Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Singapore Biennale 2013: Sự trưởng thành của nghệ thuật đương đại Đông Nam Á

Singapore Biennale 2013: Sự trưởng thành của nghệ thuật đương đại Đông Nam Á

Sau ba lần tổ chức, Singapore Biennale 2013 đã có sự thay đổi lớn về chất, khi nhấn mạnh tới sự trưởng thành của khu vực rằng Đông Nam Á không chỉ đang phát triển nhanh về kinh tế mà còn là một trung tâm nghệ thuật đương đại thế giới. 

Singapore Biennale là một trong những chương trình nghệ thuật đương đại lớn nhất ở Đông Nam Á cũng như châu lục. Chương trình do Bảo tàng Nghệ thuật Singapore đứng ra tổ chức. Trong thời gian hơn 3 tháng, tác phẩm của hơn 80 nghệ sĩ tham gia Singapore Biennale 2013 đã được trưng bày tại nhiều địa điểm khác nhau, song chủ yếu tập trung ở Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.  

Với chủ đề “Nếu thế giới đổi thay”, Singapore Biennale 2013 muốn các nghệ sỹ Đông Nam Á có cơ hội thể hiện sự phản tư của mình về thế giới đang sống, cũng như về thế giới hằng muốn. 

Tuy nhiên, điểm nhấn tại Singapore Biennale 2013 chính là sự thay đổi quan trọng trong cách chọn lựa tác phẩm trưng bày. Thay vì một giám đốc nghệ thuật như trước đây, ban tổ chức đã chọn ra 27 giám tuyển (curator) đến từ các nước Đông Nam Á, trong đó có hai nghệ sỹ Việt Nam là Trần Lương và Như Huy, với chủ ý nhấn mạnh đến tính địa lý, sự đa dạng văn hóa của khu vực, nhằm giới thiệu và đối thoại về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á với thế giới.

“Sau khi có chủ trương và bàn luận mới, người ta nhận thấy sự phát triển của khu vực, của nghệ thuật đương đại khu vực Đông Nam Á đã trở nên một bộ mặt không thể thiếu và bắt đầu đứng vững trong khu vực cũng như tên tuổi một số nghệ sĩ bắt đầu được nhận thức, được thế giới đánh giá. Ban tổ chức Singapore Biennale bắt đầu nghĩ đến các cuộc triển lãm lớn cho khu vực Đông Nam Á.”

“Vì vậy lần này, điều đặc biệt ở Singapore Biennale là sự tập trung bày chủ yếu vào khu vực Đông Nam Á. Đây cũng như là lần đầu tiên, triển lãm như một cuộc tổng diễn tập về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á cho thấy nó được đầu tư sâu, mạnh và chuyên nghiệp nhất”, giám tuyển Trần Lương nói.

Với tư cách là một giám tuyển của Singapore Biennale 2013, nghệ sỹ Trần Lương nhấn mạnh rằng Đông Nam Á bản thân đã là một thế giới trong lòng một thế giới, và dù chúng ta là một khu vực nhỏ, một vùng khuất, một vùng đang phát triển, song sự đa dạng trong văn hóa cũng như chính trị-xã hội chính là môi trường tốt cho văn hóa nghệ thuật phản ánh và phát triển.

Ông nói: “Khi bày ra một bình diện chung của khu vực Đông Nam Á thì tiêu chí của chúng tôi như là một đồng giám tuyển không chỉ đặt mục tiêu rằng rằng chỉ lấy chỗ quốc tế, để bày ra hình ảnh của nghệ thuật Việt Nam, mà hơn thế nữa chúng ta phải nhìn thấy một sự hòa nhập, một sự cùng đưa ra hình ảnh khu vực với những điều chỉnh, thỏa mãn được người xem, để họ thấy được một toàn cảnh khu vực.”

Cũng trong một nỗ lực đào sâu suy tư về nghệ thuật đương đại khu vực cũng như thế giới, hai ngày hội thảo chuyên đề cũng đã được tổ chức trong khuôn khổ Singapore Biennale 2013 với nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề như nghệ thuật là gì, tại sao lại cần đến các giám tuyển thay vì một giám đốc nghệ thuật, đánh giá các xu hướng chính, tính cá nhân và tập thể, và về nghệ thuật đương đại ở Đông Nam Á…

Đến với Singapore Biennale 2013 có 10 tác phẩm của 11 nghệ sỹ Việt Nam. Với số lượng tác phẩm đông đảo và được lựa chọn theo cách thức mới, theo nhận định của giám tuyển Như Huy, đây có thể coi là một kỳ Singapore Biennale đầu tiên có sự tham gia đa dạng của các nghệ sỹ Việt Nam. 

Hầu hết các tác phẩm của nghệ sỹ Việt Nam dự Singapore Biennale lần này đều được trưng bày tại những vị trí đẹp, như ngay trước cửa chính của bảo tàng nghệ thuật là tác phẩm “Chúng tôi chưa bao giờ ngã" của Nguyễn Trần Nam hay ở lối lên tầng là tác phẩm Ngón trỏ của Trần Tuấn. 

Nhiều tác phẩm của nghệ sỹ Việt Nam đã được giới phê bình và công chúng đánh giá cao, như tác phẩm sơn mài Specula của Nguyễn Oanh Phi Phi hay Little Soap Boy (Tễu xà phòng) của Vũ Hồng Ninh… 

Việt Hải 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo