Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Triển lãm Hội An Nostalgia: Đô thị sống trong con người

Triển lãm Hội An Nostalgia: Đô thị sống trong con người

Với 18 bức màu nước và mực trên giấy dó, Bùi Tiến Tuấn xác lập một giai đoạn, một cuộc theo đuổi mới trong hành trình mỹ thuật của mình. Như trước đây, anh lại dành sự tỉ mẩn công phu cho chất liệu truyền thống. Câu chuyện có thể cũ nhưng sự tương quan hợp lý giữa lối kể và điều được kể, chất liệu trình bày cho thấy tính chủ động, ý thức tự kiểm soát về thủ pháp ở họa sĩ này rất cao.  


Đêm u tịch, 2016, màu nước, mực trên giấy dó. 

Hội An Nostalgia là chủ đề cuộc triển lãm lần này. Họa sĩ 45 tuổi người Hội An - kẻ từng có những tháng ngày ngồi vẽ tranh trang trí trong khu phố cổ ở quê nhà - đang kể lại một bóng hình Hội An theo cách của riêng mình. Không đèn lồng, không tiệm may nhanh, không quầy hàng lưu niệm, không những đêm hội nườm nượp du khách mà ta vẫn thấy nhan nhản như thể đó là những gì đặc thù của một đô thị cổ. Không tất cả những gì bề mặt thời thượng, Bùi Tiến Tuấn đi ngược quá khứ, tìm về một Hội An của thời nào đó chưa có bóng dáng du khách, còn tĩnh lặng với vài ba bóng người thưa thớt - đôi khi như đông cứng lại ở một góc phố rêu, có lúc lại thấp thoáng vài nét nón, nét áo phẩy nhẹ lướt qua với bóng đò thời hậu thương cảng quốc tế... 

Nếu tranh sơn dầu trên lụa của Bùi Tiến Tuấn hướng đến một vẻ duy mỹ tân kỳ (qua sắc thái có bề phù phiếm của những thiếu nữ) thì ở “chặng” này, với giấy dó, một chất liệu cổ truyền, bặt sau những dáng phố là mối hoài cảm, một tâm tình thị dân với một không gian sống an lành (mà người vẽ tiếc nuối) đã mất. 


Giấc mộng vàng, 2016, màu nước, mực trên giấy dó. 

Vẫn là một cuộc kiếm tìm sắc vóc, hình thái đầy duy mỹ, nhân cảm. Phố cổ đó, trên những khung tranh ngang cỡ rộng, đang tả về một phố cổ vừa cô đọng vừa thênh thang, một đô thị vô hình (theo cách nói của Italo Calvino) lửng lơ giăng mắc, neo đậu trong tâm tưởng con người, một phố cổ có lẽ đã từng có trong dĩ vãng thanh bình trong thăm thẳm giấc mơ và cũng rất có thể đang hiện hữu trong hiện tại, cực kỳ hiếm hoi, được vài ba người lạc điệu lùi lại, bảo lưu. Cuộc hành trình nghệ thuật bấy giờ mở ra một chiều kích khác: không còn nói chuyện người sống trong phố, mà là cái cách một đô thị đã sống trong con người, cư dân của mình ra sao.

Cuộc kiếm tìm bóng hình phố cổ trên giấy dó, nhìn theo một chiều kích khác, chính là cuộc kiếm tìm thời gian đã mất. Trên mặt tranh, vẫn không thoát khỏi màu xỉn bạc của phong rêu, những khối màu nặng mô tả sự trơ gan của mái, những mảng vàng của tường, các đặc thù cấu tạo kiến trúc của một phố cổ như đã thấy trên nhiều tranh phố của những tiền nhân vẽ phố. Nhưng ở đây, tất cả như thể được tỏa ra từ những đám “nhiễu” của ký ức, những tàng cây, giếng nước, mảnh vườn và màu trời cứ luôn váng vất những mảng “khói” màu hồng phấn, hay loang loang những đám “mây” lam nhạt phảng phất hư ảo hay những sắc ráng ngày vàng mỡ gà bao trùm một góc đường lặng lờ u uẩn nào đó. Như thể chạm đến phố của thanh bình hôm qua, ta phải vén tất cả những sắc thái bồng bềnh ấy để du hành đến miền sâu kín nhất của nội thức vậy.

18 bức tranh cũng làm nên một giai điệu đẹp về thời gian, mùa màng luân chuyển trong đô thị thương cảng xưa yên bình. 

Lớn hơn câu chuyện về Hội An, những khói sương hồi ức trên 18 bức tranh khung ngang của phòng triển lãm cũng hỏi chúng ta rằng, điều gì làm cho ta được an trú trong một đô thị, một không gian sống?

Với những người thưởng tranh không muốn tự làm khó mình khi đứng trước tranh bởi cơ man những tự vấn vẩn vơ, thì loạt 18 bức này cũng có thể đem đến cho người xem bình thường một cảm giác thư giãn dễ chịu, một thứ mỹ cảm dễ giao hòa, không cầu kỳ hay nghiêm trọng để mà làm gì.

Triển lãm Hội An Nostalgia kéo dài từ 1/7 đến 31/7/2016 tại À gallery (46 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM). 

Nguyễn Vĩnh Nguyên 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo