Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Bauhaus: Hơi thở hiện đại dù 100 năm đã trôi qua

Bauhaus: Hơi thở hiện đại dù 100 năm đã trôi qua

Hôm nay 12/4/2019, Google Doodle thiết kế đoạn video kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường Bauhaus - Ngôi trường được đánh giá là trường nghệ thuật hiện đại có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Vậy Bauhaus là gì và Bauhaus movement là gì (trường phái/phong cách nghệ thuật Bauhaus) và đóng góp ý nghĩa to lớn như thế nào trong lịch sử nhân loại?


Hình ảnh Google Doodle hôm nay 12/4.

Bauhaus: Hiện thân của "nét đẹp nghệ thuật có hồn"

Tồn tại từ năm 1919 đến 1933, trường nghệ thuật Bauhaus ở Đức là chứng nhân của thời kỳ chiến tranh đầy loạn lạc của nhân loại sau Thế chiến I (1914-1918) và thời kỳ Đức Quốc xã cũng như những năm đầu của Thế chiến II (1939 - 1945).

Vì bị cho là "cái gai" trong mắt của chế độ phát xít Đức mà trường Bauhaus từng bị Đức Quốc xã cố tình phá hoại. Tuy nhiên, dù bị Đức Quốc xã đóng cửa sau hơn 1 thập kỷ tồn tại, 100 năm sau, trường nghệ thuật Bauhaus vẫn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thiết kế trên khắp thế giới, từ ghế IKEA cho đến những chiếc smartphone thời thượng của iPhone, Washington Post đưa tin.

Cha đẻ của trường nghệ thuật Bauhaus là Walter Adolph Gropius (1883 tại Berlin, Đức – 1969 tại Boston, Mỹ). Ông là một kiến trúc sư người Đức và là người sáng lập ra trường phái/phong cách Bauhaus nổi tiếng trong lịch sử.

Năm 1919, Walter Adolph Gropius được Henry van de Veldes đề nghị nối tiếp chức vụ của mình tại trường Đại học Nghệ thuật tạo hình Đại công quốc Sachsen tại thành phố Weimar thuộc bang Thüringen, Đức.

Walter Adolph Gropius đã hợp nhất Nghệ thuật và Thủ công mỹ nghệ Grand Ducal, vốn đóng cửa từ năm 1915, và Học viện mỹ thuật Weimar, rồi đổi tên thành Trường Bauhaus Quốc gia tại Weimar. Trường được chính thức thành lập ngày 1/4/1919 với một đường hướng và tôn chỉ đào tạo hoàn toàn mới: Hướng đến việc tạo dựng một công trình nghệ thuật tổng thể, với các thể loại nghệ thuật được kết hợp với nhau.

Phong cách nổi bật của Bauhaus là kết hợp nghệ thuật tinh xảo với các thiết kế ứng dụng để tạo thành mỹ thuật ứng dụng, nghĩa là sáng tạo ra các vật thể thực tế nhưng có linh hồn của một tác phẩm nghệ thuật.

Trường phái/Phong cách của Bauhaus ban đầu chịu ảnh hưởng của định hướng nghệ thuật cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như phong trào Nghệ thuật và Thủ công, cũng như Art Nouveau và nhiều phong cách biến thể quốc tế của nó, bao gồm Jugendstil và Vienna Secession.

Vào giữa những năm 1920, trường phái Bauhaus chú trọng việc hợp nhất nghệ thuật và thiết kế công nghiệp, và chính điều này đã củng cố những thành tựu quan trọng và nguyên bản nhất của Bauhaus.

Trường nghệ thuật Bauhaus nổi tiếng với đội ngũ giảng viên phi thường, những người sau đó đã lãnh đạo sự phát triển của nghệ thuật hiện đại - và tư tưởng hiện đại - trên khắp châu Âu và Mỹ.

Dấu ấn nghệ thuật khó phai của Bauhaus: Mang hơi thở hiện đại dù đã 100 năm trôi qua


Phong cách nổi bật của Bauhaus là sáng tạo ra các vật thể thực tế nhưng có linh hồn của một tác phẩm nghệ thuật.

Bauhaus theo tiếng Đức có nghĩa là "công trình toà nhà", được hiểu với nghĩa rộng hơn là "Viện đào tạo về xây dựng". Phong cách mà trường Bauhaus theo đuổi kể từ khi thành lập đã trở thành một trong những dòng nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn nhất trong ngành thiết kế hiện đại, bao gồm nghệ thuật, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, kiến trúc...

Dù bị đóng cửa cách đây 100 năm nhưng những bộ môn nghệ thuật liên quan đến phong cách Bauhaus vẫn được truyền dạy trong các ngôi trường mỹ thuật/nghệ thuật trên khắp thế giới ngày nay.

Chính vì phong cách không đơn thuần là "mỹ thuật" mà là "nghệ thuật thị giác", Bauhaus đã trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tạo ứng dụng của IKEA hay iPhone từ đất Mỹ xa xôi.

Phong cách thế kỷ 20: Mê đắm "vị nhạc trưởng" Steve Jobs


Tạp chí Time gọi Steve Jobs là "Vị nhạc trưởng nổi tiếng nhất về những vật tinh vi ở tỉ lệ siêu nhỏ."

Trong bài viết tựa đề (đã dịch sang) tiếng Việt: "Steve Jobs học được gì từ phong cách Bauhaus?" trên Artsy.net kể về hành trình định hướng tôn chỉ thiết kế sản phẩm của Steve Jobs, có đoạn ông nói: "Thật buồn khi nhìn vào một chiếc máy tính mà như đang thấy một mớ hỗn độn!" Đó là lý do Steve Jobs (1955-2011) luôn tìm kiếm một thứ gì đó thật khác biệt cho các tác phẩm công nghệ của mình.

Và cơ duyên đã đến...

Năm 1981, khi tham dự hội nghị đầu tiên tại Viện Aspen, bang Colorado, Mỹ. Khi dạo bước trong khuôn viên của Học viện Colorado, Steve Jobs ngay lập tức bị mê hoặc bởi kiến trúc của viện, được thiết kế bởi nghệ sĩ và kiến trúc sư người Áo Herbert Bayer vào những năm 1940 và 1950 (ông là "bậc thầy Bauhaus" còn sống cuối cùng).

Artsy.net miêu tả, Steve Jobs đã bị chìm đắm trong các tòa nhà, đồ nội thất mang đậm dấu ấn Bauhaus thế kỷ 20. Và ông vỡ ra một lẽ: Cách thức điều hành công ty, thiết kế sản phẩm, quảng cáo, tất cả đều bắt nguồn từ điều này: Hãy làm chúng thật đơn giản. Thực sự đơn giản.

Khi chiếc iMac đầu tiên của Apple ra đời, họ đã quyết định sắp xếp bảng mạch và "nội thất" tưởng chừng phức tạp sao cho thật gọn gàng và tinh tế, ngay cả chúng ở bên trong thân máy.


Mặt bên tinh tế của iMac G3, thế hệ đầu tiên của dòng máy iMac. Ảnh chụp năm 2000.
(Nguồn: Artsy.net)

Giống như "Bauhaus thế kỷ 21", Apple đã tập hợp nhiều ngành nghề sáng tạo khác nhau và hợp nhất chúng trong một sản phẩm với sự tinh tế đầy nghệ thuật.

Đó là lý do, Tạp chí Time gọi Steve Jobs là "Vị nhạc trưởng nổi tiếng nhất về những vật tinh vi ở tỉ lệ siêu nhỏ.", có lẽ là bởi ông ảnh hưởng nhiều từ phong cách "có hồn" từ Bauhaus của Đức!

Trang Ly

(Soha.vn /Bài viết sử dụng các nguồn: Washingtonpost, Artsy.net, Independent, Theartstory)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo