Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Nhà lang: lấy tro tàn hồi sinh ký ức

Nhà lang: lấy tro tàn hồi sinh ký ức

Từ ngày 15 - 30/11/2013, tại bảo tàng Không gian văn hoá Mường (Hoà Bình), một triển lãm nghệ thuật đương đại diễn ra ngay trên nền ngôi nhà lang vừa bị cháy hôm 24/10, với chất liệu chính là tàn tích của biểu tượng tinh thần quan trọng nhất trong cảm thức người Mường. Với các nghệ sĩ đương đại, đây là một hướng tiếp cận di sản chưa từng có…  


Những mảnh vỡ ký ức, tác phẩm của Thái Nhật Minh. 

Ý tưởng về triển lãm nảy sinh sau khi giám đốc bảo tàng Không gian văn hoá Mường, hoạ sĩ Vũ Đức Hiếu trở về từ chuyến công tác nước ngoài. Chứng kiến ngôi nhà vốn là niềm tự hào của người dân Hoà Bình chỉ còn lại bộ khung cháy xém, Hiếu gặp phải cú sốc không nhỏ. Liên tiếp nhiều phương án được đưa ra nhằm phục dựng nhà lang, nhưng có lẽ Hiếu hiểu hơn ai hết một thực tế đau lòng: có những cái nếu đã mất đi thì không thể cứu vãn! Nhưng một khi không thể cứu vãn cái mất đi, thì phải gìn giữ những gì sót lại. Vậy là, thay cho tuyệt vọng, anh nghĩ đến một triển lãm nghệ thuật đương đại mang tên Ký ức nhà lang với sự góp mặt của nhiều loại hình: nghệ thuật sắp đặt (installation), nghệ thuật địa hình (site-specific), video art, sắp đặt âm thanh, triển lãm ảnh… Có thể hình dung, Ký ức nhà lang như một tác phẩm sắp đặt khổng lồ được tạo nên từ nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại, kết nối với nhau bởi thứ chất keo đặc biệt: cảm hứng về ngôi nhà lang và thứ chất liệu lạ lùng: hiện trạng ngôi nhà sau đám cháy, bao gồm cả những mảnh vỡ và những tàn tro. Chính xác thì ở phía Bắc, đây là lần thứ hai sau triển lãm Đình làng (diễn ra hồi tháng 9 tại Hà Nội), có một triển lãm nghệ thuật đương đại hướng đến chủ đề di sản, yêu cầu các nghệ sĩ đối thoại và bày tỏ thái độ của mình với di sản; và là lần đầu tiên, các tác phẩm nghệ thuật đương đại được tạo tác theo cách hoàn toàn khác với truyền thống. 

Là một trong những nghệ sĩ có mặt sớm nhất tại bảo tàng Không gian văn hoá Mường, nhà điêu khắc Đào Châu Hải phác thảo diện mạo tác phẩm đang được hoàn thiện: “Đây là một đề bài thú vị. Khung cảnh đổ nát của ngôi nhà lang gợi mở cho tôi nhiều ý tưởng. Tôi muốn sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật sắp đặt, lấy chất liệu là những thanh gỗ cháy đen, những đống tro tàn để viết nên một câu chuyện văn hoá – di sản với cái kết mở...” Cũng lấy chất liệu là hiện trạng ngôi nhà lang, nhà điêu khắc Thái Nhật Minh lại bị ám ảnh bởi những mảnh vỡ của bộ sưu tập chiêng đồng – biểu tượng văn hoá vừa gần gũi vừa thiêng liêng với người Mường. Từ những mảnh chiêng và mảnh gốm cháy, anh tạo nên một tác phẩm sắp đặt treo trong không gian ngay bên cạnh khung nhà lang bị cháy, có kích cỡ 2 x 15 x 3m. Nhìn từ xa, những mảnh chiêng, mảnh gốm vụn hội tụ thành cái chiêng khổng lồ, vừa gây ảo giác một tiếng chiêng lớn đang ngân lên, vỡ ra trong không gian, như nhắc nhở về những gì đã có, đã mất và những gì còn lại. Lấy tên tác phẩm: Những mảnh vỡ ký ức, Thái Nhật Minh bộc bạch những đau xót, luyến tiếc và cả sự cảnh báo khi đối diện với ngôi nhà lang của hiện tại.


Các nghệ sĩ đang tạo tác phẩm từ những hiện vật còn lại. 

Cũng trên nền ngôi nhà lang, giữa các hàng cột cháy nham nhở, nghệ sĩ Nguyễn Quang Tuyến thể hiện một sắp đặt video và âm thanh, mang ý nghĩa một tiếng vọng; các nhiếp ảnh gia Thái A, Thái Kiên, Nguyễn Bá Ngọc, Trịnh Vũ Hiếu kể lại lịch sử ngôi nhà lang trăm tuổi bằng những sắp đặt ảnh; nghệ sĩ Kai Hügel người Đức thì ấp ủ một tác phẩm mới bằng cách tái chế hiện vật cũ, một thể nghiệm đang thu hút các nghệ sĩ đương đại Việt Nam… 

Nhìn lại, từ triển lãm Đình làng đến triển lãm Ký ức nhà lang, các nghệ sĩ đương đại Việt Nam đã tiến thêm một bước trong việc tiếp cận một đề tài còn mới lạ: di sản. Theo sát chương trình nghệ thuật Ký ức nhà lang ngay từ ngày đầu tiên, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: qua cách kết nối và tạo tác độc đáo, các nghệ sĩ đã tìm được cách tiếp cận sâu rộng, gần hơn, thiết thực hơn với di sản, với những vấn đề xã hội. Đúng là, những gì họ làm không giúp ngôi nhà lang “sống” lại đúng nghĩa, nhưng họ chứng minh một điều: hình hài trăm tuổi của ngôi nhà lang có thể vĩnh viễn mất đi, nhưng hồn cốt và ý nghĩa tinh thần lớn lao của nó thì vẫn có thể lưu giữ và lan truyền, bằng cách này hay cách khác. Ở khía cạnh này, ngôi nhà lang đang được hồi sinh! Và biết đâu từ triển lãm này, sẽ mở ra một hướng đi mới, rộng mở và ý nghĩa hơn cho nghệ thuật đương đại Việt Nam… 

Hương Lan - ảnh: Bảo tàng Không gian văn hóa Mường 

Chương trình nghệ thuật Ký ức nhà lang do Mường studio – trung tâm Nghệ thuật đương đại trực thuộc bảo tàng Không gian văn hoá Mường hợp tác cùng các nghệ sĩ thị giác Việt Nam thực hiện. Đây là hoạt động hưởng ứng ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 12, tổ chức vào ngày 16/11 tại Hoà Bình, đồng thời cũng là hành động kỷ niệm 8 năm ngày Di sản Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2013). 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo