Sập dầm cầu cạn Pháp Vân là do thi công ẩu?

Thứ hai, 19 Tháng 4 2010 20:51 Tiền Phong
In

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long (đơn vị đại diện chủ đầu tư Dự án cầu cạn Pháp Vân) cho biết, công an và Thanh tra Bộ GTVT đã vào cuộc. Kết luận cuối cùng sẽ phải chờ cơ quan chức năng, tuy nhiên, sơ bộ ban đầu có thể thấy phía thi công ẩu: Dùng thanh chống bằng gỗ thay cho thanh chống bằng sắt.

>> Sập nhịp dẫn cầu cạn Pháp Vân

"May mà không đổ rào rào như hiệu ứng domino"

“Theo quy trình, khi đơn vị thi công gác hệ thống dầm dọc thì phải tiến hành làm các thanh dầm ngang để cố định và tăng tính chịu lực của cả hệ thống dầm. Các thanh dầm ngang sẽ giằng tránh việc dầm dọc bị đổ. Hiện trường cho thấy, đơn vị thi công đã không thực hiện như vậy mà chỉ đóng cọc gỗ đỡ tạm. Trong khi đó, nhà thầu Nhật Bản làm tới đâu, người ta cố định hệ thống dầm dọc bằng cách hàn cố định dầm ngang tới đó”, lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long nói.

"May mà không đổ rào rào như hiệu ứng domino” - vị lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long nói.

"Phần lớn các công trình của Việt Nam là dùng các thanh chống bằng gỗ. Điều này là trái với nguyên tắc. Đây có thể là do "sáng tạo" của các công ty, nhằm giảm giá thầu." - Một chuyên gia về Cầu của trường ĐH Xây dựng Hà Nội. 

Khi PV Tiền Phong hỏi về quy định thời gian thi công hệ thống dầm ngang để tránh cho dầm dọc bị đổ (dẫn tới gãy, sập), ông Đỗ Quang Minh- Trưởng phòng Quản lý dự án 1 (PMU Thăng Long) kiêm Giám đốc dự án cầu cạn Pháp Vân kéo dài, nói: “Không có quy định thời gian bao lâu, mà phải làm ngay. Hơn nữa, chủ đầu tư cũng không thể cầm tay chỉ việc tất cả các công đoạn mà chỉ hướng dẫn cơ bản. Nếu cứ chỉ ra thế thì dân thường cũng làm được”. 

Sự cố gây thiệt hại khoảng 600 triệu đồng

Ông Minh cũng cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra đã liên lạc với Tổng Cty Xây dựng cầu Thăng Long và “họ đã nhận ra lỗi, dân trong nghề ai chả biết lỗi đó”. “Theo hợp đồng, lỗi do bên thi công chểnh mảng, làm ẩu gây ra thì phải đền. Ngoài ra, trong quá trình thi công, chủ đầu tư và tư vấn giám sát đã nghiệm thu công trình và vẫn tiếp tục hỏng thì nhà thầu vẫn phải đền. Thậm chí các bên đã ký biên bản nghiệm thu nhưng vẫn hỏng thì nhà thầu vẫn phải tự sửa. Sự cố vừa qua tổn thất khoảng 600 triệu đồng”, ông Minh khẳng định.

Thay thanh chống gỗ bằng thanh chống sắt

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong Online cùng nhiều PV khác tại hiện trường trong chiều 18-4, các công nhân đã ngay lập tức chở các thanh sắt đến rồi cưa ngay tại hiện trường để tiến hành thay các thanh chống bằng gỗ. Dường như ngay lúc đó, họ đã phát hiện ra nguyên nhân của sự cố nghiêm trọng này, và tìm cách khắc phục? 

Đánh giá chất lượng các dầm sập, theo ông Minh, quan sát tại hiện trường cho thấy không có vấn đề gì. Tuy nhiên để đánh giá chính xác cần phải đập dầm ra kiểm tra lại. Bên công an cũng đã được cung cấp bản vẽ, “hơn nữa nhà thầu xây cầu hiếm có trường hợp nào ăn bớt thép . Thi công cầu chỉ cần làm nhanh là có lợi chứ không cần phải ăn bớt vật liệu”.

Cũng theo ông Minh, ban QLDA Thăng Long thường xuyên nhắc nhở  đơn vị thi công về việc đảm bảo an toàn. Hiện, để tránh hiện tượng domino, đơn vị thi công đã phải triển khai hàn bằng các dầm ngang, chỗ nào chưa làm được thì phải chống tạm. Liên quan đến tiến độ kịp đón đại lễ 1000 năm Thăng Long, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, nếu giải tỏa nhanh thì không ảnh hưởng đến tiến độ.

Sắt thay bằng gỗ - sáng tạo kiểu Việt Nam ?

Anh Thanh San, kỹ sư Cầu - Đường, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự: Nguyên nhân có thể là do 2 đầu trụ chưa liên kết chặt chẽ. Khi thiết kế những công trình lớn như này, chắc chắn họ sẽ tính toán đủ. Lỗi có thể là do thi công ẩu.

TS Trần Đức Nhiệm, GĐ Viện Cầu - Hầm, Viện Khoa học Giao thông Vận tải: Có đến 70% các công trình Việt Nam đang thi công là dùng gối cao su OVM của Trung Quốc. Theo nguyên tắc, các thanh chống phải làm bằng thép, hàn chặt với dầm để tăng chịu lực.

Một chuyên gia về Cầu của trường ĐH Xây dựng Hà Nội: Phần lớn các công trình của Việt Nam là dùng các thanh chống bằng gỗ. Điều này là trái với nguyên tắc. Đây có thể là do "sáng tạo" của các công ty, nhằm giảm giá thầu. Tuy nhiên, lỗi ở đây có thể do sự cố kỹ thuật ngoài mong muốn. Cần có sự cảm thông, sẻ chia của xã hội.

Anh Lê Tiến Cường, kỹ sư Cầu - Đường: Nếu thanh chống dầm cầu không đảm bảo thì ngay từ đầu nó đã bị gãy, và vì thế, không có lực để đỡ dầm. Đằng này, sau gần 2 tuần, các dầm cầu được đúc trước đã vững, nên lực tác dụng lên các thanh gỗ không còn lớn như trước. Vì thế, nguyên nhân khó có thể là do các thanh chống.

Đình Thắng - Hoàng Tuân


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: