Tái chế rác thải nhựa để làm đường không ổ gà

Thứ bảy, 02 Tháng 11 2019 20:07 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Tại Nam Phi và Ấn Độ, rác thải nhựa đang được tái chế để làm đường sá, một giải pháp giúp giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí làm đường nhưng đồng thời nâng cao chất lượng đường sá.

Nam Phi: Chai sữa nhựa được tái chế để làm đường

Theo Liên đoàn đường bộ Nam Phi, các ổ gà trên mạng lưới đường xá của nước này khiến người dân mất mát 3,4 tỉ đô la mỗi năm do hàng hóa bị hư hỏng, chi phí sữa chữa xe cộ và điều trị các chấn thương do tai nạn.

Hồi tháng 8, Công ty xây dựng Shisalanga Construction trở thành công ty đầu tiên ở Nam Phi sử dụng rác nhựa tái chế để trải một đoạn đường dài 400m ở tỉnh KwaZulu-Natal.


Công ty xây dựng Shisalanga Construction sử dụng rác nhựa tái chế trộn với nhựa đường asphalt để trải một đoạn đường dài 400 mét ở tỉnh KwaZulu-Natal.
(Ảnh: CNN)

Các đại diện từ Bộ Giao thông Nam Phi, Cơ quan Quản lý đường bộ quốc gia Nam Phi, đã có mặt tại buổi lễ chào mừng hoàn thành thi công đoạn đường này vào cuối tháng 9.

Để hoàn thành đoạn đường, Công ty Shisalanga Construction sử dụng nhựa đường asphalt (hay còn gọi là bitumen) kết hợp với các thành phần tái chế từ 40.000 chai sữa nhựa 2 lít bị vứt bỏ. Tính trung bình, mỗi tấn asphalt sử dụng cho đoạn đường có chứa khoảng 118-128 chai sữa nhựa 2 lít.

Shisalanga Construction sử dụng hạt nhựa HDPE, một loại nhựa mật độ cao thường được sử dụng để sản xuất các chai nhựa đựng sữa. Một nhà máy tái chế các chai sữa này thành những hạt nhựa và sau đó nung nóng chúng ở 190 độ C cho đến khi chúng tan chảy và hòa trộn với các chất phụ gia khác để trở thành hợp chất mới được sử dụng thay thế khoảng 6% chất kết dính có trong thành phần của nhựa đường asphalt. Vì vậy, mỗi tấn asphalt chứa khoảng 118-218 chai nhựa tái chế.

Công ty Shisalanga Construction cho biết nhựa đường asphalt được trộn hợp chất mới này có độ bền và chống thấm nước tốt hơn so với nhựa asphalt truyền thống, chịu đựng được các mức nhiệt độ cao đến 70 độ C và thấp đến đến âm 22 độ C.

Theo Shisalanga Construction, nhựa đường asphalt mới sẽ giúp tiết kiệm chi phí tài chính vì các đường sá được trải loại nhựa này có tuổi thọ cao hơn mức tuổi thọ trung bình 20 năm.

Deane Koekemoer, Tổng Giám đốc Shisalanga Construction, nói: “Chúng tôi đang gom nhặt bớt rác nhựa khỏi các bãi rác và chúng tôi đang giúp giảm ô nhiễm môi trường. Hơn hết, chúng tôi sản xuất một sản phẩm ưu việt hơn nhiều so với các sản phẩm thay thế khác”.

Không giống như ở châu Âu, rác nhựa sử dụng để tái chế thường được gom trực tiếp từ các hộ gia đình, ở Nam Phi 70% rác nhựa được gom từ các bãi rác.

Shisalanga Construction cho rằng bằng cách tái chế các chai nhựa bị vứt bỏ để làm đường sá, công ty đang tạo ra một thị trường mới cho rác nhựa.

Shisalanga Construction đã nộp đơn cho Cơ quan Quản lý đường bộ quốc gia Nam Phi (SANRAL) để xin trải 200 tấn nhựa asphalt mới cho một đoạn đường cao tốc giữa hai thành phố Durban và Johannesburg. Nếu đáp ứng các tiêu chuẩn của SANRAL, công nghệ này có thể sớm được giới thiệu khắp cả nước.

Ấn Độ: Đường làm bằng rác nhựa không bị ổ gà

Ấn Độ đã sử dụng rác thải nhựa tái chế để làm đường sá cách đây 17 năm. Giáo sư ngành hóa học R. Vasudevan ở Trung tâm Nghiên cứu Quản lý rác thải rắn thuộc Đại học kỹ thuật Thiagarajar (Ấn Độ) được xem là “cha đẻ” của công nghệ mới này.

Công nghệ sử dụng rác thải nhựa để làm đường sá của ông đã được cấp bản quyền sáng chế vào năm 2006. Công nghệ liên quan đến quy trình trộn rác nhựa băm nhỏ với đá dăm nóng hoặc với bê tông asphalt nóng.

Vasudevan cho biết đến nay, các con đường ở TP. Chennai được thử nghiệm trải asphalt kết hợp với thải nhựa vào năm 2002 vẫn chưa bị ổ gà hay tình trạng lồi lõm. Ông cho biết trung bình chín tấn asphalt được trộn với một tấn rác nhựa để trải đoạn đường dài 1km, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể.

TP. Chennai ở bang Tamil Nadu (Ấn Độ) là một trong những thành phố đầu tiên trên toàn cầu áp dụng công nghệ làm đuờng mới với quy mô lớn khi quyết định trải 1.000km đường sá bằng asphalt có trộn hàng ngàn tấn rác thải nhựa vào năm 2004. Kể từ đó, nhiều thành phố lớn khác ở Ấn Độ cũng đã thử nghiệm công nghệ này bao gồm Pune, Mumbai, Surat, Indore, Delhi, Lucknow...

Hồi tháng 10, Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (Indian Oil) đã quyết định thử nghiệm sử dụng bê tông nhựa đường asphalt có trộn rác thải nhựa để trải một đoạn đường dài 850m bên ngoài Trung tâm Nghiên cứu và phát triển của Indian Oil  ở TP. Faridabad, bang Haryana thuộc miền bắc Ấn Độ. Khoảng 16 tấn rác nhựa sẽ được sử dụng để thi công đoạn đường này bao gồm các bao bì nhựa bị vứt bỏ.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển của Indian Oil, đường làm bằng nhựa tái chế có các ưu thế vượt trội về độ bền, độ kết dính và khả năng chống thấm nước mưa nhờ thành phần nhựa.

Rác nhựa tái chế cũng được thử nghiệm làm đường sá ở một số nơi ở châu Âu, Bắc Mỹ và Úc. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về các khí thải chứa chất gây ung thư phát ra trong quá trình tái chế rác nhựa cũng như nguy cơ các hạt vi nhựa thoát ra môi trường khi đường sá xuống cấp.

“Các vấn đề như vậy cần phải loại bỏ, nếu không, chúng ta sẽ làm gia tăng thêm chứ không phải làm giảm vấn đề rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường”, Georges Mturi, nhà khoa học cấp cao ở Hội đồng Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Nam Phi, nói.

Shisalanga Construction đã dành 5 năm để nghiên cứu công nghệ sản xuất nhựa đường asphalt mới. Wynand Nortje, Giám đốc công nghệ của Shisalanga Construction, cho biết phương pháp nung chảy nhựa tái chế để trộn với các phụ gia thành chất kết dính của công ty giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến các hạt vi nhựa.

Khánh Lan

(TBKTSG /Theo CNN, Live Mint, The Hindu)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: