Năm 2021, TPHCM đã phê duyệt đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030, theo đó đẩy nhanh xây dựng 7 dự án hồ điều tiết, gồm 1 hồ hở và 6 hồ ngầm, tuy nhiên hiện chưa được triển khai.
Cần đi theo quy hoạch về thoát nước từng khu vực
Năm 2015, TPHCM triển khai đồ án quy hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết với tổng diện tích khoảng 875 héc ta, trong đó có ba hồ điều tiết tại khu vực Bàu Cát (Tân Bình), Gò Dưa (nay là TP Thủ Đức) và Khánh Hội (quận 4), tổng vốn đầu tư cho các dự án hơn 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, các dự án phải tạm ngưng vì thiếu quỹ đất và chủ trương đầu tư.
Hồ điều tiết chống ngập nước trên đường Võ Văn Ngân (trước cổng Nhà Văn hóa Thiếu nhi Thủ Đức). (Ảnh: website Thành ủy TPHCM)
Tiếp đến, vào năm 2017, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM phối hợp với Công ty Sekisui thí điểm xây dựng hồ điều tiết ngầm trên đường Võ Văn Ngân trước cổng Nhà Văn hóa thiếu nhi tại TP Thủ Đức.
Theo thiết kế, hồ điều tiết ngầm này có sức chứa khoảng 100 m³ nước mưa. Công trình sử dụng công nghệ crosswave được chế tạo từ polypropylene có độ bền cao, dễ thi công tháo lắp, có thể áp dụng tại các khu vực mặt bằng nhỏ hẹp, không gian trữ nước lên tới 95% và thân thiện môi trường.
Sau khi đưa vào sử dụng, tình hình ngập nước tại khu vực đã giảm về số lần ngập, chiều sâu ngập (khu vực này thường xuyên ngập với chiều sâu từ 10-15 cm khi có mưa) và diện tích ngập. Tuy nhiên, do hồ điều tiết có dung tích chứa nhỏ nên khả năng đáp ứng yêu cầu xóa ngập tại đây còn hạn chế, đường vẫn ngập khi mưa lớn.
Đầu năm 2021, đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030 được UBND TPHCM phê duyệt, theo đó thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đẩy nhanh xây dựng 7 hồ điều tiết.
Các vị trí được đề xuất xây dựng hồ điều tiết công nghệ cross-wave như công viên Hoàng Văn Thụ (phường 10, Tân Bình) lắp đặt hồ điều ngầm tiết với dung tích 5.000 m³. Xây dựng trạm bơm công suất 2.000 m³/giờ, cổng điều tiết, mương thu nước và cải tạo, mở rộng 39 miệng thu gom nước nhằm xóa giảm ngập cho các tuyến đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Phan Đình Giót và Phan Thúc Duyện.
Tại vòng xoay Lê Văn Sỹ – Nguyễn Trọng Tuyển (phường 2, Tân Bình) lắp đặt hồ có dung tích 1000 m³. Xây dựng trạm bơm công suất 1.000 m³/giờ, cải tạo, mở rộng 20 miệng thu gom nước, nhằm xóa giảm ngập cho khu vực chợ Phạm Văn Hai.
Ở công viên Làng Hoa (Gò Vấp) sẽ có hồ điều tiết ngầm có dung tích 20.000 m³, trạm bơm công suất 4.000 m³/giờ, cổng điều tiết, mương thu nước và cải tạo, mở rộng 35 miệng thu gom nước.
Công viên khu dân cư Trần Thiện Chánh (phường 12, quận 10) lắp hồ với dung tích 5.000 m³. Đồng thời, xây dựng trạm bơm công suất l000 m³/giờ, cải tạọ mở rộng 30 miệng hố thu gom nước.
Cũng tại quận 10, lắp đặt hồ điều tiết ngầm sân bóng đá trường Đại học Bách khoa (phường 14) với dung tích 5.000 m³. Xây dựng trạm bơm công suất 1.000 m³/giờ, cải tạo, mở rộng 35 miệng hố thu gom nước.
Tại dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long (phường, Phú Nhuận) lắp hồ dung tích 2.000 m3. Xây dựng trạm bơm công suất 1.000 m³/giờ, cải tạo, mở rộng 58 miệng thu gom nước.
Khuôn viên cây xanh đối diện công an phường 25, đường Tân Cảng và vỉa hè từ hẻm 48 đường Điện Biên Phủ – Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, Bình Thạnh) gồm 2 hồ với dung tích 4.000 m³, cải tạo 19 miệng hố thu gom nước. Xây dựng 2 trạm bơm, mỗi trạm 1.000 m³/giờ.
Nhiều nơi tại trung tâm thành phố ngập sâu do mưa lớn vào ngày 2/6 vừa qua. (Ảnh: MH)
Chia sẻ quan điểm về việc chống ngập bằng hồ điều tiết, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM, cho biết các vùng đất trũng với vai trò trữ nước khi mưa tại thành phố đang ngày càng bị thu hẹp.
Đồng thời, triều cường ngày càng diễn biến phức tạp với mực nước ngày càng cao, và hệ thống cống thoát nước không đáp ứng kịp là những nguyên nhân gây ngập tại TPHCM.
Theo ông Nguyên, để xây dựng và đưa vào vận hành các hồ điều tiết chống ngập một cách hiệu quả cần có sự tham gia của nhiều sở ngành liên quan để có thể phân tích kỹ càng như nghiên cứu kỹ thuật, hoạch định cốt nền và quy hoạch về thoát nước của từng khu vực.
“Hồ điều tiết cần rộng, sâu bao nhiêu, phải đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật như thế nào và có phù hợp với hiện trạng quy hoạch tại khu vực đó hay không”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cho rằng việc lựa chọn nơi để triển khai hồ điều tiết là một vấn đề quan trọng vì những vùng ngập hiện nay là vùng lõi của thành phố và quỹ đất tại khu vực này không còn nhiều. Bên cạnh đó, phải điều chuyển được dòng chảy từ khu vực ngập về hồ chứa và để làm được điều đó cần phải tạo được độ dốc của ống thoát nước và sự đồng bộ trong hệ thống thoát nước.
Giải pháp chống ngập từ các nước
Dữ liệu tại đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2045 và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030, cũng cho thấy kinh nghiệm chống ngập của một số quốc gia với hình thức xây dựng bể chứa nước, hồ điều tiết.
Đơn cử, tại thành phố Fukuoka (Nhật Bản) có 2 hồ điều tiết nước mưa với tổng công suất gần 30.000 m³ gần công viên Sanno. Trong đó, hồ điều tiết nước mưa ngầm Sanno 1 được xây dựng từ việc đào sân bóng chày. Khi không có mưa, nơi đây sẽ là sân vận động để người dân vui chơi. Khi mưa, nơi đây sẽ là hồ điều tiết với sức chứa khoảng 13.000 m³.
Cũng tại công viên này, bên dưới còn có hồ điều tiết nước mưa Sanno 2 được xây ngầm, có sức chứa khoảng 15.000 m³, nhằm thu gom nước rồi bơm (đường kính ống lớn nhất rộng đến 5m) ra sông. Mỗi khi mưa lớn, nước sẽ được dẫn từ các trụ chứa tới bể chứa khổng lồ. Sau đó, người ta sẽ bơm nước từ bể chứa ra sông Endo với các máy bơm.
Singapore cũng cho xây nhiều hồ trữ nước để vừa có thể chống lụt, chống nước dâng, vừa có nguồn nước ngọt cho người dân. Công trình tiêu biểu là hồ chứa và đập Marina Barrage dài 350 m với chi phí 135 triệu đô la Mỹ.
Nếu mưa lớn khi thủy triều xuống, các cổng đập sẽ được hạ xuống để giải phóng lượng nước dư thừa từ hồ chứa ra biển. Nếu mưa lớn xảy ra khi thủy triều lên, các cổng sẽ được đóng lại, máy bơm thoát nước khổng lồ được kích hoạt để bơm nước thừa từ hồ chứa ra biển.
Mô hình hồ điều tiết chống ngập tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. (Ảnh: Đề án chống ngập TPHCM)
Còn tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, từ năm 2007, Kuala Lumpur đưa vào vận hành hệ thống đường hầm xử lý nước mưa và giao thông (SMART) nhằm giải quyết vấn đề lũ lụt ở Kuala Lumpur và cũng để làm giảm ùn tắc giao thông dọc theo cầu vượt Jalan Sungai Besi và Loke Yew tại Pudu trong giờ cao điểm. Đây là đường hầm đa năng dài nhất thế giới, với hầm chứa nước dài 9,7 km và hầm giao thông dài 4 km, chi phí xây dựng 514 triệu đô la Mỹ.
Hầm giao thông được đặt ở phía trên, còn bên dưới là hầm chứa nước. Hệ thống hoạt động theo 3 chế độ: nếu mưa ít và không có bão, hầm chỉ hoạt động như một tuyến đường bộ thông thường; nếu có bão vừa phải, hầm chứa nước được mở ra ở bên dưới để trữ nước mưa, xe cộ vẫn lưu thông ở phía trên.
Nếu có bão lớn, các phương tiện sẽ bị cấm lưu thông. Sau khi chắc chắn tất cả phương tiện đã ra khỏi hầm, hai cửa tự động sẽ được mở để đưa nước lũ đi vào cả phần hầm dành cho xe cộ. Khi lụt bão kết thúc, đường hầm được rửa sạch và mở cửa trở lại cho phương tiện lưu thông (chỉ trong 48 giờ).
Theo dự báo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (thuộc Sở Xây dựng), trong năm 2022 hiện tượng ngập úng có thể xảy ra trên 39 tuyến đường tại thành phố. Trong đó có 15 tuyến đường có thể bị ngập sau mưa và 24 tuyến đường có thể ngập trong mưa. |
Minh Hoàng
(KTSG Online)
- Công nghệ tạo mưa nhân tạo như thế nào?
- Dè dặt với canh tác theo chiều thẳng đứng
- Giấc mơ trữ điện mặt trời
- Chiếu sáng thông minh - Dẫn lối phát triển cho đô thị thông minh
- Nhà tiền chế cấp 4 là gì?
- Đèn giao thông AI giúp giảm tắc nghẽn
- Xây cao ốc bằng gỗ!
- Cảng biển Việt Nam chuyển mình theo hướng xanh và thông minh hơn
- Công nghệ in 3D hứa hẹn giải quyết bài toán nhà ở giá rẻ tại Mỹ
- Xe buýt chạy trên đường sắt