Có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, chiếu sáng càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa nguồn lực để chuyển đổi lên thành phố thông minh, nâng cao chất lượng sống cho dân cư đô thị.
Chiếu sáng thông minh phải đáp ứng các nguyên tắc kỹ thuật cơ bản và lấy con người làm trung tâm.
Đô thị thông minh - Xu hướng phát triển tất yếu
Thành phố thông minh được hiểu là thành phố triển khai các công nghệ tiên tiến, sáng tạo trong việc cung cấp các dịch vụ công cộng, tận dụng tốt các cơ sở dữ liệu để xây dựng đô thị thịnh vượng, bền vững và đáng sống hơn. Trong một thập kỷ qua, khái niệm “thành phố thông minh” đã trở thành xu hướng phát triển chủ đạo của nhiều quốc gia nhằm giải quyết thách thức về gia tăng dân số ở khu vực đô thị.
Tại các nước châu Âu, Mỹ, Canada, dân số thành thị chiếm khoảng 80% tổng dân số. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 1 triệu người di cư đến các thành phố lớn để học tập và làm việc. Dân số đô thị tăng nhanh kéo theo bài toán về đảm bảo cơ sở hạ tầng và chất lượng sống của người dân. Giữa bối cảnh đó, các sáng kiến công nghệ vận dụng trong thành phố thông minh cho phép con người dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công như cấp điện nước, vận tải, y tế… Đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn nâng cao hiệu suất quản lý xã hội, môi trường của giới chức thành phố.
Bởi vậy, các khuynh hướng phát triển đô thị dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật như thành phố thông minh ngày càng được chào đón. Nếu một chiếc smartphone có thể mang tới cuộc cách mạng cho toàn cầu chỉ sau 15 năm, hãy tưởng tượng cả một “smart city” (thành phố thông minh) còn có thể làm được gì hơn thế.
Chiếu sáng thông minh “dẫn lối” thành phố thông minh
Trong quá trình chuyển dịch sang đô thị thông minh, “chiếu sáng thông minh” là yếu tố tác động đến tất cả các khía cạnh cốt lõi từ giao thông, môi trường đến kinh tế và đời sống.
Chiếu sáng thông minh cho thành phố bao gồm các thiết bị chiếu sáng phố phường, vỉa hè, lối đi cho người đi bộ, cầu đường, công viên và quảng trường. Khi sử dụng một hệ thống chiếu sáng thông minh để điều khiển tất cả các thiết bị chiếu sáng của thành phố, các nhà chức trách có thể tích hợp với phần mềm thu thập dữ liệu phục vụ quản lý đô thị; từ đó tối ưu hóa quy trình giám sát, vận hành, tiếp nhận phản hồi và hỗ trợ công dân kịp thời.
Với kinh nghiệm triển khai hệ thống chiếu sáng thông minh Interact cho thành phố, Tập đoàn Signify - tiền thân là Philips Lighting đã ghi nhận những bước chuyển tích cực mà chiếu sáng thông minh có thể đóng góp cho quá trình chuyển đổi này.
Giải pháp chiếu sáng thông minh dành cho đường phố của Signify mang tên Interact City.
Cụ thể, một hệ thống Interact có thể tiết kiệm đến 80% năng lượng tiêu thụ cho chiếu sáng đô thị; cải thiện 50% hiệu suất vận hành chiếu sáng thành phố; giảm thời gian tắt đèn do sự cố xuống dưới 1% nhờ khả năng báo lỗi và xử lý sự cố kịp thời.
Theo đó, không gian đô thị thực sự trở nên đáng sống hơn cho tất cả công dân khi hệ thống chiếu sáng thông minh có thể giảm tới 30% tai nạn, giảm đến 20% tỉ lệ tội phạm, cải thiện mức độ an toàn cho giao thông và người đi bộ; giảm đến 80% khí thải CO2; theo dõi và giải quyết vấn đề kịp thời trước khi nhận lời than phiền từ người dân; bảo mật dữ liệu của nhà quản lý khỏi nguy cơ truy cập trái phép…
Chiếu sáng thông minh cần gì để đáp ứng thành phố thông minh?
Đô thị thông minh nói chung và chiếu sáng thông minh nói riêng phải lấy con người làm trung tâm. Các ứng dụng của chiếu sáng thông minh không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và công sức vận hành đô thị mà cần vươn tới mục tiêu cao hơn: Tối ưu hóa các nguồn lực hiện có để nâng cao chất lượng sống. Để đạt được mục tiêu đó, giải pháp hệ thống chiếu sáng thông minh cho đô thị theo triết lý và ứng dụng thực tế của Signify phải đáp ứng ba nguyên tắc:
Thứ nhất, được xây dựng trên nền tảng hệ thống mở, đạt tiêu chuẩn công nghiệp để tối ưu khả năng kết hợp với các thiết bị từ nhiều nền tảng khác nhau.
Thứ hai, có khả năng mở rộng, ví dụ từ chục ngàn điểm đèn công cộng lên tới trăm ngàn điểm đèn chỉ sau một vài năm, phục vụ tầm nhìn phát triển lâu dài của hạ tầng đô thị.
Thứ ba, có khả năng kết nối, tích hợp với trung tâm điều khiển của thành phố để phục vụ công tác quản lý đô thị của các nhà chức trách.
Khi lấy con người làm trung tâm, chiếu sáng thông minh cũng cần “học hỏi” từ chính sự năng động, tùy biến của con người. Hệ thống chiếu sáng đô thị gắn cảm biến có thể tự động điều chỉnh cường độ sáng theo thời điểm trong ngày. Ví dụ, đèn đường tự động tăng cường độ sáng vào giờ lưu thông cao điểm và giảm xuống còn 30% trong thời gian thấp điểm để tiết kiệm điện. Chính các đèn gắn cảm biến này cũng có thể tăng độ sáng tức thì khi phát hiện sự cố. Qua đó, chuỗi thiết bị sẽ ghi nhận dữ liệu thực về không khí, tiếng ồn để báo động cho nhà quản lý xử lý tình huống.
Đô thị thông minh - Mục tiêu trong tầm với của Việt Nam với khởi điểm chiếu sáng thông minh
Ông Phùng Hoài Dương - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Signify Việt Nam.
Thông qua Interact, Signify nhận thức rõ nét về những bài toán khó về chiếu sáng công cộng mà một hệ thống chiếu sáng thông minh cho thành phố cần giải quyết. Đó là an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, ô nhiễm môi trường… và có thể xa hơn nữa khi đời sống không ngừng vận động phát triển.
Tại Buenos Aires (Argentina), việc nâng cấp 75% hệ thống chiếu sáng thành phố với 91.000 đèn đường LED đã giúp giảm 50% chi phí vận hành, cung cấp cho nhà chức trách góc nhìn 360 độ về dữ liệu để biến thành phố trở thành một nơi an toàn, đáng sống và làm việc hơn.
Thành phố Los Angeles, Mỹ đã khi chuyển đổi 165.000 đèn đường (xấp xỉ 50%) sang công nghệ LED; từ đó, tiết giảm 48.000 tấn khí thải CO2 hàng năm, tiết kiệm 63% năng lượng và cho phép chính phủ đầu tư ngân sách vào các dự án khác.
“Người láng giềng” Jakarta, Indonesia chỉ trong 7 tháng đã nâng cấp gần 90.000 đèn đường lên đèn LED tiết kiệm năng lượng và áp dụng phần mềm Interact, tăng tốc quá trình chuyển đổi lên thành phố thông minh và hiện là đô thị có hệ thống chiếu sáng đường phố nhanh nhất thế giới.
Tại Việt Nam, Nghị quyết 52 của Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; và đến năm 2030, hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Ngay lúc này, vai trò của các doanh nghiệp về giải pháp chiếu sáng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chủ động nắm bắt cơ hội, chung tay với các nhà quản lý, tận dụng sức mạnh của chiếu sáng thông minh là điều hoàn toàn trong tầm tay để tiến đến thành phố thông minh.
Thư Kỳ
(Báo Xây dựng)
- Biến nước biển lạnh giá thành nhiệt lượng sưởi ấm
- Điện mặt trời từ đồng lúa
- Công nghệ tạo mưa nhân tạo như thế nào?
- Dè dặt với canh tác theo chiều thẳng đứng
- Giấc mơ trữ điện mặt trời
- Nhà tiền chế cấp 4 là gì?
- Hồ điều tiết chống ngập cần sự đồng bộ về quy hoạch thoát nước
- Đèn giao thông AI giúp giảm tắc nghẽn
- Xây cao ốc bằng gỗ!
- Cảng biển Việt Nam chuyển mình theo hướng xanh và thông minh hơn