Nghệ sĩ trẻ và nghệ thuật đương đại: mới – khác – đẹp?

Thứ bảy, 06 Tháng 8 2011 12:34 SGTT Thiết kế / Sáng tạo
In

Các nghệ sĩ trẻ Việt Nam đang theo đuổi nhiều hình thức nghệ thuật thịnh hành trên thế giới, cùng với những phương thức hoạt động có tổ chức, theo dự án và mang tính cộng đồng cao. Tuy vậy, vẫn chưa có những đánh giá toàn diện về hoạt động và giá trị của họ, cũng như chưa xuất hiện những nghiên cứu học thuật nghiêm túc về thẩm mỹ, văn hoá học và xã hội học của nghệ thuật mới và tầng lớp nghệ sĩ trẻ.


Một tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ trẻ Đào Anh Khánh tại Hà Nội – 2009 (Ảnh: Anh Tuấn)

Bài viết này tập hợp nhận xét của một số nhà chuyên môn phê bình mỹ thuật, nhằm cung cấp cái nhìn khái quát khả dĩ về hoạt động của lớp nghệ sĩ trẻ trong vòng năm năm gần đây.

Ông đánh giá như thế nào về giá trị thẩm mỹ và văn hoá trong các hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ?

Phan Cẩm Thượng (nhà phê bình mỹ thuật): Nghệ thuật và nghệ sĩ trẻ từ năm 2000 đến nay có một sự thay đổi lớn so với những nghệ sĩ thế hệ 1990 trong bối cảnh văn hoá sau Đổi mới và kinh tế thị trường. Họ không biết hay không quan tâm đến chiến tranh như các thế hệ trước, không quá quan tâm đến văn hoá truyền thống và tính dân tộc trong nghệ thuật, muốn nhanh chóng xác lập vị thế cá nhân, dù có phải gây sốc. Họ chú ý đến nghệ thuật đương đại thế giới, bày tỏ những khát vọng cá nhân, trong đó phơi bày đời sống tình dục được coi như là một thủ pháp và nội dung tác phẩm, và quan tâm đến vai trò của nghệ sĩ thế giới, hơn là giới hạn trong một cộng đồng dân tộc. Có thể nói đây là một sự biến động lớn về tâm lý xã hội, đặc biệt đối với nghệ sĩ trẻ, khi nền tảng giáo dục và giáo dục gia đình hiện nay có rất nhiều vấn đề không ổn. Trẻ em và thanh niên được nuông chiều và bao cấp quá lâu, thậm chí đến khi lập gia đình, ý thức tự lập về trình độ văn hóa và ý thức công dân không mạnh. Họ muốn đi tắt, nhanh chóng nổi tiếng, bán được tác phẩm. Tất nhiên nghệ sĩ trẻ Việt Nam có nhiều vấn đề chung với nghệ sĩ trẻ thế giới, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, họ có nhiều điểm riêng biệt, trong đó nổi lên là ý thức cá nhân rất nhợt nhạt.

Nguyễn Quân (nhà phê bình mỹ thuật): Mấy năm gần đây hoạt động sôi nổi hẳn, có thể coi là làn sóng thứ hai sau những năm khởi đầu của Trương Tân, Trần Lương, Đinh Q. Lê, Minh Thành... Nhà Sàn Đức, Viện Goethe, Hội đồng Anh, quỹ Ford, SIDA... Lần này nhiều sáng kiến cá nhân độc lập phong phú hơn, hàng loạt các địa chỉ mới xuất hiện ở Hà Nội, Huế, TP.HCM... hàng loạt sự kiện to nhỏ trong nước và kết nối quốc tế do các nghệ sĩ và giám tuyển Việt Nam khởi xướng và tổ chức, tự chủ hơn về tài chính, tính chất “nghệ thuật sứ quán” nhạt dần. Cơ cấu hạ tầng của thực hành nghệ thuật đương đại được các nghệ sĩ Việt Nam xây dựng dần chuyên nghiệp hơn. Phía nhà nước nếu tổ chức thì mang tính phong trào như festival. Tất nhiên giá trị thẩm mỹ giá trị văn hóa của các hoạt động, sáng tạo này ở các thang bậc khác nhau, chưa thể có đồng thuật trong định giá (và chưa chắc đã cần định giá, càng không cần đồng thuận). Tôi nghĩ hoạt động nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ trẻ hiện là phần thú vị nhất, nhờ họ mỹ thuật ta phong phú hơn, sôi nổi, gay cấn hơn.

Có hai mặt đáng khích lệ là nghệ sĩ trẻ trực diện hơn với môi trường sống, đời sống dân cư bản địa cũng như các vấn đề nổi cộm của xã hội hiện tại, mang tính chính trị, phản biện hơn. Hai là về hình thức và quan niệm nghệ thuật đa dạng hơn, mới lạ với công chúng Việt Nam nên cũng hấp dẫn thêm người xem. Tất nhiên sự ảnh hưởng bên ngoài là đương nhiên, có khi rất cần thiết và sự sao chép, nhái nhại là không tránh khỏi. Tôi tin rằng với thời gian, các thế hệ từ 7x trở đi sẽ có các bậc thầy của mình. Khuynh hướng làm nghệ thuật và cả quan niệm thẩm mỹ... của họ sẽ hoàn toàn phủ nhận khuynh hướng và quan niệm của thế hệ hội hoạ Đổi mới... đó là điều rất cần thiết và đáng kỳ vọng.


Đào Châu Hải, Không vô can, trưng bày điêu khắc đương đại tại Viet Art Center 2010.

Trần Lương (nghệ sĩ, giám tuyển nghệ thuật): Nghệ thuật hiện tại của các nghệ sĩ trẻ đã dần thay đổi khái niệm "cái đẹp" hẹp hòi trong cách thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Nay phạm vi "cái đẹp" của mỹ thuật đã trải rộng vì nó được thể hiện trên một loạt phương tiện nghệ thuật mới, và hình thức của "cái đẹp" cũng thay đổi vì nghệ thuật ngày nay luôn chứa đựng các tính tương tác, phản biện, phản chứng, cường điệu tiên đoán. Thậm chí phá bỏ sự định hướng thị giác duy mỹ, tiêu chuẩn thẩm mỹ hàn lâm trong nghệ thuật mới được đòi hỏi thấm vào nền tảng phía dưới, phía trên chỉ thấy đời và thông điệp nhân văn. Vì vậy giá trị văn hoá xã hội mà nghệ thuật họ đem lại đối với xã hội Việt Nam hiện nay trước tiên là trả lại và củng cố vai trò phản biện, độc lập với cơ chế và xây dựng, phát triển văn hoá xã hội. Phát triển nghệ thuật đa phương tiện thành phương tiện chuyển tải các vấn đề xã hội và con người thông qua tác phẩm nghệ thuật là xu hướng được khích lệ bởi nhịp sống mới, sự phát triển của công nghệ cao và phù hợp với tiến trình phát triển dân chủ.

Ý kiến của ông về nền tảng văn hoá và thị hiếu thẩm mỹ chung của nghệ sĩ trẻ?

Phan Cẩm Thượng: Văn hoá Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc hiện đại có ảnh hưởng không nhỏ đến thị hiếu thẩm mỹ chung của các nghệ sĩ trẻ, mà đặc điểm của nó là tính chất phản kháng, tính trữ tình và khát vọng thể hiện cá nhân.

Nền tảng văn hoá dân tộc dường như còn rất ít ý nghĩa, nếu không muốn nói cản trở tham vọng của các nghệ sĩ trẻ. Họ đôi khi nói tiếng Anh thành thạo hơn tiếng Việt, và quan niệm về nền tảng văn hoá cũng hoàn toàn khác, tức là không nhất thiết phải có nền tảng gì, cần gì thì đọc nấy, tra cứu trên mạng, không cần tu dưỡng một đời sống tâm hồn theo nền văn hoá nào, hoặc nếu có là một thứ văn hoá ăn ngay, tự do, nhất thời như chính nghệ thuật.

Nguyễn Quân: Về chuyện này, các nghệ sĩ trẻ thuận lợi nhờ internet, các phương tiện truyền thông, hội nhập và toàn cầu hoá... Họ biết và thấy nhiều gấp trăm lần các thế hệ trước nhưng biết - thấy không phải là  hiểu - cảm. Mà hiểu - cảm mới quyết định sáng tạo. Những cái ta biết và thấy là những thông báo mà cái ta cần là thông tin, quan trọng hơn là năng lực “gia công” thông tin làm mảnh đất cho sáng tạo đích thực.

Có thực tế là các nghệ sĩ trẻ thời trước muốn cái mới, còn các nghệ sĩ trẻ bây giờ muốn cái khác. Khác biệt đến cùng là một thể tính của hậu hiện đại, nhưng thực tế cũng cho thấy họ phấn đấu để khác đến cùng nhưng lại thành quá giống nhau, giống nhau chả kém, nếu không hơn lớp trước. Từ ý tưởng, ý niệm tới hình thức ta có thể gặp liên tục các sự tái xuất hiện của những thứ ta đã - đang thấy ở khắp nơi trên quả đất. Tư tưởng, thị hiếu toàn cầu theo tôi là bất khả và không cần thiết, thậm chí nguy hại nữa. Nhưng nếu không có tính toàn cầu đó thì không thể thành một cá nhân đặc sắc - khác lạ trong tình trạng toàn cầu hoá - hậu hiện đại. Đó là cái thế lưỡng nan của mọi nghệ sĩ trẻ ở khắp nơi bây giờ.

Trần Lương: Nền tảng văn hoá là vấn đề khó khăn nhất của tiến trình phát triển nghệ thuật Việt Nam nói chung và với các nghệ sĩ trẻ nói riêng, sự khó khăn hiển nhiên của một vùng nằm ở ngoại vi và là ngã tư giữa những nền văn hoá lớn. Vì vậy mà còn ít những tác phẩm nghệ thuật có tầm quốc tế.

Xu hướng phát triển xã hội lệch: khu vực hạ tầng tri thức hàn lâm bị bỏ ngỏ, trong khi cuộc sống vật chất được tôn vinh nên chỉ một số ít nghệ sĩ trẻ đứng vững được, phần đông tự điều chỉnh theo hướng văn hoá pop ngoại lai để dễ bề đại chúng trong môi trường mặt bằng văn hoá thấp và mang tính giải trí.

Ông có suy nghĩ như thế nào về không gian dành cho nghệ thuật và nghệ sĩ trẻ hiện tại (xưởng sáng tác, khu triển lãm, kinh phí, hỗ trợ từ nhà nước và xã hội, bối cảnh văn hóa hiện tại)?

Phan Cẩm Thượng: Vấn đề này được giải quyết tốt ở những nước phát triển, còn ở nước ta có thể nói là rất khó khăn, nhất là đối với nghệ thuật không mang tính thương mại và quá mới như Installation, Performent Art, Video Art. Kinh phí nhà nước chủ yếu cấp cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật có tính truyền thống và nghệ thuật làm các nhiệm vụ chính trị xã hội.

Đương nhiên các nghệ sĩ trẻ có thể tương đối tự do làm những gì mình muốn, miễn là không phạm vào các quy chế văn hóa nghệ thuật, còn tiền bạc hãy tự lo, tự xin tài trợ. Điều này dẫn đến sự hình thành các nhóm, có tính chất hỗ trợ lẫn nhau, hoặc hướng dẫn nhau xin tài trợ, hoặc tham gia vào các hoạt động của các nhà văn hóa nước ngoài ở Việt Nam, tất nhiên cũng có xu hướng với tiêu chí của nhà văn hóa đó. Người phương Tây gọi đây là các nghệ thuật Ngoại vi (có xu hướng phương Tây nhưng ở ngoài phương Tây, hoặc gần giống như phương Tây), hoặc nghệ thuật Đại sứ quán (nghệ thuật chủ yếu được trưng bày và trình diễn trong các Đại sứ quán nước ngoài). Đây là một vấn đề mà các nghệ sĩ trẻ cần ý thức rõ về công việc của mình.


Khán giả tương tác với tác phẩm của nghệ sĩ Ngô Lực tại triển lãm Festival Nghệ thuật Trẻ 2007.

Nguyễn Quân: Nghệ thuật cần phi hành chính hóa, cũng như khoa học, nó phải hoạt động độc lập với thế quyền và thần quyền. Ta cần một hệ thống cơ sở hạ tầng cho các hoạt động sáng tạo độc lập - kiểu mới này song có vẻ ta vẫn muốn hành chính hóa nó, bao cấp không được nhưng vẫn quản lý theo hành chính quan liêu. Chưa có hành lang pháp lý, chưa có các quỹ văn hóa nghệ thuật, chưa có các nhà tài trợ, chưa có sự thức tỉnh của các nhà quản lý văn hóa về tầm quan trọng, sự cần thiết và hữu ích của nghệ thuật 'phi hành chính hóa' tương thích với tình hình mới này.

Cần phải cấp tiền, nhà xưởng, pháp lý, không gian công cộng, điều kiện sinh sống, sáng tạo (theo các dự án)... mà lại không được hành chính hóa, không được 'quản lý' cụ thể nữa là điều các nhà quản lý văn hóa ở các ban, bộ, hội, sở chưa hiểu nổi và chưa biết làm thế nào. Cần thông cảm vì họ cũng đang trong thế lưỡng nan!

Trần Lương: Chưa có một cơ chế hỗ trợ phát triển nghệ thuật tích cực, được quy hoạch và luật hóa, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện nay. Mặc dù có khác trước nhưng về cơ bản nghệ sĩ vẫn làm việc trong điều kiện nghiệp dư, đã có nhiều hơn nghệ sĩ có thể thuê xưởng, thành phố có nhiều hơn nơi triển lãm so với trước năm 2000. Nhưng gần như 100% xưởng và nơi triển lãm chưa đủ điều kiện và tiêu chuẩn làm việc và trưng bày (kích thước, ánh sáng, độ ẩm, trang thiết bị và tư vấn kĩ thuật).

Hệ thống môi trường nhân sự nội địa chuyên nghiệp cho nghệ thuật gần bằng không: nhà phê bình, curator, nhà tổ chức nghệ thuật, nhà môi giới nghệ thuật, luật sư, chuyên gia xin tài trợ, tư vấn kỹ thuật, nhà thiết kế ấn phẩm, cảnh quan và triển lãm... Kinh phí hỗ trợ nghệ thuật từ nhà nước và tài trợ có lợi nhuận thì cấp không đúng chỗ, đổ vào chỗ không có tính phát triển. Quỹ tài trợ phi lợi nhuận thì quá ít!

Nguyễn Anh Tuấn (thực hiện)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: