Tàu treo đệm từ - Thuốc chữa bệnh ùn tắc cho đô thị?

Chủ nhật, 27 Tháng 7 2014 15:44 Tia Sáng
In

Hãng SkyTran của Mỹ đề xuất một phương tiện giao thông theo kiểu tàu treo đệm từ để giảm tải và thích hợp đối với các thành phố lớn. Hệ thống này gồm nhiều khoang chở hành khách cỡ nhỏ, treo trên một thanh ray và trượt nhẹ nhàng, hầu như không có ma sát. 

Cách đây không lâu, ông Elon Musk, giám đốc điều hành hãng Tesla, đã đề xuất một phương án giao thông mới gây xôn xao dư luận. Ông đưa ra ý tưởng về những cái ống chân không có tên là “Hyperloops” và hành khách ngồi trong những khoang nhỏ của nó để di chuyển. Theo Musk, đi lại bằng phương tiện này nhanh hơn và xanh hơn so với các phương tiện giao thông hiện nay.  

Giờ đây hãng SkyTran của Mỹ đề xuất một phương tiện giao thông theo kiểu tàu treo đệm từ (magnetic levitation) để giảm tải giao thông cho các thành phố lớn. SkyTran gồm nhiều khoang nhỏ chứa hành khách trông như những “viên nang” treo bên dưới đường ray. 

Nhờ công nghệ từ tính, SkyTran vận hành nhanh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn so với các phương tiện giao thông hiện nay. Hãng chế tạo SkyTran thuộc Cơ quan nghiên cứu vũ trụ của Mỹ NASA, toạ lạc trên khuôn viên của cơ quan này ở Mountain View, California. 

Dự kiến khởi công xây dựng tại Tel Aviv vào năm 2016. 

Sau một số năm phát triển, SkyTran cách đây vài ngày đã công bố về quan hệ đối tác với Israel Aerospace Industries (IAI), công ty sản xuất máy bay của Israel.

Giờ đây SkyTran và IAI dự định xây dựng thí nghiệm tàu treo trên khuôn viên của IAI ở Israel. Nếu thử nghiệm này thành công thì sẽ sớm tiến hành xây dựng một tuyến giao thông công cộng đầu tiên nối vùng ven biển phía tây với điểm tận cùng ở vùng ven biển phía đông của Tel Aviv. SkyTran dự định khởi công vào cuối năm 2016 và sau 24 tháng sẽ hoàn thành tuyến đường dài khoảng 12 km. 

Tuy nhiên nhà sản xuất giải thích trên homepage của mình, trong tương lai gần, SkyTran có thể phủ kín miền trung Israel với tổng chiều dài của mạng lưới đường ray khoảng 200 km. 



Mỗi khoang có chỗ cho hai người, và có thể dùng Smartphone để gọi một cách dễ dàng. Khoang tàu sẽ đợi sẵn ở trạm mà hành khách yêu cầu và có thể di chuyển hành khách với tốc độ 70 km/giờ. 

Các chuyên gia phát triển cho hay, nếu tuyến đường dài hơn thì khoang có thể chạy với tốc độ cao hơn. 

Vậy phương án này được đánh giá như thế nào? Trước hết nghe ra có nhiều triển vọng vì SkyTran được xây dựng dựa trên một công nghệ đã có sẵn. Tuy nhiên ở đây có thể lấy trường hợp tàu đệm từ Transrapid làm gương - tính khả thi kỹ thuật không bảo đảm cho sự thành công của một phương án giao thông.

Ngoài ra còn một vấn đề đang được đặt ra là mỗi khoang tương đối nhỏ của SkyTran chỉ chứa tối đa hai người vậy thì vào giờ cao điểm, vấn đề giao thông sẽ được xử lý ra sao. Một vấn đề nữa còn bỏ ngỏ là các khoang chở người có thể vượt nhau được không. 

Rẻ hơn tàu điện ngầm

Nếu như các nhà chế tạo tìm ra các giải pháp cho những vấn đề nói trên thì tàu treo đệm từ có thể khá hấp dẫn, đặc biệt đối với Tel Aviv, nơi nạn ùn tắc giao thông là căn bệnh kinh niên.

Hơn nữa, theo các nhà phát triển thì phương tiện giao thông mới này tiết kiệm năng lượng hơn so với các phương tiện giao thông công cộng khác vì công nghệ đệm từ về nguyên tắc không có ma sát cho nên năng lượng không bị thất thoát.

Nếu các nhà phát triển thực hiện được dự án theo dự toán thì có thể nói dự án này tương đối thuận lợi về giá thành. Dự toán cho tuyến đường SkyTran 12 km khoảng 60 triệu Euro trong khi các nhà quy hoạch giao thông ở Hamburg dự toán chi phí xây dựng mới 1 km đường tàu điện ngầm khoảng 100 triệu Euro – tuy nhiên năng lực vận chuyển của tàu điện ngầm lớn hơn nhiều.

Một khi tuyến đường dầu tiên ở Tel Aviv tỏ ra có hiệu quả đối với việc giảm tải cho giao thông nội đô thì sẽ có một loạt thành phố ở Ấn Độ, Pháp hay Mỹ lên kế hoạch xây dựng tàu treo đệm từ. Tầu treo đệm từ còn một đối thủ cạnh tranh, ít hiện đại hơn về mặt kỹ thuật, đó là các tuyến cáp treo đang được nhiều thành phố trên thế giới lên kế hoạch xây dựng. Đây là đối thủ mà nó phải vượt qua. 

Xuân Hoài (dịch từ Tuần Kinh tế, Đức) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: