Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Tọa đàm sách “Văn hóa kiến trúc” của Giáo sư Hoàng Đạo Kính tại Đà Nẵng

Tọa đàm sách “Văn hóa kiến trúc” của Giáo sư Hoàng Đạo Kính tại Đà Nẵng

Viết email In

Chiều 6/4, tại không gian văn hóa Việt - Trúc Lâm Viên TP. Đà Nẵng, Tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển phối hợp với Hội Quy hoạch - Kiến trúc – Xây dựng Đà Nẵng cùng GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính tổ chức buổi tọa đàm "Bảo tồn văn hóa di sản" và giới thiệu cuốn sách "Văn hóa kiến trúc" của Giáo sư. Nội dung trao đổi xung quanh các vấn đề nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu di tích tại miền Trung.


GS Hoàng Đạo Kính giới thiệu sơ lược về cuốn sách "Văn hóa kiến trúc" 

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941 tại Hà Nội, cháu nội nhà nho yêu nước Hoàng Đạo Thành (có tên phố tại Hà Nội), con trai của nhà văn hóa, nhà cách mạng, nhà Hà Nội học – sáng lập Hội hướng đạo sinh Đông Dương (có tên đường ở Hà Nội và Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh) nổi tiếng Hoàng Đạo Thúy. Ông học phổ thông và Đại học kiến trúc bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Nga. Ông từng lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa – Viện bảo tồn di tích quốc gia – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Chủ trì hoặc trực tiếp tham gia nhiều công trình nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu di tích kiến trúc như tháp Chăm, Chùa Cầu và nhà cổ ở Hội An, khu Đại Nội và Lăng Minh Mạng ở Huế, Nhà hát lớn Hà Nội..., Ông được mọi người yêu mến đặt cho biệt danh "hiệp sĩ" (lời TS.Trần Trọng Chi) của những di tích kiến trúc. GS. Hoàng Đạo Kính đã để lại nhiều bài viết không chỉ có giá trị về chuyên môn mà còn mang đậm tính văn học. "Văn hóa kiến trúc" là tác phẩm thứ ba của GS Hoàng Đạo Kính, sau "Di sản văn hóa, bảo tồn và trùng tu" "Ngõ phố người đời". Công trình này bao gồm 107 bài viết tập hợp từ năm 1997 đến nay, dày gần 500 trang, bàn luận về các khía cạnh khác nhau của đô thị, chia thành 4 phần chính: Bảo tồn di sản văn hóa, Văn hóa kiến trúc, Đô thị phát triển tiếp nối, Nơi chốn - thời buổi - con người. 

Mở đầu chương "Bảo tồn di sản văn hóa", trong phần "Di sản văn hóa – bảo tồn và lưu truyền", GS. Hoàng Đạo Kính đã viết như vậy với giọng văn nhẹ nhàng dung dị theo cách tản văn dưới góc nhìn nhân bản, không có những từ ngữ đại ngôn, cũng không lê thê như một giáo trình, rất dễ đọc cho mọi thành phần người đọc mà vẫn cung cấp rất nhiều nguyên tắc và lý thuyết kiến trúc, chứa đựng những kiến thức phổ quát từ xã hội học, đô thị học cho đến kiến trúc học. Hơn nữa, các quan điểm của Ông được coi là góp phần xây dựng nền tảng ban đầu cho ngành đô thị học. 

Đọc sách “Văn hóa kiến trúc”, người đọc được dẫn dắt từ hiện trạng và các vấn đề lý luận, ứng xử và phát hiện trong Bảo tồn di sản kiến trúc, đến câu chuyện Văn hóa kiến trúc - đô thị mênh mông thấm đẫm hồn người, hồn đất, bàng bạc chất tư duy và sáng tạo nghệ thuật; đến những thân phận "ngõ phố đời người", thân phận biệt thự và cây xanh ngàn lần ta đi qua, nhìn mà không thấy. Từ Thủ đô Hà Nội mở rộng với 3.344 km2 đến các đô thị tỉnh lỵ, đô thị biển; tới "những điều nho nhỏ" như đá lát vỉa hè, hàng rào, tường rào trong phố... bằng những chiêm nghiệm, thụ cảm và suy nghĩ rất đặc sắc "chất" Hoàng Đạo Kính. Từ những khái lược về sự phát triển của kiến trúc Việt đến những hòn đá tảng của kiến trúc nước nhà như: Bản sắc kiến trúc Việt, Phê bình và Sáng tạo kiến trúc, dạy nghề và hành nghề kiến trúc, sử dụng vật liệu xây dựng.... Ngôi nhà Việt, con phố Việt thẩm qua cái nhìn của ông, đã không chỉ là những bản thể tự nó mà là những tầng sắc giá trị văn hóa, những triết luận dân gian về tồn tại, những căn cơ dung hòa của con người và tự nhiên. Lần theo các trang chữ này, các định hướng phát triển tiếp nối, những thế mạnh điểm yếu, cái duy nhất cần nâng niu, các tài nguyên cần kiệm dụng, các giá trị cần níu giữ... của các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Buôn Ma Thuột hay các đô thị Hội An, Sơn Tây, Nam Định, Vĩnh Long... "Tôi tin: ta sẽ giàu, sẽ tân tiến. Song nếp nhà Việt vẫn phải là Việt. Bởi mình nghĩ theo kiểu Việt. Mình sống theo nếp Việt. Mình nói theo lối Việt. Mình ăn theo cách Việt. Thời đại mới, ắt sản sinh nhà Việt thời mới…. Nhà ta, ta về (trích chốn ở hôm qua – chốn ở hôm nay)”. 


TS. Trần Trọng Chi cùng GS Hoàng Đạo Kính tại buổi tọa đàm 

"Nhìn chung, kiến trúc của miền Trung - Tây Nguyên không làm cho tôi ái ngại nhiều bằng kiến trúc ở phía Bắc. Bây giờ chúng ta cần làm sao để các đô thị duyên hải miền Trung khẳng định cái tính duyên hải của nó, tức là nhấn mạnh tính chất biển; có như thế chúng ta mới tạo được môi trường đô thị thuận lợi và lành mạnh cho phát triển kinh tế, du lịch...”. 
GS. TS.KTS Hoàng Đạo Kính 

GS.Hoàng Đạo Kính khẳng định, để người đọc biết một cách rạch ròi, minh hiển các cặp khái niệm: phế tích - di sản - di tích, thế nào là bảo quản, gia cố, tu sửa; thế nào là phục hồi, phục nguyên, tôn tạo..., ông kêu gọi "Hãy giữ cho di tích thuộc hẳn về quá khứ"; rằng "Nếu không duy trì được giá trị lịch sử, trùng tu trở thành vô nghĩa". Đó là những trang chữ thâm minh của nghề nghiệp, hay theo cách nói của nhà văn Thái Bá Lợi: "Hoàng Đạo Kính có cách diễn đạt rất quyết liệt, để nói rõ ý kiến của mình trước mỗi vấn đề". Chung quy, những gì GS. Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh, có thể tóm gọn cốt lõi ở ý nghĩa: "Di tích phải được ứng xử bằng văn hóa".  

Đặc biệt, theo KTS Huỳnh Tòa: "Với thành phố Đà Nẵng, GS. Hoàng Đạo Kính không những là một người thân quen mà còn là người thầy dìu dắt tận tình nhiều thế hệ KTS tại đây. Ông là người thấu hiểu từng chi tiết, cái nhỏ đến cái rất lớn của kiến trúc, nên tác phẩm ông viết ra rất hấp dẫn và thuyết phục". KTS Phan Đức Hải nhận định: "Những bài viết của ông trong tập Văn hóa Kiến trúc rất tâm huyết, không giấu nghề. Đọc rồi ngẫm từng bài viết, ta như tràn ngập trong biển tri thức văn hóa đầy chất thi ca. Từ những vấn đề lý luận, ứng xử với di sản đến đô thị phát triển tiếp nối – nơi chốn thời buổi con người, cho ta sự thẩm thấu những trải nghiệm của một tri thức sâu rộng với nhiều đam mê, trách nhiệm… Nội dung được tác giả trình bày một cách khoa học để người đọc dễ nắm bắt, sự khái quát văn hóa – kiến trúc đều hiện diện đầy đủ thực trạng trong diện mạo kiến trúc đô thị Việt Nam để đánh giá cái được cái mất như: Những năm đầu thế kỷ 21 – Nhìn các đô thị đất nước ta – Quỹ kiến trúc – Thành phố mất trí nhớ … Rõ ràng đó là những lời cảnh báo giúp cho giới kiến trúc tỉnh táo trong quá trình phát triển đô thị...". KTS Phạm Phú Bình rất tâm đắc, chỉ riêng một bài trong hàng trăm bài viết của Ông cũng đủ để ta nhận thức “Nghèo dễ làm cho xây dựng khó trở thành kiến trúc – Giàu dễ làm cho kiến trúc trở nên phù phiếm – Nghèo mà có văn hóa, phong lưu – Giàu mà thiếu văn hóa, phàm tục .. (trích tản mạn về nhà Việt và tâm thức Việt). 


KTS Phan Đức Hải – PCT Thường trực Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP Đà Nẵng 


KTS Huỳnh Tòa – Nguyên PCT Thường trực Hội KTS Đà Nẵng 


GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính ký tặng độc giả 


GS Hoàng Đạo Kính chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Hội Quy hoạch – Kiến trúc – Xây dựng Đà Nẵng 

Nguyễn Cửu Loan 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
0 # ho gia tan 21/04/2013 11:21
cho toi hoi.nieu muon mua sach cua thay thi co the mua o dau tai da nang?
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo