Phản biện xã hội và trách nhiệm của kiến trúc sư

Thứ ba, 28 Tháng 5 2013 00:37 Hà Nội Mới
In

Nâng cao tiếng nói phản biện của hội nghề nghiệp kiến trúc, của giới kiến trúc sư trong những công trình kiến trúc lớn cũng như trước thực tế kiến trúc hiện nay, đó là vấn đề cần được thực thi ở tầm chiến lược. Thế nhưng những quy định cần có để nâng cao vai trò phản biện của giới kiến trúc lại đang nằm trong dự án xây dựng Luật Kiến trúc.  

Lên tiếng thì… sự đã rồi 

Phản biện xã hội được coi là trách nhiệm quan trọng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Nhưng có một nghịch lý là khi hoạt động kiến trúc càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì phản biện càng có vẻ đuối, không thực hiện được vai trò thúc đẩy và định hướng xã hội trong lĩnh vực này. 


Bản dự thảo Luật Kiến trúc
(nguồn: Ashui.com) 

Phải nói, lịch sử kiến trúc Việt Nam đã ghi nhận những hoạt động phản biện hiệu quả. Ngay từ năm 1950, các kiến trúc sư (KTS) đã nghiên cứu đề án KTS phục vụ kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công thì tổ chức tìm hiểu nhà sàn dân tộc, nghiên cứu cải tiến nhà ở của đồng bào dân tộc. Vì lấy phê bình kiến trúc làm trọng nên các công trình cầu kỳ, rườm rà, nặng về hình thức và lãng phí, sau đó nhanh chóng được giới nghề nghiệp nhận diện, phản biện để tránh tái diễn. 

Còn hôm nay, kiến trúc có nhiều điều kiện bung nở nhưng giới nghề nghiệp đã không ít lần phải lên tiếng về hàng loạt vấn đề, trong đó có biểu hiện lỗi thời, phục cổ, lãng phí trong các kiến trúc công sở. Về câu chuyện này, đã có hẳn một hội thảo lớn với những số liệu đánh giá và hình ảnh minh họa cụ thể. Nhưng cũng như chuyện các mẫu nhà "Đông - Tây" kết hợp khá lộn xộn ở nông thôn hiện nay, nỗi bức xúc này cũng lại rơi vào im ắng. Vì sao?

KTS Hoàng Thúc Hào nhận xét: "Cũng có nhiều công trình kiến trúc, quy hoạch và một số vụ việc liên quan đến lĩnh vực này đã được Hội KTS kịp thời có ý kiến nhưng, với một số dự án thì khi Hội lên tiếng, câu chuyện đã ở vào tình thế "đã rồi". Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, những ý kiến, phản biện từ hội nghề nghiệp chỉ được nhà đầu tư tham khảo chứ hoàn toàn không được coi là yếu tố quyết định".

Với hoạt động hành nghề của KTS, sau khi hoàn thành thiết kế, giao bản vẽ, đồ án, gần như KTS hết trách nhiệm và không có vai trò theo dõi, phản biện đối với quá trình thi công, hoàn thành công trình. KTS Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh: "Nếu nói khám để chữa bệnh là quyền tối cao của bác sĩ thì đối với vấn đề thiết kế, xây dựng, vai trò của KTS cũng như vậy. Giờ thì chủ đầu tư nhiều khi chỉ coi KTS là công cụ thôi". 

Với vai trò là người đứng đầu hội nghề nghiệp, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn đã có nhận định khái quát về tình trạng trên: "Chưa có sự rõ ràng trong các văn bản chính quy nên quan niệm về vai trò phản biện của KTS còn tùy tiện. Những khi cần thì người ta hỏi, không cần thì thôi. Thậm chí, có những vấn đề mang tính chiến lược mà nhiều khi Hội KTS cũng không được hỏi ý kiến". [Ashui.com] 


Công trình Bảo tàng Đắc Lắc đoạt Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2012 
(ảnh minh họa) 

Phản biện là trách nhiệm xã hội 

Đúng là xây một ngôi nhà xấu, một công trình lạc hậu chưa phải chuyện "chết người" nên chủ đầu tư và xã hội nói chung vẫn coi yếu tố phản biện của KTS là "chuyện nhỏ". Thế nhưng, thực tế hiện nay đòi hỏi phải có cái nhìn khác, động thái khác. Sự thay đổi tư duy rất cần thiết. Kiến trúc hiện đại là kiến trúc xanh, gắn chặt với những vấn đề về môi trường, phát triển bền vững. Đối với người dân, phản biện về kiến trúc liên quan chặt chẽ đến chất lượng sống qua chính ngôi nhà họ ở. 

Bên cạnh đó, hoàn toàn có lý khi cho rằng cơ chế phản biện khiến KTS thêm phần trách nhiệm. Một khi công trình kiến trúc gắn liền với tên tuổi của KTS thì xã hội sẽ bớt đi những tác phẩm kiến trúc làng nhàng, thiếu dấu ấn, thậm chí là sao chép. Đơn giản, chẳng có KTS nào muốn tự bêu xấu. 

Nhớ lại cuộc thi (có tính thăm dò) của Hội KTS Việt Nam về mô hình nhà ở nông thôn tại một tỉnh phía Bắc, sau khi trưng bày đồ án thiết kế, người dân tới xem rất đông và có nhiều người cho rằng, giá như biết sớm thì họ sẽ làm theo phương án mà KTS đã thiết kế. Nghĩa là, thực tế xã hội có nhu cầu rất lớn về phản biện trong kiến trúc. Tuy nhiên, để thực thi, lại cần đến sự phối hợp của chính quyền địa phương, của ngành liên quan. Điều này lại đụng đến câu chuyện luật hóa vai trò và cả trách nhiệm phản biện xã hội của giới nghề nghiệp đối với nền kiến trúc nước nhà, như đã nói ở trên. Có ý kiến cho rằng, trong khi chờ có luật thì Hội phải tiếp tục phát huy vai trò chủ động. Theo KTS Nguyễn Thu Phong (TP Hồ Chí Minh), hiện Hội chưa xây dựng được cơ chế phản biện xã hội, tuy thế, với vai trò là cơ quan đầu não của giới nghề, Hội hoàn toàn có thể chủ động góp ý kiến với Nhà nước, Chính phủ đối với những công trình mang tầm quốc gia chứ không phải chỉ theo vài vụ việc nhỏ lẻ. 

Giấc mơ về Luật Kiến trúc vẫn chưa thành hiện thực và rõ ràng, điều đó không dễ có trong ngày một ngày hai. Nhưng trong thời gian chờ đợi, không ai có thể cấm giới nghề nghiệp tiến hành xây dựng những cơ chế cho việc nâng cao tiếng nói và trách nhiệm phản biện. Sự chủ động của chính các KTS, của hội nghề nghiệp cũng là một động lực thúc đẩy cho việc ra đời Luật Kiến trúc. 

Lưu Nguyễn 

[ Facebook > Nhóm vận động ban hành Luật Kiến trúc


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: