Lắp điện mặt trời dễ dàng hơn trước

Chủ nhật, 04 Tháng 11 2018 08:52 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Các gia đình ngày nay có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tận dụng nguồn năng lượng mặt trời để sử dụng trong nhà. Đồng thời, với chính sách mới về điện mặt trời nối lưới, người dùng cũng có thể bán điện còn dư cho đơn vị điện lực.  


Lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở một tòa nhà tại quận Tân Phú, TPHCM. 

Chọn hệ thống điện mặt trời phù hợp

Theo thông tin tư vấn từ Solar Vũ Phong, điện mặt trời dành cho gia đình có hai hệ thống chính phổ biến là hệ thống điện mặt trời độc lập và điện mặt trời hòa lưới. Thông thường, những gia đình ở những vùng chưa có điện hoặc nguồn điện không ổn định thì mới nên dùng hệ thống độc lập, vì chi phí cho ắc quy hay pin lưu trữ khá cao. Còn đối với đa số gia đình ở các đô thị nên dùng điện mặt trời hòa lưới, chi phí rẻ hơn vì không cần ắc quy hay pin lưu trữ. 

Giá thành của hệ thống điện mặt trời thường được tính theo công suất lắp đặt.

Theo bảng giá của một số cơ sở lắp đặt, hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới có công suất 200Wp có mức giá khoảng từ 20 triệu đồng; đây là hệ thống điện mặt trời sử dụng cho gia đình.

Còn hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập có công suất đến 14 KWp có mức giá từ 600 triệu đồng. Đây là hệ thống điện mặt trời dùng cho các doanh nghiệp, các văn phòng làm việc vừa và nhỏ. 

Sau khi xác định loại điện mặt trời phù hợp, các công ty cung cấp dịch vụ lắp đặt pin mặt trời sẽ tiến hành khảo sát vị trí, tư vấn gia đình về chi phí và quá trình lắp đặt. Khi nhận được thông tin tư vấn, người dùng cũng nên cân nhắc về công suất sử dụng điện mặt trời phù hợp với nhu cầu dùng điện trong nhà. Tuỳ thuộc vào số lượng thiết bị điện gia dụng trong gia đình, trong nhà có sử dụng máy lạnh hay không… để quyết định trang bị hệ thống điện mặt trời với công suất sao cho thích hợp. Nếu trang bị hệ thống quá lớn sẽ dẫn tới lãng phí, đầu tư chi phí cao nhưng sử dụng không nhiều. 

Ngoài ra, việc lựa chọn công suất điện mặt trời hòa lưới còn phụ thuộc vào túi tiền của mỗi khách hàng. Công suất của hệ thống này có thể dao động ở khoảng 5-7 KWp (kilowatt peak đơn vị đo lường) đến hàng MWp (megawatt peak).

Hệ thống điện mặt trời hòa lưới nên áp dụng cho các trường hợp: lắp đặt điện mặt trời hòa lưới cho các hộ gia đình; sử dụng cho các nhà xưởng, nhà máy, doanh nghiệp; sử dụng cho bệnh viện, trường học, siêu thị, trung tâm thương mại… Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời hòa lưới còn được trang bị rộng rãi ở các khu vực nhà ga, bến xe, sân bay…

Điện mặt trời hòa lưới là hệ thống hoạt động kết hợp giữa nguồn điện từ năng lượng mặt trời và điện lưới quốc gia. Điện mặt trời nối lưới bao gồm hai loại: hệ thống không dự trữ và có dự trữ bằng ắc quy hoặc pin. Mỗi loại sẽ có ưu điểm riêng, tùy vào mục đích sử dụng.

Đối với các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện thông thường (1-2 triệu đồng tiền điện mỗi tháng) có thể trang bị hệ thống điện mặt trời 2-3 KWp (sản sinh 600-1.200 kWh/tháng). Ở mức nhu cầu trung bình (2-3 triệu đồng tiền điện/tháng) có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời 4-5 KWp (1.200-1.800 kWh/tháng). Đối với những hộ gia đình có nhu cầu sử dụng cao (3-4 triệu đồng/tháng) có thể gắn hệ thống điện mặt trời với công suất 6-8 KWp (1.800–2.400 kWh/tháng).

Trang bị công suất vừa đủ dùng

Theo các cơ sở lắp đặt điện mặt trời, người dùng cần lưu ý một số yếu tố. Đầu tiên là yếu tố thẩm mỹ khi lắp đặt pin mặt trời cho các căn nhà, tòa nhà văn phòng hoặc trung tâm thương mại… Khách hàng phải lựa chọn công suất phù hợp cho toàn bộ vị trí lắp đặt, sau đó chọn lựa đơn vị cung cấp dịch vụ lắp đặt pin mặt trời uy tín, có chính sách bảo hành và bảng giá rõ ràng.

Đồng thời, người dùng cần lưu ý tới thiết bị lưu trữ nguồn điện dự phòng nếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời độc lập và chỉ nên lắp đặt ở ở khu vực thường xuyên bị mất điện. Do hệ thống điện mặt trời cũng dễ dàng nâng cấp nên người dùng sẽ không cần đầu tư một hệ thống với công suất lớn quá mức sử dụng điện trong nhà. Người dùng nên chọn bộ hòa lưới (inverter) công suất lớn hơn để dự phòng cho việc nâng cấp sau này.

Ngoài ra, các gia đình cũng nên quan tâm tới thời gian hoàn vốn sau khi đầu tư hệ thống điện mặt trời. Thông thường, khoản vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời chất lượng có thể hoàn vốn sau 5 – 6 năm và được dùng điện miễn phí trên 30 năm.

Miền Nam - nơi lý tưởng để lắp hệ thống điện mặt trời

Theo thông tin từ Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Năng lượng mặt trời Bách Khoa (Solar BK), ở khu vực miền Nam có số giờ nắng trung bình là 2.200 – 2.500 giờ/năm, cường độ bức xạ mặt trời ở khu vực này trung bình từ 4,2 – 4,7 kWh/m2/ngày. Đặc biệt với số giờ nắng trung bình là 300 ngày/năm, miền Nam được đánh giá là khu vực có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời và hiệu quả đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời đạt hiệu suất tối đa.

Giả sử gia đình đầu tư hệ thống điện mặt trời với công suất 2,56 KWp sẽ giúp họ tiết kiệm được gần 900.000 đồng tiền điện (nếu trước đây trả tiền điện 1,5 triệu đồng); giảm được khoảng 60% lượng điện tiêu thụ từ công ty điện lực. Số lượng pin mặt trời cần lắp đặt sẽ tùy thuộc vào công suất của hệ thống điện mặt trời dự tính, đồng thời liên quan tới diện tích có thể gắn pin mặt trời trên mái nhà hoặc sân vườn. Có thể mái nhà còn trống nhiều nhưng cũng không vì thế mà phủ kín toàn bộ pin mặt trời lên mà chỉ lắp đặt vừa đủ cho nhu cầu dùng điện. 

Chí Thịnh 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: