Ashui.com

Friday
Oct 04th
Home Công nghệ Giải pháp Năng lượng trong công trình xây dựng - Nghịch lý thị trường và tia sáng cuối đường

Năng lượng trong công trình xây dựng - Nghịch lý thị trường và tia sáng cuối đường

Viết email In

Tình hình sử dụng năng lượng và phát thải ngành xây dựng 

Sử dụng năng lượng lãng phí trong công trình xây dựng trong thời kỳ bùng nổ bất động sản từ 20 năm nay vẫn là đề tài được đề cập thường xuyên trong các hội thảo về phát triển bền vững cấp quốc gia. Vấn đề này thực sự được sự quan tâm đúng mức của các cấp quản lý nhà nước do phải đảm bảo các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại các hội nghị chống biến đổi khí hậu COP. Thực tế là ngoài việc đảm bảo các cam kết quốc tế thì tiết kiệm năng lượng còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn rất nhiều, từ các vấn đề chi phí cho tới môi trường.


Kiến trúc sư thiết kế che nắng mà kỹ sư điều hòa bỏ qua không tính là một trong những nguyên nhân gây thừa hệ thông điều hòa

Một vài lợi ích có thể liệt kê ra như sau:

  • Giảm chi phí doanh nghiệp vận hành tòa nhà; 
  • Giảm tải đỉnh của khu vực dân cư, giúp giảm áp lực xây dựng nhà máy điện;
  • Giảm phát thải trực tiếp từ các nhà máy nhiệt điện, trong đó mỗi kWh điện thải ra 0.81 kg CO2 (số liệu năm 2018) và rất nhiều bụi mịn dạng tro xỉ được giảm theo, đây là dạng ô nhiễm đáng lo ngại nhất trong những năm gần đây. 

Ngoài ra còn có một số thuận lợi khác kéo theo nếu có sự quản lý và thúc đẩy thị trường tốt hơn:

  • Giảm chi phí hệ thống điều hòa thông gió, tết kiệm chi phí đầu tư công trình, giúp giảm chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu; 
  • Tăng giá trị bất động sản;
  • Thúc đẩy chất xám ngành thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành công trình;
  • Tăng cường nội lực, hướng tới xuất khẩu chất xám. 

Với nhiều lợi ích như vậy, lại được đồng hành với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo nhà nước, tại sao tình hình vẫn chưa được cải thiện rõ rệt? Nguyên nhân là do năng lực của giới thiết kế và thẩm định đang khá thấp khi tham gia xử lý các vấn đề liên quan tới năng lượng công trình, kèm theo đó là sự thiếu hụt các điều kiện thưởng phạt cho các công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, công trình vi phạm các quy định về thiết kế năng lượng.

Nói đi thì cũng phải nói lại, lỗi ở các vấn đề thiết kế và thẩm định không hoàn toàn nằm ở năng lực của giới kỹ sư mà còn có nguyên nhân khác kìm hãm sự phát triển của ngành. Từ nhiều chục năm nay, thiết kế phí tại Việt Nam cho toàn bộ công trình chỉ được duy trì ở mức khoảng 1% so với tổng mức đầu tư xây lắp công trình đó (hầu như không tính phần thiết bị), so sánh với các nước khác, trung bình thiết kế phí ở mức 8-12% tổng mức đầu tư toàn công trình (tính cả phần thiết bị). Có vẻ như chúng ta đã tiết kiệm được rất nhiều tiền cho khâu thiết kế phí, nhưng có thật như vậy không? và có đáng để làm như vậy không?

Với khoảng thời gian duy trì thiết kế phí thấp lên tới hàng chục năm, kết quả là hiện nay, với sự bùng nổ của ngành bất động sản, các công ty thiết kế kiến trúc, kết cấu, cơ điện đang làm việc cật lực, hết công suất để đáp ứng nhu cầu bất động sản. Nhưng sự hết công suất này có đi kèm với nâng cao chất lượng của đội ngũ thiết kế ? Đối với vấn đề năng lượng thì câu trả lời là KHÔNG. Đơn giản là vướng mắc nảy sinh ngay khi thêm 1 yêu cầu về năng lượng cho công trình: đảm bảo công trình trên 2500 m2 phải tuân thủ Quy chuẩn quốc gia 09:2017. Dù đã có nhiều năm thực hiện đào tạo miễn phí về quy chuẩn 09 nhờ vào sự phối hợp của vụ KHCN BXD với rất nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước… với nguồn vốn từ ngân sách trung ương, các địa phương, các chương trình tài trợ ODA chống biến đổi khí hậu... Vậy mà suốt từ năm 2005 (khi bắt đầu có Quy chuẩn 09), quy định này vẫn còn chưa được tuân thủ trên diện rộng trong giới thiết kế (từ thiết kế tới thẩm định), thậm chí một bộ phận không nhỏ kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế công trình chưa biết tới quy chuẩn này. Lẽ ra những quy định thuộc về Quy chuẩn đều có tính bắt buộc, kiến trúc sư, kỹ sư phải tự học, hoặc bỏ tiền ra đi học để có đủ kiến thức để tiếp tục hành nghề cho phù hợp với quy định mới của pháp luật.

Việc này cho thấy năng lực của một bộ phận không nhỏ kiến trúc sư, kỹ sư hành nghề thiết kế không được cập nhật những vấn đề mang tính toàn cầu, tụt hậu xa so với thế giới, đánh mất đi khả năng tự học, tự nghiên cứu. Tại nhiều nước hiện nay việc tính toán sử dụng năng lượng công trình là bắt buộc ngay cả đối với nhà dân, trong khi đó QC 09 mới chỉ là tập hợp của những quy định đơn lẻ cần tuân thủ, không hề có các phép tính phức tạp.


Cứ có kính là đi kèm với rèm

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các công trình lớn được xây dựng nhiều, trong đó có một số công trình được xem xét, hỗ trợ thiết kế bổ sung theo các chương trình hỗ trợ phát triển của quốc tế như USAID, UNDP, … đã giúp các công trình xây lên tiết kiệm năng lượng từ 15-50% với chi phí không hề tăng, thậm chí giảm.

Với kết quả đó, việc kiểm tra được mở rộng ra tới nhiều công trình khác qua các hình thức khác nhau và được áp dụng tính toán bằng công nghệ mới. Một sự ngạc nhiên xuất hiện từ đây, rằng các hệ thống năng lượng chính như chiếu sáng và điều hòa của nhiều công trình trước khi kiểm tra được thiết kế rất cẩu thả, dẫn tới tiện nghi bên trong công trình không tốt, đồng thời chi phí cho hệ thống điều hòa lớn quá mức cần thiết, vượt quá 30% là khá phổ biến, không ít công trình vượt quá 100% (bạn đọc không đọc nhầm đâu, 100% tức là công suất hệ thống vượt quá cần thiết 2 lần, một vài trường hợp thay vì 45-50 tỷ là đủ thì phải dùng tới 100 tỷ cho mua sắm thiết bị)

Tiện nghi công trình không tốt có thể dễ dàng nhận biết khi 95% các toà nhà văn phòng kéo rèm bật đèn do hoàn toàn bỏ qua khâu thiết kế chiếu sáng tiện dụng. Nhà chung cư thì có quá nhiều thiết kế phòng ngủ không có cửa sổ vẫn được phê duyệt xây dựng… Về nhiệt lại thường xảy ra vấn đề trong các không gian văn phòng rộng, rằng khu vực gần vách kính thì nóng, xa vách kính thì lạnh, các bản thuyết minh thiết kế điều hòa cẩu thả, sao chép từ dự án này sang dự án khác không khác gì luận văn sinh viên học lực kém vậy mà vẫn qua được các cấp thẩm định, phê duyệt….

Như vậy có thể thấy rằng việc tiết kiệm thiết kế phí đã gây ra hậu quả đi ngược lại hoàn toàn so với chủ trương phát triển nói chung – đó là chủ trương tăng cường nội lực để hướng tới phát triển bền vững. Từ đó dẫn tới tụt hậu về năng lực của đội ngũ thiết kế, tốn kém do mua thiết bị công suất quá lớn, sự tốn kém này trong nhiều chục năm có lẽ đã gấp hàng trăm ngàn lần chi phí tiết kiệm được do duy trì giá cực thấp cho khâu thiết kế. Kèm theo đó đương nhiên là sử dụng năng lượng kém hiệu quả, yêu cầu năng lượng tăng vọt đòi hỏi đầu tư nhà máy điện mới liên tục, từ đó lại dẫn tới phát thải lớn và tổn hại môi trường sống.

Ý kiến cá nhân người viết bài cho rằng, điều vô cũng đáng tiếc là nếu thiết kế phí được duy trì ở mức từ 4-6% tổng mức xây lắp (chưa cần của tổng mức đầu tư) thì có lẽ, với sự cần cù chịu khó của giới làm nghề, sẽ có rất nhiều công ty đã có thể vươn ra nước ngoài, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới để đem ngoại tệ về Việt Nam. Tiếc rằng mức 1% đã hủy hoại quá nhiều năng lực của ngành và của các thế hệ chuyên gia, và hiện nay phần lớn các công ty thiết kế nội vẫn mải mê cạnh tranh trong ao nhà bằng giá rẻ và phối cảnh đẹp.

Như vậy rõ ràng nghịch lý ở đây là thị trường bất động sản rất phát triển, nhưng ngành thiết kế công trình lại tụt hậu, đếm bản vẽ tính tiền và thiếu hẳn hoặc rất qua loa phần quan trọng nhất là chất xám, là thuyết minh, số liệu, dẫn tới các hậu quả về chi phí, năng lượng, môi trường.

Một hậu quả tiếp theo đang diễn ra khá phổ biến hiện nay là các chủ đầu tư trong nước không tin tưởng đội ngũ thiết kế trong nước, để đảm bảo công trình của họ được tốt, chủ đầu tư thường thuê tư vấn nước ngoài thực hiện. Nghịch lý ở chỗ là để tiết kiệm chi phí, họ chỉ thuê phần thiết kế … concept để có được ... phối cảnh đẹp, còn các phần kỹ thuật sâu hơn, nhất là MEP liên quan tới năng lượng, môi trường vẫn được đảm nhiệm bởi tư vấn trong nước. Phải chăng là chúng ta đang quá quan tâm tới hình thức bên ngoài mà quên đi các vấn đề cốt lõi của thiết kế ?

Với cách làm như vậy thì năng lượng và môi trường, chi phí hệ thống MEP sẽ bị coi nhẹ, đương nhiên phần thiệt hại sẽ dành cho chủ đầu tư, nhất là những công trình đòi hỏi kỹ thuật cao như khách sạn, bệnh viện, văn phòng lớn, trường học … Thiết nghĩ nên làm ngược lại, có thể tổ chức thi concept trong nước, còn phần kỹ thuật chuyên sâu nên lựa chọn chuyên gia hoặc tư vấn nước ngoài có năng lực về năng lượng, tối ưu hóa chi phí để đảm bảo lợi ích chi phí công trình.

Ánh sáng cuối đường

Những cố gắng trường kỳ đưa ngành thiết kế về với tính bền vững môi trường

Từ những năm 2005, Vụ KHCN bộ XD đã cố gắng đưa vấn đề tiết kiệm năng lượng công trình vào thiết kế, bằng chứng là sự ra đời của QC 09:2005. Quy định này lúc đó còn nhiều vấn đề phức tạp và khó áp dụng cả về kỹ thuật lẫn công nghệ nên việc áp dụng không thành công. Tới QC 09:2013, QC 09:2017, Vụ KHCN đã đơn giản hóa đáng kể các yêu cầu của quy chuẩn, chỉ còn vài phép tính đơn giản.

Tuy vậy việc áp dụng đại trà vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân lúc này không chỉ nằm ở sự đơn giản hay phức tạp của Quy chuẩn, nguyên nhân thực tế lại nằm ở chỗ không có chi phí bổ sung cho những công việc dạng này. Vì rằng quy định hiện hành của nhà nước là trả tiền theo hồ sơ bản vẽ thiết kế công trình. Các vấn đề về năng lượng và kiểm định năng lượng chưa có trong khung thiết kế phí.

Như vậy, chỉ một việc áp dụng được 1 quy chuẩn, theo hướng cập nhật kiểm soát về năng lượng cho công trình cũng đã khá nhiều vấn đề liên quan và cần phải được cập nhật sửa đổi, không chỉ về nội dung quy chuẩn. Một tín hiệu rất đáng mừng là gần đây, các đơn vị chuyên môn của Bộ Xây dựng đang bắt đầu nghiên cứu rà soát, xây dựng định mức đơn giá cho các nội dung liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng từ giai đoạn lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, kiểm tra nghiệm thu, quản lý vận hành công trình. Tất nhiên trong đó có vấn đề tuân thủ quy chuẩn 09. Đây có thể coi là bước đầu sửa đổi để nhìn nhận lại vấn đề thiết kế phí 1%, đưa các vấn đề liên quan tới chất xám vào bổ sung cho thiết kế phí cũ.

Tới đây bạn đọc cũng nên biết rằng QC 09 chỉ là tập hợp các quy định đơn giản cho công trình xây dựng cần phải tuân thủ, có thể hiểu rằng, đây là mức tối thiểu về chất lượng mà các công trình trong diện kiểm soát phải đạt được để được cấp phép xây dựng. Như vậy có nghĩa là nếu muốn có công trình tiết kiệm năng lượng và xác định được công trình đó tiết kiệm bao nhiêu % so với mốc chuẩn thì cần phải có chuyên môn kỹ thuật sâu hơn và có mốc chuẩn để so sánh.

Câu trả lời cho các vấn đề dạng này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện, trong đó mốc chuẩn chính là mức sử dụng năng lượng của công trình tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn năng lượng ở mức tối thiểu. Để xác định mức sử dụng năng lượng của công trình, công cụ được sử dụng phổ biến nhất là công nghệ mô phỏng nhiệt động năng lượng công trình (Building dynamic energy simulation). Công nghệ này có thể xác định được phần trăm tiết kiệm năng lượng của công trình sẽ xây so với mốc chuẩn, các cơ quan quản lý sẽ có căn cứ để đưa ra các ưu đãi cho công trình tiết kiệm năng lượng, hoặc đánh giá gắn nhẵn năng lượng cho bản thiết kế công trình đó.

Bộ Xây dựng và Vụ KHCN hiểu rất rõ vấn đề này, rằng nếu chỉ thuần túy áp dụng QC 09 sẽ không thể đảm bảo được yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay, cần phải kích thích, khuyến khích các công trình tiết kiệm năng lượng vượt xa quy chuẩn…Chính vì vậy mà song song với chương trình điều chỉnh bổ sung thiết kế phí cho thực hiện tuân thủ quy chuẩn 09, các cơ quan thuộc BXD cũng tiến hành nghiên cứu bổ sung chi phí cho thực hiện mô phỏng năng lượng nhằm đánh giá chất lượng môi trường của công trình ngay từ khâu thiết kế. Đồng thời đang cân nhắc phê duyệt giao nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn chỉ dẫn kỹ thuật thực hiện mô phỏng năng lượng công trình. Đây là phần bổ sung tiếp theo cho thiết kế phí, cho nâng cao chất xám trong quá trình thiết kế - Những việc làm này không gì khác hơn là hiện thực hóa chính sách nâng cao nội lực cho đội ngũ thiết kế trong nước, hướng tới phát triển bền vững.

Những công việc đang triển khai hiện nay tại BXD dành cho vấn đề năng lượng nếu đi vào thực tế, sẽ tạo ra một ngành mới, ngành mô phỏng năng lượng, giúp dự báo tiện nghi, chi phí sử dụng công trình. Ngành nghề mới ứng dụng những công nghệ tiên tiến đang được sử dụng phổ biến trên thế giới sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ quá trình thiết kế công trình.

Có thể hiểu mô phỏng năng lượng giống như 4.0 của ngành thiết kế, mọi vấn đề liên quan tới tiện nghi, năng lượng của công trình sắp xây đều có thể được dự báo khi công trình còn đang trên bản vẽ. Nhờ đó giúp kiểm soát các vấn đề về môi trường, năng lượng và đặc biệt là hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ chi phí công trình, chính xác hơn rất nhiều so với cách làm không mảy may quan tâm tới năng lượng hiện nay. Kết quả là những công trình thân thiện môi trường sẽ có cơ hội xuất hiện với mức chi phí không tăng, thậm chí giảm so với mức đầu tư hiện nay. Điều này trái với quan niệm thông thường là đầu tư tiết kiệm năng lượng sẽ làm tăng chi phí đầu tư, đó là nhờ vào tăng cường đầu tư chất xám thay vì chỉ tập trung triển khai bản vẽ, coi nhẹ thuyết minh, tính toán tối ưu hóa.

Thiết nghĩ, để ngay lập tức áp dụng đại trà sẽ vẫn còn khó khăn về năng lực thực hiện, nhưng nếu có sự phối hợp bộ ngành để thực hiện ngay việc kiểm soát bản thiết kế những công trình có nhiều khả năng trở thành công trình tiêu thụ năng lượng trọng điểm, thì việc nêu gương, nhân rộng để áp dụng đại trà không phải là khó.

Sau hơn 10 năm triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, một số công cụ chính sách, quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đã được áp dụng tại nhiều công trình, đem lại hiệu quả tích cực trong việc sử dụng năng lượng tiết kiêm, hiệu quả của công trình. Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các quy định đã có và nếu áp dụng thêm các công nghệ, phương pháp mới như mô hình BIM, mô phỏng năng lượng, thiết kế tích hợp.... Những công nghệ thiết kế tiên tiến đang được dùng phổ biến tại các nước phát triển khi có đất dụng võ tại VN sẽ đem lại sinh khí mới cho sự phát triển bền vững của ngành xây dựng, cho cả xây mới và cải tạo, giúp giảm đi những khoản đầu tư không đáng có, đồng thời giúp giảm tới 30%, thậm chí 50% hay hơn nữa cho các hóa đơn điện năng chi trả hàng tháng. Và có lẽ đây là những tín hiệu đầu tiên, quan trọng để bắt đầu góp phần giảm lượng bụi mịn trong các thành phố lớn, con cháu chúng ta sẽ dần có cơ hội với bầu trời trong xanh, với việc ra khỏi nhà mà không lo quên khẩu trang…

Ths.KTS Trần Thành Vũ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo