Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh: 40 năm xây dựng & phát triển

Thứ ba, 25 Tháng 10 2016 18:00 Ashui.com
In

Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh – Ngôi trường có bề dày lịch sử với 90 năm đào tạo kiến trúc sư, tiếp nối 65 năm Kiến trúc Sài Gòn và 40 năm chính thức mang tên Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Cả một chặng đường dài hình thành và phát triển, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ sư hạ tầng đô thị, cử nhân nghệ thuật mỹ thuật công nghiệp … cho ngành Xây dựng và cho đất nước; nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn cá nhân của giảng viên, cựu sinh viên Trường để lại cho đời như một niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của thầy và trò Trường Đại học Kiến trúc thân thương.  

Với truyền thống năng động, sáng tạo, cùng với sự nỗ lực, tâm huyết, phấn đấu không biết mệt mỏi của nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo quản lý, công chức viên chức, học viên, sinh viên qua các thời kỳ, suốt chặng đường 40 năm qua, Nhà trường tự hào đạt được một số thành quả đáng trân trọng: 

Bộ máy và đội ngũ giảng viên, viên chức của Nhà trường không ngừng được củng cố, kiện toàn và có những bước phát triển vượt trội cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy theo xu hướng hội nhập với khu vực và thế giới. Hiện tại, đội ngũ giảng viên của Trường có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ chiếm trên 90%; đa số giảng viên có khả năng ngoại ngữ tốt có thể tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh đối với các chương trình tiên tiến, chương trình liên kết đào tạo quốc tế. 

Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, quy mô đào tạo được mở rộng với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, thu hút người học. Số lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp ra Trường phần lớn có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo, cơ bản đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng ở khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Trong suốt chặng đường qua, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo hơn 1.100 cán bộ kỹ thuật có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ; gần 35.000 kiến trúc sư, kỹ sư, cử nhân …

Hoạt động nghiên cứu khoa học và học thuật trong đội ngũ giảng viên và sinh viên Trường có những bước phát triển đáng kể với nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao, giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành. Sinh viên Trường tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và luôn giành được những giải thưởng lớn trong và ngoài nước như Giải thưởng Loa Thành, Eureka, Holcim, Giải thưởng Archiprix International, World Architecture Festival ...

Công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã thực hiện nhiều chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trường của Úc, Bỉ, Thái Lan, Đan Mạch, Pháp ... Ngoài ra, Trường còn ký kết hợp tác với nhiều trường Đại học, Viện Hàn lâm, các tổ chức nghề nghiệp trên thế giới, tạo bước đột phá trong quan hệ đối ngoại, có uy tín ở trong nước và khu vực.

Cơ sở vật chất, từ những ngày đầu chỉ với một trụ sở tại 196 Pasteur, Quận 3, đến nay Trường đã phát triển và có 05 cơ sở đào tạo. Nhà trường từng bước đầu tư nâng cấp các cơ sở theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ tốt nhất việc giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên.

Đời sống vật chất và tinh thần của công chức viên chức Trường được nâng cao, thu nhập bình quân của công chức viên chức ở mức khá tốt so với mặt bằng chung, tạo điều kiện để công chức viên chức yên tâm trong công tác.

Được những thành quả trên, Nhà trường luôn tri ân và trân trọng đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, của tập thể công chức viên chức, của các khóa sinh viên đối với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Trường. Các thế hệ tiếp nối sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy những thành tựu mà Nhà trường đã đạt được, cùng nhau xây dựng Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh phát triển toàn diện. 

Với mục tiêu xây dựng Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh phát triển toàn diện, là cơ sở đào tạo nghiên cứu - ứng dụng lớn hàng đầu của Bộ, của ngành Xây dựng Việt Nam và là trường có uy tín cao về chất lượng đào tạo trong khu vực và quốc tế, tập thể CCVC và sinh viên Trường nỗ lực thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Xây dựng chiến lược phát triển Nhà trường đến năm 2030, giai đoạn trước mắt là từ nay đến năm 2020; Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; Xem đội ngũ giảng viên là lực lượng quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo, Nhà trường tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên được học tập, nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước; đảm bảo giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh không chỉ là nhà giáo giỏi sư phạm, giỏi nghiên cứu khoa học mà còn là những chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn hàng đầu đối với xã hội trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Về đổi mới công tác đào tạo: Đổi mới các chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo hướng đến đẳng cấp, hội nhập khu vực và quốc tế. Đổi mới chương trình đào tạo trên cơ sở nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra các ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước, phù hợp với khu vực và quốc tế. Đổi mới chương trình đào tạo gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy – học tập, phương pháp đánh giá kết quả học tập. Đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với các tiêu chí kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế. Đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tiễn; đưa các vấn đề thực tiễn vào nghiên cứu và giảng dạy. Áp dụng và khai thác triệt để những lợi ích của công nghệ thông tin mang lại trong giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Phương pháp đào tạo chủ động, lấy sinh viên làm trung tâm; tăng cường tính ứng dụng và thực hành. Xây dựng đề án đào tạo các chương trình chất lượng cao; đa dạng hóa các ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thực hiện công tác kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn trong nước và chuẩn khu vực (AUN).

Về hoạt động khoa học và công nghệ: Hình thành các nhóm chuyên gia cho từng lĩnh vực nghiên cứu, phát huy thế mạnh và chuyên sâu của đội ngũ giảng viên để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm đảm bảo sản phẩm nghiên cứu có giá trị khoa học, có giá trị thực tiễn cao. Tăng cường các hoạt động khoa học, tổ chức nghiên cứu, công bố các sản phẩm khoa học trong và ngoài nước; khuyến khích giảng viên viết sách, giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập.

Về nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo: Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất tại 05 cơ sở của Trường (03 cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh; cơ sở tại TP. Cần Thơ và cơ sở tại TP. Đà Lạt). Đầu tư nâng cấp, xây dựng xưởng thực hành, phòng thí nghiệm phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và sử dụng cho các hoạt động tư vấn. Từng bước trang bị máy móc, thiết bị phục vụ dạy và học tiên tiến cho các ngành học.

Đối với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với CCVC: Tăng cường nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và công tác tư vấn; Xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm từng bước nâng cao thu nhập đối với CCVC; thành lập thêm các Viện, trung tâm đào tạo, dịch vụ tư vấn vừa tăng nguồn thu, vừa tạo môi trường học tập thực tiễn cho sinh viên. Xây dựng môi trường làm việc khoa học, sư phạm, thân thiện, nghĩa tình và hiệu quả công việc cao. Chủ động xây dựng năng lực toàn diện tiến tới tự chủ Đại học và là trường có thương hiệu mạnh trong khu vực. 

Với tuyên bố sứ mạng: “Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu - ứng dụng - chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn mực quốc gia và khu vực thuộc các ngành Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng, Kỹ thuật đô thị, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa đáp ứng nhu cầu xã hội và sự phát triển của nền kinh tế, theo hướng đổi mới và hội nhập khu vực, quốc tế”, Nhà trường đã, đang và sẽ tiếp tục kế thừa những thành tựu đã đạt được, cùng nhau chung tay, chung sức xây dựng và giữ vững thương hiệu Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh “Chất lượng - Hiệu quả - Danh tiếng”. 

TS.KTS Lê Văn Thương (ảnh bên) - Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc TPHCM 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: