Kính tiết kiệm năng lượng: Xu hướng phát triển xanh trong xây dựng Việt Nam

Thứ hai, 09 Tháng 10 2017 17:56 Báo Đầu tư
In

Kính tiết kiệm năng lượng được sử dụng khá phổ biến trên thế giới và đã bắt đầu được chú ý ở Việt Nam, nhằm kiến tạo nên tiêu chuẩn cần thiết cho công trình xanh, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu hết tính năng và cách sử dụng của các loại kính tiết kiệm năng lượng trên thị trường.  

Hiểu rõ ràng, lựa chọn đúng

Kính tiết kiệm năng lượng là sản phẩm có công năng cao, được sản xuất bằng cách phủ các lớp vật liệu vô cơ với kích thước nano lên bề mặt phôi kính trắng nhằm kiểm soát năng lượng mặt trời truyền qua kính. Các lớp phủ có khả năng ngăn chặn một cách chọn lọc các tia bức xạ nhiệt từ mặt trời và tạo nên màu sắc kính.

Sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng có hệ số phát xạ thấp, giúp giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và ngoài công trình. Ngoài ra, với hệ số hấp thụ nhiệt (SHGC) nhỏ sẽ giúp ngăn cản phần lớn năng lượng nhiệt truyền từ mặt trời thông qua vách kính. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí điện năng cho hệ thống điều hòa không khí, hệ thống sưởi ấm, mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát hay giữ ấm tùy theo khí hậu từng vùng. 


Xu thế sử dụng kính tiết kiệm năng lượng là lời giải cho bài toán tiết kiệm điện năng cho công trình xây dựng hiện đại. (Ảnh: Lê Toàn)

Hiện nay, kính tiết kiệm năng lượng có 2 dòng sản phẩm được sử dụng rộng rãi, bao gồm Low-E và Solar Control. Ở thị trường Việt Nam, kính tiết kiệm năng lượng hiện chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài như Bỉ, Pháp… 

Ông Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, kính tiết kiệm năng lượng dần trở thành giải pháp thay thế cho vật liệu kính thông thường, bởi hiệu quả kinh tế mà nó có thể mang đến cho những công trình hiện đại. Tuy nhiên, việc ứng dụng sao cho đạt hiệu quả cao nhất với người tiêu dùng Việt Nam còn là vấn đề đáng bàn. Bởi lẽ, người tiêu dùng Việt thực sự chưa nắm rõ tính chất kỹ thuật đặc trưng 2 dòng sản phẩm Low-E và Solar Control.

Theo khảo sát, tại khu vực TP.HCM, tình trạng các doanh nghiệp gia công kính xây dựng cho đến các chủ đầu tư công trình cao ốc luôn lựa chọn kính Low-E cho mục đích tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, tính năng của kính Low-E lại phù hợp với khu vực có khí hậu lạnh, bởi đặc điểm kính Low-E là ngăn cản sự thất thoát nhiệt từ môi trường bên trong ra môi trường bên ngoài. Ngoài ra, với độ truyền sáng cao từ 60 - 70% sẽ mang nhiều ánh sáng và năng lượng từ mặt trời hơn vào trong phòng, giúp cho căn phòng luôn ấm áp vào mùa đông. Nếu sử dụng kính Low-E ở khu vực khí hậu nhiệt đới sẽ tạo ra cảm giác chói mắt, khó chịu vì đặc tính độ truyền sáng cao.

Trong khi đó, kính Solar Control với đặc tính phản xạ và hấp thụ bức xạ nhiệt mặt trời, ngăn không cho nhiệt từ mặt trời truyền vào trong phòng. Nhờ đặc điểm này, kính Solar Control giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện năng trong vận hành máy điều hòa không khí làm mát trong phòng, vì các hệ thống này chỉ phải vận hành ở công suất thấp hơn.

Đặc biệt, dòng kính Solar Control có độ truyền sáng thấp, ở khoảng 35 - 50%, không gây ra cảm giác chói nắng, phù hợp với những vùng có số giờ nắng cao như Việt Nam, thêm vào đó, khả năng ngăn cản tia UV xâm nhập vào bên trong hơn 80% giúp bảo vệ sức khỏe con người. Do đó, kính Solar Control sử dụng phù hợp ở vùng khí hậu nhiệt đới như các tỉnh khu vực phía Nam.

Hơn nữa, dòng kính Solar Control có thể sử dụng được kết cấu đơn (kính Low-E phải dùng kết cấu kính hộp), nên khả năng ứng dụng đa dạng hơn, đồng thời giảm được chi phí cho hệ thống khung nhôm.

Theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng người tiêu dùng Việt Nam chưa tường tận trong việc lựa chọn chủng loại kính tiết kiệm năng lượng như trên là do hầu hết kính tiết kiệm năng lượng được nhập khẩu từ châu Âu. Những nước này có khí hậu ôn đới và hàn đới, thường sản xuất kính Low-E để giải bài toán tiết kiệm năng lượng vào mùa Đông. Trong khi đó, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, nên việc sử dụng loại kính này cần được người tiêu dùng tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng sao cho phù hợp, tránh tác dụng ngược.

Kính Vigracera kiến tạo giải pháp xanh

Là đơn vị tiên phong, chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, phát triển vật liệu công nghệ xanh, Công ty Kính nổi Viglacera đã hợp tác với Tập đoàn Von Ardenne GmbH - tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết bị và công nghệ phủ với gần 90 năm kinh nghiệm của Đức, để đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên tại Đông Nam Á, với công suất 2,3 triệu m2/năm, sản phẩm đã được kiểm định đạt tiêu chuẩn châu Âu EN 1096:2012.

Dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng Viglacera là dự án công nghệ cao, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2015, có quy mô 5 triệu m2/năm. Dự án được đầu tư qua 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I, đầu tư dây chuyền sản xuất 2,3 triệu m2/năm tại khu sản xuất Tân Ðông Hiệp (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bằng công nghệ được chuyển giao từ Tập đoàn Von Ardenne GmbH.

Năm 2016, sau khi đi vào vận hành, Nhà máy Kính tiết kiệm năng lượng Viglacera tung ra thị trường 2 dòng sản phẩm kính Low-E và kính Solar Control. Các sản phẩm này có cấu trúc điển hình gồm từ 5 đến 8 lớp phủ, có thể ngăn đến 99% tia UV và 79% năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm 51% chi phí điện năng cho hệ thống điều hoà nhiệt độ.

Ông Nguyễn Minh Khoa, Giám đốc Công ty Kính nổi Viglacera cho biết, dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm Vigacera được vận hành tự động. Nguyên liệu là phôi kính trắng được nạp đầu vào, sau đó được đưa qua máy rửa phôi bằng nước khử khoáng trước khi tiến hành phủ các lớp ôxit kim loại, kim loại, lớp phủ bạc, lớp phủ bảo vệ, chống ăn mòn... trong buồng chân không. Đặc biệt, hệ thống nước để rửa phôi kính trước khi đưa vào phủ là hệ thống nước khử khoáng DI Water công nghệ lọc thẩm thấu RO qua 2 cấp RO1 và RO2 để đảm bảo độ dẫn điện của nước thấp hơn 1 micro Siemens(µS). Do đó, bề mặt phôi kính sau khi rửa rất sạch, giúp đảm bảo các lớp phủ bám dính tốt nhất trên tấm kính.

“Để đảm bảo cho chất lượng tốt nhất, sản phẩm kính được đưa vào môi trường chân không để tạo lớp phủ. Trong môi trường chân không, các vật liệu rơi xuống do quá trình phún xạ điện tử (PVD). Nhờ vậy, bề mặt lớp phủ trên kính sẽ đồng đều và đảm bảo tốt nhất các tính năng của kính phủ”, ông Dương Phi Long, Trưởng bộ phận kỹ thuật Nhà máy Kính tiết kiệm năng lượng Vigracera nói và cho biết thêm, sau khi hoàn thiện, kính tiết kiệm năng lượng được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt bằng hệ thống thiết bị tân tiến và bằng mắt thường. Những khuyết tật như rạn nứt, vỡ… đều được loại bỏ, chỉ những tấm kính đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu mới được thông qua quy trình tiếp theo.

Ông Long cũng cho biết, dòng sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng Solar Control được phủ 5 lớp hợp kim và kim loại để tạo ra tính chất kỹ thuật đặc trưng như tính phản xạ ánh sáng, độ truyền sáng, độ hấp thụ năng lượng mặt trời… Còn dòng kính Low-E phủ 8 lớp, trong đó lớp chức năng chính là bạc. Lớp bạc này làm cho kính Low-E có khả năng hạn chế quá trình thất thoát nhiệt từ môi trường trong ra môi trường bên ngoài.

Với dòng sản phẩm Solar Control, Nhà máy Kính tiết kiệm năng lượng Vigracera có 3 chủng loại chính giống nhau về tính chất, nhưng khác nhau về màu sắc. Đó là màu xanh lá, xanh biển và màu trung tính.

Ông Long cho biết thêm, lợi thế Nhà máy Kính tiết kiệm năng lượng Vigracera là nằm liền kề Nhà máy Kính nổi Viglacera, nên đáp ứng tốt yêu cầu phôi kính mới, bởi trong sản xuất kính tiết kiệm năng lượng, vấn đề phôi kính mới là yếu tố trọng yếu đến chất lượng các lớp phủ.

Các chuyên gia trong ngành vật liệu xây dựng đánh giá, sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng Viglacera đang dần thay thế hàng nhập khẩu. Ðặc biệt, sản phẩm này đã giải quyết được bài toán tiết kiệm năng lượng phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam và giúp tiết kiệm được đến 50% chi phí năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí của các toà nhà xây dựng.

Dù mới tham gia thị trường, song “vật liệu xanh” kính tiết kiệm năng lượng Vigracera đã được ứng dụng trong hàng loạt công trình như Cao ốc văn phòng số 63, đường Nam Kỳ Nghĩa (TP.HCM), Khách sạn Parisdeli (TP. Đà Nẵng), Chung cư Cát Linh (quận 10, TP.HCM), Văn phòng Báo Lao Động 198 - Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM)… với tổng diện tích hàng trăm ngàn mét vuông. Kính tiết kiệm năng lượng Viglacera đang tiên phong kiến tạo giải pháp xanh, thân thiện môi trường cho các công trình xây dựng Việt.

Ngọc Tuấn 
(Báo Đầu tư)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: