Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn với nhu cầu xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược hàng đầu mà các cơ sở đào tạo trên cả nước nói chung và Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội nói riêng đang nỗ lực thực hiện.
Trong 2 ngày 12 -13/ 9, tại Hà Nội, chuỗi sự kiện triển lãm, hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội (17/9/1969 - 17/9/2024).
PGS.TS.KTS Lê Quân - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Trong đó, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa” đã diễn ra vào ngày 12/9 với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành mỹ thuật và các nhà khoa học. Hội thảo do Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; CLB Khối các trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS.KTS Lê Quân - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: Phát triển đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn với nhu cầu xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược hàng đầu mà các cơ sở đào tạo trên cả nước nói chung và Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội nói riêng đang nỗ lực thực hiện, nhất là khi xu hướng toàn cầu hoá đang diễn ra ngày càng sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực.
Để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh phát triển, hội nhập của đất nước cũng như sự phát triển công nghiệp văn hoá, ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua chương trình học, công cụ hỗ trợ, cần có sự nắm bắt nhanh chóng các chủ trương, chính sách phát triển của các cơ quan nhà nước, sự liên kết giữa các đơn vị đào tạo, sự kết nối giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp tuyển dụng nguồn nhân lực để nắm bắt nhu cầu thị trường và có được cái nhìn đa chiều về sự phát triển của công nghiệp văn hoá, vai trò và sự ảnh hưởng đối với lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo Mỹ thuật ứng dụng, cũng như những giải pháp phát triển đào tạo Mỹ thuật ứng dụng có năng lực, có trình độ cao đáp ứng nhu cầu xã hội.
Hội thảo thu hút gần 100 bài tham luận, được chọn lọc từ nhiều bài viết của các chuyên gia trong và ngoài nước. Các bài tham luận tập trung vào thực tiễn đào tạo Mỹ thuật ứng dụng trong các trường Đại học, Cao đẳng, cũng như cách đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc từ phía các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và xã hội đối với ngành Mỹ thuật ứng dụng.
Các đại biểu tham quan phòng Triển lãm Đồ án tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Mỹ thuật.
Cùng ngày tại tầng 1, Nhà Art Gallery đã diễn ra Triển lãm Đồ án tốt nghiệp xuất sắc của các trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng. Triển lãm đã trao 07 giải Đồ án tốt nghiệp xuất sắc nhất, gồm giải Sáng tạo, giải Đột phá, giải Tài năng, giải Ứng dụng, giải Vì cộng đồng, giải Nhân văn, giải Ý tưởng độc đáo.
Bên cạnh đó, Hội thảo khoa học “Xây dựng trong thời đại công nghệ số” diễn ra sáng ngày 13/9 do Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức.
Hội thảo có sự góp mặt của 60 công trình khoa học, tập trung vào các lĩnh vực thời sự của ngành Xây dựng bao gồm: Quản lý phát triển đô thị bền vững trong nền kinh tế số; Vật liệu và kết cầu công trình; Công nghệ và tổ chức thi công xây dựng; Kiểm định công trình; Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Xây dựng; công nghệ đa phương tiện và mô phỏng.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Xây dựng trong thời đại công nghệ số”.
Chiều 13/9, Hội thảo “Quy hoạch, kiến trúc đương đại, đào tạo và hành nghề theo xu hướng hội nhập quốc tế” cũng đã được tổ chức.
Nội dung các tham luận tại Hội thảo tập trung về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp họ có thể ứng phó với những thách thức mới, từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến đến thiết kế các giải pháp bền vững cho các vấn đề đô thị ngày càng phức tạp.
Theo TS.KTS Vương Hải Long - Trưởng Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, đào tạo kiến trúc sư hiện tại đòi hỏi sự đổi mới để không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phải có khả năng cạnh tranh và hòa nhập với tiêu chuẩn quốc tế. Trước những thách thức trong đào tạo kiến trúc sư theo xu hướng hội nhập, cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với tiêu chuẩn chung là thách thức lớn nhất.
Vì vậy việc định hướng tiếp cận để xây dựng một chương trình đào khoa học, chi tiết đáp ứng các yêu cầu phát triển của xã hội cần phải được ưu tiên tiến hành trước và thường xuyên cập nhật. Đào tạo kiến trúc sư thuộc một trong những ngành chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học, cần phải xây dựng chương trình và các phương pháp riêng phù hợp. Mục tiêu cần thúc đẩy kỹ năng sáng tạo cũng như trang bị cho người học sự chủ động thích ứng trước những biến động của môi trường làm việc và thị trường lao động sau khi ra trường.
Hội thảo “Quy hoạch, kiến trúc đương đại, đào tạo và hành nghề theo xu hướng hội nhập quốc tế”.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quy hoạch và thiết kế kiến trúc trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. TS.KTS Đinh Thị Hải Yến - Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khẳng định: Các hiệp định thương mại tự do và sự hợp tác quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho các kiến trúc sư và người làm công tác quy hoạch tại Việt Nam tham gia vào các dự án lớn, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Điều này đòi hỏi các chuyên gia phải không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tọa đàm về Xu hướng đào tạo và hành nghề trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Cùng ngày, tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cũng diễn ra Tọa đàm về mục tiêu đào tạo và hành nghề theo xu hướng hội nhập giữa các diễn giả và khách mời từ các trường Đại học và doanh nghiệp ngành Xây dựng.
Diễn đàn giúp các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tìm ra giải pháp thiết thực cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu đổi mới và sáng tạo trong bối cảnh đất nước không ngừng phát triển.
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 181/CP ngày 17/9/1969 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ). Trong chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã đạt được những thành tích đáng tự hào và ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho nền xây dựng và kiến trúc của nước nhà. |
Thùy Anh
(Tạp chí Xây dựng)
- Kết thúc hành trình cuộc thi Archicad BIM 2024: Những dấu ấn đáng nhớ
- Chung kết Archicad BIM 2024 - Bừng sáng tạo, thỏa đam mê
- Cuộc thi Archicad BIM 2024
- Khởi động giải thưởng INSEE PRIZE 2024 dành cho sinh viên ngành Kiến trúc và Xây dựng
- Trao Giải thưởng Loa Thành năm 2023 (lần thứ 35)