Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Cộng đồng Sinh viên Nhân văn hóa đào tạo Kiến trúc sư

Nhân văn hóa đào tạo Kiến trúc sư

Viết email In

Ở tầm vĩ mô, đã có nhiều trí thức tâm huyết hiến kế cho quan điểm giáo dục hiện đại. Tựu chung là tiến tới một nền giáo dục thích hợp với thời đại ngày nay, dựa trên một triết lý cơ bản về giáo dục, lấy mục tiêu là đào tạo nên những con người tự do, có năng lực tư duy độc lập, giàu khả năng và ý chí sáng tạo, dám và biết tự mình đi tìm chân lý, sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy (1). Lâu nay, Đào tạo Kiến trúc sư (KTS) cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, từ những vấn đề chung như triết lý, quan điểm, mục tiêu, phương pháp, đến những giải pháp và biện pháp cụ thể. Nhưng, hình như nói đã nhiều mà chuyển biến thì chẳng được bao nhiêu.


Cải tạo Tháp nước Hàng Dâu & vườn hoa Vạn Xuân - giải thưởng của Hội KTSVN 2010 

 

Hiện trạng

Kiến trúc do con người tạo ra để phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của chính mình, nên là một thành tố quan trọng của văn hóa; là môi trường vật thể kết nối hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn, trong đó, con người với tư cách là chủ thể văn hóa đóng vai trò quyết định. Song kiến trúc và đào tạo KTS hiện nay đang bị tiếp cận một cách duy lý và máy móc, quá coi trọng yếu tố vật chất khách quan nên đã hạn chế tới mức tối thiểu sự tham gia của yếu tố con người. Tình trạng này dẫn đến việc đào tạo KTS không đáp ứng được nhu cầu của thực tế nghề nghiệp, bị tụt hậu so với xu thế chung của thời đại và trở nên trì trệ kìm hãm sự phát triển nguồn nhân lực của xã hội.

Để phổ cập giáo dục trong giai đoạn sau chiến tranh (khi cuộc sống thay đổi rất chậm, các kiến thức và kỹ năng làm việc còn khá đơn giản), chúng ta đã chia nhỏ kiến thức thành những module giúp cho việc truyền thụ và tiếp thu trở nên dễ dàng, và người dạy chỉ cần là người được học trước. Điều đó cho phép huy động rất nhiều người vào hoạt động giáo dục và hầu hết những học trò lớp trước đều có thể trở thành giáo viên để dìu dắt những lớp sau, nhờ vậy đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ dân trí trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Nhưng, mặt trái của nó là hình thức giáo dục “áp đặt” ra đời và đang rất phổ biến hiện nay: thầy giáo vào lớp, viết đầu bài lên bảng, đưa ra những công thức, giải thích, hướng dẫn cách áp dụng rồi yêu cầu học trò làm theo mẫu. Khi tất cả đều theo mẫu - từ bình Văn cho tới giải Toán - thì có học nghệ thuật cũng chỉ là nô lệ của hình thức.

Sự thiếu hụt tri thức hiện đại có nguồn gốc từ việc Kiến trúc bị áp mã ngành kỹ thuật không đúng với bản chất sáng tạo nghệ thuật của nó dẫn đến sự mất cân đối nghiêm trọng giữa kiến thức khoa học - kỹ thuật và xã hội – nhân văn trong cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo. Các môn xã hội – nhân văn có liên quan đến Kiến trúc và tác động đến chất lượng KTS trong chương trình đào tạo ở ta chỉ bằng 1/3 – 1/4 so với các nước phát triển (chỉ có Ngoại ngữ, Lịch sử Kiến trúc thế giới & Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật, Xã hội học, Mỹ học, Luật XD và mấy môn chính trị). Nội dung thiếu và yếu, vẫn thiên về những tri thức rời rạc, đóng khung trong các môn học riêng biệt, không đảm bảo cho sinh viên nhận thức được thực tại đa chiều và các vấn đề toàn cầu hiện nay.


Nhà ở vùng thiên tai - giải thưởng của Hội KTSVN 2008

Các cơ sở đào tạo vẫn chịu một cơ chế quản lý hành chính hoá / quan liêu cao độ. Trong các trường công lập, kinh phí đào tạo được cấp không liên quan đến chất lượng công việc, kinh phí nghiên cứu cũng được cấp không phải để tìm ra cái khả dụng / khả thi cho học thuật mà chủ yếu được coi là một hình thức bổ sung thu nhập. Nhà nước quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và lương của người thầy. Lương phụ thuộc vào thâm niên, và thấp đến nỗi các giảng viên đại học phải làm thêm / dạy thêm rất nhiều mới có thể đảm bảo cuộc sống. Nếu ở các nước phát triển, mỗi thầy chỉ kèm được 5-7 trò thì ở ta, một thầy phải “gánh” tới 15-25 KTS tương lai - một tỉ lệ (thầy/ trò) quá “thấp” để cho ra những sản phẩm đào tạo “chất lượng cao”. Vì có quá nhiều người muốn qua cánh cửa hẹp vào các trường đại học nên các cơ sở đào tạo nói chung cũng như đào tạo KTS nói riêng mặc nhiên được đảm bảo một thị trường ổn định để khai thác mà không cần phải đổi mới hay nâng cấp.

Trong khi đó - theo KTS Nguyễn Trực Luyện - thực tế cho thấy, do những quy trình có tính đặc thù của xây dựng mà xã hội luôn đòi hỏi phải có ít nhất ba dạng kiến trúc sư: Một là kiến trúc sư - tác giả (là những người đưa ra ý tưởng sáng tạo), hai là kiến trúc sư - thực hiện (là những người đưa ra các giải pháp), ba là kiến trúc sư - quản lý (làm việc ở các ban quản lý dự án / phòng xây dựng cơ bản của sở). Như vậy, lẽ ra đào tạo KTS phải được chia thành ba chuyên ngành khác nhau, nhưng ở ta lâu nay vẫn đang chập ba làm một.

Vào đại học mới học lại Ngoại ngữ và Tin học từ đầu là điểm khác biệt của ta so với thế giới. Do đó, nhiều KTS tốt nghiệp đại học - thậm chí cao học - mà chưa thông thạo bất kỳ một ngoại ngữ nào. Việc này góp phần không nhỏ ngăn cản quá trình hội nhập và hợp tác của Kiến trúc Việt Nam với thế giới, vì đối với KTS thì Ngoại ngữ và Tin học là hai công cụ để học tập và cũng là hai kỹ năng quan trọng để làm việc.

Về cơ sở vật chất, cần 3–6m2 chỗ học cố định cho một sinh viên kiến trúc trong suốt thời gian học tại trường là điều không tưởng ở ta. Không ít trường phải thuê mướn địa điểm phân tán ở nhiều chỗ. Không kiểm soát được khả năng nghiên cứu và thực hành của sinh viên là điều phổ biến, vì nhiều trường chỉ có lớp học lý thuyết mà không có xưởng học thiết kế (vốn là đặc thù của đào tạo KTS), chưa nói đến trang thiết bị. Ở nước ngoài có cả xưởng mô hình, có máy tính, máy chiếu và thư viện nối mạng kèm theo để sinh viên khai thác thông tin và thuyết trình đồ án. Ở ta liệu bao nhiêu phần trăm trường lớp được như vậy? Bảo sao, khó xóa nạn “đọc - chép”, lại càng khó kiểm soát được việc “đạo” bài.

Tóm lại, đã đến lúc phải đổi mới đào tạo KTS một cách cơ bản.


Trung tâm gốm Xanh - giải thưởng quốc tế FuturArc 2009

 

Định hướng đào tạo

Sự bùng nổ về số lượng (mỗi năm cho “ra lò” ngót ngét nghìn rưỡi KTS “chân không đến đất, cật chẳng đến giời”) đòi hỏi hoạt động đào tạo KTS phải có định hướng mang tính chiến lược nhằm hạn chế dần rồi triệt tiêu khoảng cách đang rất lớn giữa lý thuyết và thực hành, giữa nghiên cứu và ứng dụng, giữa sáng tác và phê bình, giữa người làm nghề với quần chúng nhân dân. Điều đó cũng được xác định là một chương trình hành động của Hội KTS Việt Nam trong thập kỷ tới để từng bước xác lập lại tiếng nói trong xã hội của giới KTS, khẳng định lại vị trí tiên phong của mình trong việc định hướng phát triển nền kiến trúc Việt đương đại.

Trước hết, phải định hướng đào tạo KTS phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, đón trước những vấn đề đã được dự báo / được đưa vào các chương trình quốc gia. Với chương trình đào tạo được quản chặt cứng cả về nội dung và thời lượng như hiện nay, thì chưa thấy trường nào đề cập được những vấn đề như: phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc tế hóa song song với bản địa hóa,… hay ít ra là đáp ứng yêu cầu cụ thể của địa phương (chẳng hạn như Hoa Kỳ: khoa kiến trúc Đại học Columbia nặng về kiến trúc Di sản; đại học Los Angeles nghiên cứu sâu về kiến trúc công trình công – thương nghiệp; đại học Berkeley chú trọng về quy hoạch xây dựng đô thị; đại học Carnegie Mellon dẫn đầu về thiết kế tiếp cận / phổ quát,…).

Tiếp theo, định hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu về nhân lực của ngành - đa dạng hóa sản phẩm bằng cách phân luồng đào tạo theo các chuyên ngành (KTS công trình – nội thất – cảnh quan – bảo tồn, …) và phân cấp theo trình độ (KTS sáng tác, KTS triển khai và kỹ thuật viên kiến trúc). Đào tạo KTS phải đúng với bản chất và đặc thù của nghề nghiệp, tức là kết hợp giữa việc dạy học và truyền nghề trực tiếp, đạt được sự cân đối giữa các yếu tố kỹ thuật – vật liệu và tư tưởng – nghệ thuật (2).


Nhà ở sinh thái cho người H'Mong, Cao nguyên đá Đồng Văn - giải thưởng quốc tế FuturArc 2010

 

Triết lý đào tạo

Có thể những vấn đề chung về triết lý, quan điểm, mục tiêu của đào tạo không trực tiếp dẫn đến giải pháp cho những vấn đề trước mắt, nhưng nếu thiếu một triết lý chủ đạo có tính chi phối thì việc đi tìm những giải pháp cụ thể sẽ dễ bị chắp vá, thiếu hệ thống. Triết lý đó phải dựa trên sự nhận thức đầy đủ và đúng đắn về nghề Kiến trúc.

Kiến trúc có thể được xem là một nghệ thuật tổ chức – nó tạo ra một thực thể thống nhất từ các yếu tố đối lập, đa thành phần, đa nguồn gốc, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng sử dụng, thể hiện bản tính “phức hợp và mâu thuẫn” như chính tự nhiên và xã hội. Cơ chế của hoạt động kiến trúc là phối hợp tư duy sáng tạo với thẩm mỹ nghệ thuật và logic kỹ thuật, dựa trên các quy luật của tự nhiên và các định luật khoa học. Sứ mệnh của Kiến trúc là đón trước động thái của xã hội về mặt tinh thần và đi trước một bước để tạo dựng cơ sở vật chất đáp ứng sự biến chuyển sẽ diễn ra trên diện rộng (3).

Nước ta đang trong thời kỳ quá độ, hệ thống các chuẩn giá trị cũ đang từng bước được chuyển hóa, các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội đang trong quá trình phủ định biện chứng để đổi mới. Trong bối cảnh đó, cần xây dựng một triết lý đào tạo phù hợp nhằm trang bị phương pháp luận nhận thức và tư duy biện chứng cho các KTS tương lai để họ có thể nắm bắt được những quy luật biến đổi và hành động hiệu quả trong mọi hoàn cảnh.

Triết lý đào tạo này cần được các nhà tư tưởng dụng công nghiên cứu và đề xuất, song có thể nhận định rằng trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phát triển ngày càng đề cao / tôn trọng yếu tố con người, thì đào tạo KTS nên và cần đổi mới theo hướng Nhân văn hóa. Trong đó, các lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ và Xã hội – Nhân văn phải luôn bổ sung cho nhau như hai mặt thống nhất của quá trình vận động để phát triển cả nhận thức, kỹ năng và nhân cách, dựa trên nền tảng là Tri thức – Thông tin và hướng vào Người học. Nhân đây muốn nói rằng vấn đề nhân cách đang bị bỏ trống, vì dường như có sự mặc định rằng giáo dục là ở bậc phổ thông còn đại học chỉ là đào tạo, cho nên KTS đáng ra phải là “thầy” thì lại trở thành kẻ làm thuê cho thiên hạ.

Một nguyên lý cơ bản của đào tạo là tự do, tự lập và tự trọng. Trong sự hình thành nhân cách con người, thì tự do là điểm khởi, tự lập là điểm kế, và tự trọng là điểm kết. Nếu không tự do, sẽ không thể tự lập, và nếu không tự lập, sẽ không thể tự trọng. Tự do tạo ra môi trường sáng tạo cho những hạt nhân phát triển của cộng đồng. Nếu không, dù có đọc / học nhiều mấy cũng không thể tiếp cận được với xã hội phát triển.


Nhà thờ Thiên Lý - Hà Tĩnh

 

Phương pháp tiếp cận

Từ xa xưa, cả Socrate ở phương Tây và Khổng Tử ở phương Đông đều dùng nguyên tắc cơ bản là sự bình đẳng giữa người dạy và người học - người thầy không truyền thụ kiến thức sẵn có mà kích thích khả năng suy nghĩ của học trò để lĩnh hội nó. Socrate nhận rằng chỉ biết duy nhất một điều là mình “không biết gì hết”, để khéo léo dẫn dắt kẻ đối thoại đến chỗ tự nhận ra chân lý. Khổng Tử thì nói: “Tay ta không phải là Trăng, lời ta không phải là Đạo, nhưng theo tay ta chỉ thì sẽ thấy Trăng, nghe lời ta nói thì sẽ thấy Đạo”. Phương pháp của các triết gia cổ đại cho thấy ông thầy xưa không dạy cho học trò những tri thức cụ thể mà chỉ cấp cho họ một cách nghĩ, một phương pháp luận để tự học. Tiếc rằng không phải thầy – trò nào cũng là những Socrate và Platon, những Khổng Tử và Tử Cống / Tử Lộ.

Năm học 2009 - 2010 là thời hạn được Bộ Giáo dục - Đào tạo ấn định để áp dụng đồng loạt học chế tín chỉ. Điều đó đồng nghĩa với việc các trường không thể tiếp tục “nhốt” sinh viên cho đủ 4–5 năm học; cũng có nghĩa là sinh viên sẽ không còn “bị đặt đâu phải ngồi đấy”. Một trong những yếu tố quan trọng của học chế tín chỉ là ngay từ đầu sinh viên đã được đặt vào tình thế phải luôn động não, tự lựa chọn các môn học phù hợp với mình, có ý thức tự vươn lên, có tư duy độc lập, không bị “rập khuôn”.

Bối cảnh này, tất yếu đòi hỏi một phương pháp đào tạo khác với hiện nay. Mạo muội gọi đó là phương pháp tiếp cận nhân văn, dựa trên cơ sở phương pháp sư phạm tương tác giữa người dạy và người học. 


Trường CĐ Nghề Phú Châu - Giải thưởng thiết kế phương án 2010

Giáo dục - đào tạo là một hoạt động đặc biệt, khác với hoạt động vật chất ở một điểm cơ bản: sản phẩm đào tạo không phải là sự biến đổi vật chất mà là biến đổi nhận thức và nhân cách, kết quả của quá trình tương tác sư phạm. Vì thế, chất lượng đào tạo chỉ được cải thiện khi hiệu quả của quá trình tương tác được nâng cao – điều đó liên quan đến không chỉ hai bên đối tác là thầy – trò, mà cả nội dung và môi trường đào tạo.

Người học - tự do, biết tự chủ và tự trọng: Đòi hỏi trước tiên một sự chủ động tối đa đối với người học, được coi là những chủ thể sáng tạo có tiềm năng to lớn chứ không phải là những cái hộp vô cảm bị động để cứ thế “nhồi” kiến thức vào. Người học phải thấu hiểu ý thức và trách nhiệm của mình khi được đặt vào trung tâm của hoạt động đào tạo. Tư tưởng "hướng vào người học" đã được UNESCO, tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và tổ chức Giáo dục quốc tế (EI) khẳng định trong Chương trình hướng dẫn (FPTQ) về giáo viên và chất lượng giáo dục. Sau này nói tới cả "lớp học hướng vào người học", "việc giảng dạy hướng vào người học", có thể nói gộp lại là phương pháp tiếp cận hướng vào người học. Như vậy, "hướng vào người học" là cốt lõi của cách tiếp cận nhân văn trong đào tạo, nói vậy chính xác hơn là "lấy người học làm trung tâm" (có thể nhầm với Childcentrism là quan điểm sai lầm do triết học thực dụng và giáo dục học thực dụng đưa ra đầu thế kỷ XX và đã bị lên án, loại bỏ khỏi chính sách giáo dục của tất cả các nước) (4).

Người thầy - tự chủ trong tư duy, tự quyết về chuyên môn, tự hào về nghề nghiệp: Người thầy phải được làm chủ phương pháp và quá trình giảng dạy. Muốn vậy hãy bảo đảm thu nhập sao cho họ có thể tự hào, sẵn sàng và chuyên tâm vào giảng dạy. Có một thực tế không thể phủ nhận là lòng yêu nghề và trách nhiệm sẽ bị giết chết bởi những áp chế từ bên ngoài. Trên một nghĩa nào đó, người thầy thực sự là một người đồng nghiệp, đồng hành với người học trên một con đường, cùng suy nghĩ về một vấn đề. Phải khuyến khích người học chí thú với nghề mà mình đang theo đuổi. Khi ấy, họ sẽ tự giác học tập, và trong họ, nguồn gốc duy nhất của lòng tôn sư là phẩm chất trí thức và nhân cách của người thầy.

Bên cạnh lực lượng giảng viên cơ hữu, cần mời cả những KTS thực hành giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy và đánh giá chất lượng (ngoài tác dụng tăng cường đội ngũ giảng viên, đây cũng là một yêu cầu của UIA nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo KTS). Họ có thể khiêm tốn về “bằng cấp” nhưng thực sự là những bậc thầy về nghề nghiệp - sự hiện diện của những KTS như Tadao Ando hay Renzo Piano là vinh dự cho bất cứ trường kiến trúc nào. 


Quy hoạch cải tạo ven bờ Sông Hồng

 

Nội dung chương trình

Bổ sung các phương thức tiếp cận kiến trúc từ các giá trị nhân văn (tiếp cận văn hóa học, xã hội học, nhân học, phân tâm học, mỹ học, ...) bên cạnh các phương thức tiếp cận kiến trúc từ các yếu tố vật chất – kỹ thuật (tiếp cận từ điều kiện địa – khí hậu, từ yếu tố kỹ thuật & công nghệ, ...).

Tăng cường kiến thức triết học, bởi Triết học là khoa học của các khoa học, là nền tảng để nhận thức thế giới. Lịch sử luôn thừa nhận M.Heidegge & tư tưởng Hiện đại; J.F.Lyotard & Hậu hiện đại; J.Derrida & Deconstructionism; … là những minh chứng rõ nét về tư tưởng triết học ảnh hưởng rộng lớn đến văn hóa nghệ thuật như thế nào.

Tăng cường nội dung Mỹ học vì đó là triết học của cái đẹp – mục đích của sáng tạo nghệ thuật. Bổ sung nội dung Phê bình kiến trúc và mở rộng chương trình Lịch sử kiến trúc, có sự nhận diện các trào lưu – chủ nghĩa kiến trúc đương đại trên thế giới, trong khu vực và của Việt Nam.

Nội dung Văn hóa học / Văn hóa Việt Nam càng phải được quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa bởi “mục đích của văn hóa là đổi mới và nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân mà trước hết là nhân dân lao động: cơm ăn, áo mặc, thuốc men, học hành, tự do phát triển…” (Phan Ngọc)

Song song với tiếp cận lý thuyết từ trên xuống là những tiếp cận thực tế từ dưới lên, thông qua việc nghiên cứu thiết kế cho những đối tượng / hoàn cảnh cụ thể (thiết kế tiếp cận, thiết kế bền vững, thiết kế hành vi,..).


Nhà liên hợp cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết hợp với Quốc môn - Giải thưởng thiết kế phương án 2010

 

Quản lý

Trả quyền tự chủ về cho các trường đại học là việc đầu tiên cần, nếu muốn áp dụng “đại trà” chương trình tín chỉ. Trường có quyền được tự tổ chức tuyển sinh. Sinh viên có quyền được thay đổi trường và ngành nghề trong quá trình học tập. Bởi, nếu người học không thể dùng tín chỉ của trường này để “nhảy” sang trường khác thì tính liên thông của hệ thống đại học (mà học chế này có tác dụng phát huy) sẽ không còn ý nghĩa. Các trường (chứ không phải Bộ) sẽ căn cứ vào chất lượng của các trường bạn để quyết định có công nhận tín chỉ của nhau hay không. Vì thế, mỗi trường sẽ phải củng cố chất lượng để, sao cho, cung cấp được cho người học các tín chỉ được nhiều trường công nhận nhất. Học chế này cũng giúp khắc phục tình trạng khan hiếm giáo viên, vì không nhất thiết trường Kinh tế có môn Kinh tế chính trị thì trường Xây Dựng cũng phải có. Các trường sẽ có điều kiện để đầu tư “hàng chất lượng cao” về chuyên môn sâu của mình.

Để “ra lò” được KTS “chất lượng cao” cần gắn liền trách nhiệm và uy tín của các cơ sở đào tạo bằng cách quản lý chất lượng theo những tiêu chí thống nhất, bởi một tổ chức độc lập. Tổ chức này nên là Hội KTS Việt Nam vì đây là tổ chức nghề nghiệp đứng giữa xã hội và nhà trường, thấu hiểu sâu sắc rằng xã hội cần gì ở một KTS tương lai. Mặc dù chất lượng đào tạo phụ thuộc phần lớn vào nội lực của mỗi trường, song Hội KTS cần đóng vai trò cầm trịch, đặt ra những yêu cầu về chuyên môn (chuẩn đầu ra để có thể hành nghề và hội nhập), xác định các tiêu chí đánh giá chất lượng (từ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đến chất lượng cụ thể của từng năm học) và xây dựng quy trình thực hiện (đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào, đánh giá và quản lý chất lượng trong suốt quá trình đào tạo cho đến đầu ra), trên cơ sở đó sẽ phân định phạm vi và cấp độ của từng đơn vị, tránh để tình trạng các trường / các địa phương chạy theo số lượng mà không đảm bảo được chất lượng (5).

Biết rằng, đổi mới đào tạo không thể làm xong trong một ngày, cũng không thể cứ mỗi năm học mới lại sửa đổi các chương trình giáo dục. Vì vậy, hiện đại hoá công tác đào tạo là một nhiệm vụ khó khăn cần được tiến hành thường xuyên, nếu không muốn các KTS tương lai bị lâm vào thế đứt đoạn đáng tiếc với khoa học và nghệ thuật đương đại.

Chú thích:

  • (1). Xem Nguyên Ngọc. Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào?, trong tập “Những vấn đề giáo dục hiện nay. Quan điểm và giải pháp”, NXB Tri thức, 2007.
  • (2)+(3)+(5). Xem TS.KTS Nguyễn Trí Thành. Hành nghề, hội nhập và đào tạo, trong tập “Tham luận Đại hội KTS lần VIII”, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, 2010.
  • (4). Xem GS.VS Phạm Minh Hạc. Phương pháp tiếp cận nhân văn: nhân cách người dạy - nhân cách người học, trong “Tạp chí Nghiên cứu con người”, 2006.

KTS Đoàn Thanh Hà 

 

Lời bình  

 
+1 # kts-Nguyenduy 15/01/2011 21:38
Mỗi lần đọc những dòng viết về thực trạng đào tạo kiên trúc cũng như một số ngành tương tự ,tôi bâng khuâng suy tư rất nhiều...ngay chính bản thân tôi trong công việc của mình là một hệ quả của quá trình đào tạo chung...tất nhiên không vì lý do đó mà tôi khuất phuc...Tôi mong tất cả các kts và các bạn sinh viên...cùng nhìn vào thực trạng vấn đề này...và cung sức để đóng góp cho nền kiên trúc đất nước ta phát triển
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2428 khách Trực tuyến

Quảng cáo