với nhau tạo thành một mạng giao thông thống nhất, trong đó phía dưới dành riêng cho xe hơi, phía trên dành cho người đi bộ và xe đạp, xe máy.


- Đấu nối với đường ngõ :

Đấu nối là với đường ngõ là vấn đề nan giải, vì đường trên cao sẽ phải cách mẳ đường hiện tại ít ra là 4.5m. Đây lại là vấn đề quan trọng nhất quyết định sự thành công của hệ thống đường trên cao.

Có hai giải pháp, trong đó giải pháp làm đường lên ít có khả năng áp dụng vì cần nhiều khoảng trống và không thuận tiện với người đi bộ và đi xe đạp.

Khả năng làm thang máy ở nơi tiếp giáp giữa đường trên cao và đường ngõ để đưa xe cộ lên là khả thi nhất, vì tốn ít diện tích. Chỉ xây dựng đường lên ở một số ít nơi nhằm đáp ứng nhu cầu lên xuống trong trường hợp khẩn cấp.

Về mặt kĩ thuật đây là vấn đề đơn giản, có thể có rất nhiều lựa chọn khác nhau. Về mặt chi phí đầu tư, có thể rẻ hơn nhiều so với xây dựng đường lên. Về mặt quản lý, hoàn toàn khả thi nếu tổ chức đấu thầu định kỳ để tìm đơn vị có năng lực nhất quản lý khai thác hệ thống thang.


Phối cảnh dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội (nguồn : Ashui.com)

- Kiến trúc cảnh quan và cây xanh :

Cấu trúc mới này cho phép người đi xe đạp, xe máy, đi bộ được tiếp cận với khí trời và hưởng thụ cảnh quanh đường phố,... từ tầng 2 tầng 3 trở lên.

Cảnh quan sẽ không đẹp lắm với người đi ô tô, nhưng bù lại họ sẽ có điều kiện giao thông tốt hơn vì đường đi không còn xe đạp hay xe máy.

Cây xanh là vấn đề nan giải, và chỉ có thể tùy thuộc vào từng bối cảnh cụ thể để giải quyết. Có thể làm lỗ thủng trên đường dành cho xe đạp và xe máy để cây vươn lên; có thể trồng các loại cây leo; có thể trồng cây trong bồn.

Với chủ trương mới của thành phố Hà Nội, có thể có rất nhiều giải pháp được đưa ra.

Chỉ mong chính quyền thành phố chỉ đạo nghiên cứu thấu đáo từng vấn đề, tính đến đặc thù giao thông, năng lực kinh tế, nhu cầu đi lại trước mắt và lâu dài, và khả năng giải quyết triệt để vấn nạn tắc đường của các phương án đưa ra.

Để đảm bảo sự đồng thuận xã hội, rất mong thành phố tiến hành trưng bày giới thiệu phương án xây dựng đường trên cao, ưu nhược điểm của phương án, và lộ trình thực hiện.

KTS Nguyễn Thanh Bình

>> Những khuyến nghị cho quy hoạch giao thông Hà Nội 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: