Ashui.com

Wednesday
Dec 04th
Home Cộng đồng Sinh viên Giảm độ vênh giữa đào tạo kiến trúc sư quy hoạch trong Nhà trường và Thực tiễn

Giảm độ vênh giữa đào tạo kiến trúc sư quy hoạch trong Nhà trường và Thực tiễn

Viết email In

Không thể nói đào tạo đại học và thực tiễn là không có độ vênh. Tính đa dạng của nhu cầu, lượng kiến thức xã hội ngày càng lớn và quan điểm học suốt đời đã cho thấy 5 năm học đại học không bao giờ là đủ kiến thức cho chúng ta làm việc trong suốt thời gian lao động của cuộc đời. 

Tuy nhiên, độ vênh ở mức nào? trong bối cảnh nào là có thể được chấp nhận hay giải quyết trên quan điểm nào là vấn đề phải được làm rõ. Bởi không thể để tình trạng “ học một đằng, làm một nẻo”. Đối với công tác đào tạo ngành quy hoạch đây đang là vấn đề nổi trội, một thách thức lớn với các cơ sở đào tạo, không ít các sinh viên ra trường băn khoăn vì thực tế không “giống” với những bài học trên giảng đường.  

Có quan điểm xã hội cần gì thì dạy nấy, dạy theo các quy định đang hiện hành, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng không thể dạy theo cách làm quy hoạch thực tế hiện nay vì đó cũng chưa phải là cách làm đúng, trường đại học cũng không phải là việc dạy theo văn bản, Nghị định vì các văn bản, Nghị định này cũng chưa tốt, còn đang phải thay đổi, điều chỉnh. 


Hội thảo "Đào tạo chuyên ngành Quy hoạch Đô thị và Nông thôn gắn với thực tiễn" được tổ chức sáng nay (15/11) tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. 

So sánh giữa đồ án của sinh viên với các đồ án thực tiễn 

Đây là cách so sánh đúng và thực tế nhất bởi công việc của các KTS quy hoạch là phải lập được các đồ án quy hoạch, các mục tiêu khác như làm nhà quản lý hay đầu tư sẽ là những mục tiêu, năng lực phát triển trong giai đọan sau. Nhìn chung so giữa một đồ án trong nhà trường với thực tiễn có những độ vênh rất cơ bản:

Yếu tố thời gian để hoàn thành một đồ án giữa thực tế với trong nhà trường rất khác biệt, các đồ án trong nhà trưởng phải rút ngắn nhiều công đoạn để thực hiện theo thời lượng đào tạo. 

Trong nhà trường, sinh viên chỉ có thời gian khoảng 8-10 tuần cho một đồ án (mỗi tuần 1 đến 2 buổi làm việc). Sinh viên được cung cấp các số liệu hiện trạng ( hoặc được lược giản bớt), có tham gia đánh giá hiện trạng ở một mức độ nhất định. Chủ yếu thời gian dành cho thiết kế, tỷ trọng thời gian thu thập số liệu thấp.
Chính vì vậy, sinh viên chưa nhận thức được sự khó khăn trong thực tiễn ở việc thu thập số liệu, kết nối các thông tin của các ngành khác, của các dự án có liên quan. Đây có thể nói là một cú “ sốc” với KTS mới ra trường.

Thực tế các tư vấn quy hoạch rất vất vả, tốn nhiều thời gian trong việc thu thập đủ các thông tin. Không sẵn sàng chia sẻ, thiếu đầu mối thông tin thống nhất trong thực tế là cản trở lớn. Chưa nói đến việc nếu các thông tin đó bị mâu thuẫn, phải chờ đợi những cấp có thẩm quyền xử lý. Những kỹ năng này sinh viên chưa được thực hành đầy đủ.

Quá trình trình duyệt để tiến tới phê duyệt đồ án quy hoạch trong thực tế rất khác so với quá trình đánh giá, cho điểm đồ án trong trường nhà trường.

Trong thực tế, người làm chuyên môn có thể chủ động trong công việc nhưng khá bị động trong quá trình trình duyệt, phụ thuộc vào nhiều yếu tố của cấp ra quyết định, của sự điều hành phối hợp của các cơ quan thẩm định. Các KTS có khi gặp cảm giác trong một ma trận của các ý kiến trái chiều mà quyền thương thuyết, dung hòa hay quyết đoán đúng sai dường như không hoàn toàn nằm ở vai trò của chuyên môn.

Quá trình này cũng chưa tạo được sự nhận thức cho sinh viên. Nhóm đồ án chỉ có một thầy hướng dẫn, các quan điểm cũng là từ phía chuyên môn kiến trúc, thiếu các đánh giá đa chiều từ các lĩnh vực khác. Trong khi thực tế những người tham gia thẩm định, đánh giá hay ra quyết định quy hoạch trên 50% là của những người không phải cùng chuyên ngành kiến trúc.

Sự đánh giá điểm của một vài thầy kiến trúc cho học sinh ngộ nhận đồ án quy hoạch chỉ do một số ít đánh giá, của người cùng chuyên ngành. Vì vậy trong thực tế, khi va vấp lần đầu, KTS trẻ dễ có tâm trạng hoài nghi, bối rối và chán nản khi bị đánh giá trên nhiều góc độ khác, đôi khi không liên quan đến quy hoạch. Nhưng rõ ràng Quy hoạch Đô thị không phải là lĩnh vực của riêng Kiến trúc sư quy hoạch, tính liên ngành cần phải được thể hiện tinh thần ấy ngay trong quá trình đánh giá đồ án môn học.

Đồ án còn năng về quy hoạch không gian mà còn ít có yếu tố tư vấn phát triển: Quy hoạch là lĩnh vực tư vấn bao hàm tư vấn phát triển, điều đó bao hàm cả khía cạnh đưa ra các lời khuyên, thuyết phục cho các định hướng đầu tư, xây dựng các mô hình phát triển mới.

Trong khi thiết kế kiến trúc công trình, các kiến trúc sư có ưu thế hơn so với đối tượng cần thuyết phục vì có kiến thức kỹ thuật, mỹ thuật nổi trội. Tuy nhiên với đồ án quy hoạch, vốn gắn với các kế hoạch, chủ trương, chính sách, kinh tế đầu tư …thì các KTS trẻ chưa thể bằng các nhà chính trị, nhà đầu tư hoặc các cơ quan phát triển khác, nếu không nói là còn thua kém xa.

Để đưa ra các ý kiến tư vấn, thuyết phục các nhà quản lý, nhà đầu tư vốn có bề dày về xã hội, về phát triển là nhiệm vụ rất khó khăn, phải có sự hiểu biết kinh tế, xã hội, kinh nghiệm làm việc nhất định. Điều này làm cho KTS quy hoạch trẻ có cảm giác mình chỉ là người vẽ theo các ý kiến chỉ đạo.

Từ 3 ví dụ trên cho thấy quá trình thực hiện, đánh giá đồ án quy hoạch trong nhà trường còn khá nhiều khác biệt so với thực tiễn, cho dù mới mong muốn ở mức độ “mô phỏng”. 


Sinh viên trong Thư viện trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
(nguồn: hau.edu.vn) 

Sự đánh giá của thị trường hành nghề chưa lành mạnh ảnh hưởng đến việc đánh giá chuẩn đào tạo. 

Những tiêu cực xã hội trong công tác quy hoạch hiện nay cũng ảnh hưởng đến công tác đào tạo, làm lệch lạc các chuẩn mực.

Ví dụ trong giai đoạn đất đai sốt tăng cao vừa qua, những tiêu cực xã hội trong quản lý đất đai, quản lý quy hoạch chạy theo lợi nhuận đã làm méo đi các vấn đề chuẩn mực trong thiết kế. Hiện tượng đầu tư duy ý chí, phân chia đất đai theo lợi ích, việc lấn chiếm, xây dựng sai phép tràn lan trong thực tế cũng làm cho các bài giảng về quy hoạch sử dụng đất, về thiết kế đô thị trở nên giáo điều. Bản thân giảng viên cũng khó tin vào những điều đúng đắn có thể được thực hiện. Trong những bài tập về Quản lý đô thị, Thiết kế đô thị, các phương án được thầy và trò phân tích kỹ lưỡng, đề xuất đến từng chi tiết có lẽ sẽ chỉ là những mô hình không tưởng xã hội.

Những thực tế điều chỉnh quy hoạch theo các lợi ích cục bộ, những điều lẽ ra phải làm thì không được thực hiện, tình trạng quy hoạch yếu kém vừa qua không thể không làm giảm niềm tin vào vai trò của người làm tư vấn quy hoạch đối với xã hội.

Nhưng cũng không thể chấp nhận những tiêu cực xã hội lại là những hiện thực xã hội để điều chỉnh nội dung giảng dạy. Các ứng xử với những trường hợp này không thể coi là tiền đề, là cơ sở để giảng dạy về quá trình lập quy hoạch, phê duyệt đồ án.

Sự mâu thuẫn này chỉ có thể phản ánh với sinh viên như một cảnh báo về các biến, các hàm có thể làm gia tăng phức tạp hơn các bài toán của một đồ án quy hoạch, trong những bối cảnh xã hội khác nhau Tuy nhiên cũng khó để dừng ở một chừng mực. Qúa mức sẽ làm mất niềm tin vào những luận giải khoa học, không đúng mực sẽ làm sinh viên xa rời thực tiễn.

Nhiều mảng thị trường của công tác quy hoạch chưa được hình thành rõ rệt. Ví dụ các dự án về Thiết kế đô thị còn rất ít, những dự án về Thiết kế cảnh quan, bảo tồn đô thị…cũng tương tự.

Một số nội dung của đồ án được các giáo viên tâm huyết, nhất là các giáo viên được đào tạo ở nước ngoài, sinh viên cũng rất ham mê đó là các đồ án, bài tập liên quan đến Thiết kế đô thị. Trên kinh nghiệm của các nước phát triển, những môn học này đã được các nhà trường coi trọng . Nhưng đáng tiếc Thiết kế đô thị chưa thực sự được ứng dụng trong thực tiễn ở đô thị Việt Nam, chưa có những minh chứng, dường như thị trường về việc Thiết kế đô thị đường phố, quảng trường…vẫn chưa thực sự xuất hiện, thiếu cọ sát thực tế ở Viêt Nam cũng dễ làm những đồ án kiểu này còn có khoảng cách. 


Triển lãm đồ án tốt nghiệp xuất sắc năm 2012 chuyên ngành Quy hoạch, Hạ tầng kỹ thuật đô thị, Quản lý đô thị 
 

Một số định hướng

Rất cần sự góp sức của các đơn vị tư vấn quy hoạch, các cơ quan quản lý quy hoạch trong công tác đào tạo. 

Những độ vênh giữa đồ án thực tiễn và đồ án môn học có thể được khắc phục nếu sinh viên được làm quen với các bài toán thực tiễn cả về các bối cảnh của đề tài như việc phải đi khảo sát, điều tra, đi thu thập các dữ liệu có liên quan.

Công tác đánh giá đồ án cũng cần có sự cọ sát thực tiễn nhiều hơn, có sự góp ý của các đơn vị tư vấn, các chuyên gia bên ngoài, của cơ quan quản lý quy hoạch chứ không chỉ của các giáo viên cơ hữu. Sự có mặt của các chuyên gia về xã hội, văn hóa, kỹ thuật của ngành khác khác thậm chí là của người dân trong quá trình đánh giá đồ án cũng cho một ví dụ gần hơn với quá trình thực hiện và phê duyệt đồ án.

Phân khúc đào tạo KTS Quy hoạch 

Thực tế Quy hoạch và Phát triển là không tách rời nhưng trong quá trình giảng dạy đại học, việc giảng dạy mảng kiến thức Phát triển của quy hoạch là hết sức khó khăn bởi tính phức tạp của thực tiễn, khả năng nắm bắt đầy đủ các khía cạnh kinh tế, xã hội, chính sách, pháp luật đối với sinh viên là hạn chế. Cho dù đủ thời lượng, đội ngũ giảng viên tốt thì khả năng nắm bắt thực tiễn vẫn phải qua những cọ sát, không chỉ đơn thuần lý thuyết, nhất là với sinh viên kiến trúc – quy hoạch vẫn mang tinh thần của các khối trường kỹ thuật.

Từ đó có thể thấy việc tiếp cận hoàn chỉnh kiến thúc quy hoạch cần phải đi theo 2 bước: 

  • Bước 1: Kiến thức về Quy hoạch (không gian, kỹ thuật) cho kiến trúc sư quy hoạch.
  • Bước 2: Kiến thức về tư vấn Quy hoạch Phát triển, kỹ năng hành nghề chủ trì.

Chỉ khi hoàn thiện cả 2 hệ thống kiến thức mới có thể coi là đã trang bị hoàn chỉnh kiến thức cho một người làm quy hoạch theo đúng nghĩa. Tham vọng có cả 2 hệ thống kiến thức đầy đủ trong khoảng 3,5 năm học chuyên môn đại học là không thể. 

Có thể có 2 dạng đào tạo cho bước 2: 

  • Dạng 1: Các kiến thức về Tư vấn Quy hoạch phát triển được học chủ yếu ở cấp học Thạc sĩ chuyên ngành Quy hoạch (tách biệt với Thạc sĩ Kiến trúc).
  • Dạng 2: Các kiến thức Tư vấn Quy hoạch Phát triển, kỹ năng hành nghề chủ trì học ở các khóa học ngắn hạn, cấp chứng chỉ. 

Đây cần được coi là tiêu chí bắt buộc để một kiến trúc sư có thể được làm chủ trì các đồ án quy hoạch ngoài các tiêu chí về số năm công tác (trên 5 năm), có chứng chỉ hành nghề.

Trong giai đoạn trước mắt, các chứng chỉ về Tư vấn Quy hoạch Phát triển là công việc có thể được thực hiện với sự tham gia của Bộ Xây dựng và các trường.
Giai đoạn sau, việc có bằng Thạc sĩ Quy hoạch cần được coi là điều kiện bắt buộc với người làm Chủ trì đồ án quy hoạch. 

Để nâng cao nhận thức của các kiến trúc sư, Bộ xây dựng, các Viện nghiên cứu chuyên ngành cần phối hợp với các trường Đại học để thống nhất xây dựng các chương trình học nâng cao về quy hoạch theo hướng Tư vấn Quy hoạch Phát triển, coi đây là một trong những điều kiện để hành nghề với cương vị chủ trì đồ án Quy hoạch (tương tự các Chứng chỉ về Tư vấn giám sát, Tư vấn đấu thầu…). 

Những yêu cầu này cũng làm cho sinh viên ngay trong quá trình học đại học có ý thức hơn với các môn học có liên quan đến chính sách, phương thức phát triển, lý luận phát triển, tránh chỉ tập trung vào các môn có tính kỹ thuật, sáng tạo không gian như hiện nay. 

Đào tạo Kiến trúc sư Quy hoạch để đáp ứng nhu cầu của xã hội đang là một thách thức với các cơ sở đào tạo. Các trường phải luôn nhìn nhận lại, đánh giá lại nội dung và phương thức đào tạo và liên tục đổi mới đồng thời cũng rất cần sự ủng hộ, tham gia của các đơn vị sử dụng lao động, các cơ quan tư vấn và của các cơ quan quản lý. Có được sự ủng hộ này chắc chắn sẽ góp phần đổi mới công tác đào tạo KTS Quy hoạch thành công./. 


Các sinh viên có đồ án tốt nghiệp xuất sắc năm 2011 với thầy cô trường Đại học Xây dựng. 

PGS.TS Phạm Hùng Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Xây dựng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 3581 khách Trực tuyến

Quảng cáo