Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Tản mạn chuyện nghề

Tản mạn chuyện nghề

Viết email In

Một năm làm việc mới lại đến với không ít ngổn ngang và ưu tư của những ai hành nghề kiến trúc – xây dựng trong bối cảnh thị trường bất động sản và dịch vụ liên quan chìm lắng khá lâu. Nhưng như bản nhạc có đoạn trầm đoạn bổng, có lúc ngừng nghỉ lắng đọng bên cạnh cao trào sôi động, khoảng thời gian đầu năm cũng là dịp thích hợp để những nhà chuyên môn trẻ tuổi trải lòng tâm sự về bản thân với các góc nhìn riêng trong nghề nghiệp và xã hội.  

KTS Võ Hữu Chương (công ty By Interior): 
Biết chăm chút từ những điều nhỏ 

Theo quan điểm của tôi, kiến trúc có bản sắc là công trình vừa đạt được yếu tố không gian sống thoải mái, tiện nghi và an toàn cho con người, đồng thời vẫn giữ được những nét độc đáo, đưa được cái hồn truyền thống, những nét văn hoá mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Tôi không đồng ý những công trình xây dựng ở thế kỷ 21 rồi mà vẫn cứ làm giống như kiểu nhà lâu đài thời trước, chi chít các chi tiết cổ điển, dù là cổ điển kiểu phương Tây hay phương Đông. Bản thân các chi tiết đó, kiểu nhà đó là giá trị đã kiểm chứng qua thời gian không thể bàn cãi, nhưng cũng là biểu hiện tiến hoá của thời đại đó, dân tộc đó, văn hoá thời đó. Còn công trình mới nếu không đạt tầm hiện đại tương xứng mà lại vay mượn, quay ngược về cóp nhặt lại kiểu thức ngày xưa thì chỉ là những bản sao vụng về, cho dù có làm tinh xảo đến đâu. Ở đây vai trò quyết định của chủ đầu tư rất quan trọng. Chủ đầu tư đã "kết" kiểu nào rồi thì nhà thiết kế, nhất là những người trẻ tuổi, khó lòng thay đổi được quan niệm của họ. 

Dĩ nhiên khái niệm hiện đại cũng có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Nhưng theo quan sát của tôi sau thời gian học tập và làm việc ở xứ người thì hiện đại không có nghĩa là bỏ ra thật nhiều tiền để có thể tận hưởng một không gian sang trọng, đắt tiền. Hiện đại cũng không phải đưa tất cả những thiết kế mới nhất, độc đáo và sang trọng nhất trên thế giới về môi trường sống ở Việt Nam. 

Chúng ta vẫn luôn học hỏi và trau dồi những kiến thức của bạn bè trên thế giới, nhưng chúng ta không nên hoà tan hoàn toàn vào những kiến thức của họ, mà nên biến tất cả thành kiến thức và thiết kế của riêng chúng ta. Dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhất cũng thể hiện sự tinh tế và sự quan tâm của người kiến trúc sư dành cho công trình, đó là trách nhiệm nghề nghiệp và công việc phải làm. 


Cách xử lý ban công trên nhà cao tầng khá hiệu quả và an toàn ở Singapore. 

Ví dụ thật đơn giản như việc "xử lý ban công cho chung cư cao tầng" chẳng hạn. Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta gần như loại bỏ các ban công lồi ra (thay bằng logia âm vào) ở các chung cư cao tầng vì nhiều lý do, đặc biệt là sự an toàn cho người sử dụng. Nhưng khi tôi đi làm việc ở Singapore thì vô cùng ngạc nhiên khi rất nhiều chung cư cao cấp mới xây dựng vẫn sử dụng bancông. Tại sao vậy, chẳng lẽ họ không nhìn thấy sự nguy hiểm của nó. Hoàn toàn ngược lại, họ biết rất rõ nhược điểm của ban công và giải pháp được đưa ra là khoảng cách từ sàn bancông đến lan can kính ngoài cùng được ngăn cách bởi một khe (rãnh) rộng 30 – 40cm và sâu 40 – 50cm. Nó sẽ làm tăng khoảng cách an toàn cho người sử dụng khi tiếp cận đến gần lan can, thoát nước mưa tốt và có thể đặt các chậu cây xanh mà không ảnh hưởng đến sàn bancông cũng như tầm nhìn, thẩm mỹ từ ngoài trông vào. Những điều nhỏ như vậy nếu biết chăm chút đúng mức thì luôn có lời giải tốt cho dù bài toán có khó đến đâu. Chứ không phải vừa thấy có tai nạn trên bancông là dẹp hết ban công, vì chi tiết này vẫn luôn là khoảng không gian đệm rất hữu ích ở xứ nhiệt đới, giảm mưa tạt nắng chói trực diện vào nhà, có thể đặt cây xanh và góc thư giãn hiệu quả ở những căn hộ "gần trời xa đất" đó. 

KTS Nguyễn Ngọc Thủy: 
Trăn trở chuyện mặt tiền

Tôi mới về nước làm việc được một năm nay, và bên cạnh những điều thân quen của quê hương đang chuyển mình mỗi ngày, tôi vẫn thấy còn nhiều ưu tư trong việc phát triển và quản lý đô thị, mà cụ thể là vấn đề mặt tiền nhà phố.

Dù là ở nền văn minh công nghiệp hay nông nghiệp, những không gian nhà bám theo trục lộ để buôn bán sẽ giảm bớt tính hướng nội để tăng vai trò đối ngoại, giao dịch, cởi mở hơn và cũng phơi bày nhiều hơn. Đất chật người đông, mua bán tấp nập, ngôi nhà tuỳ theo vị trí tiếp giáp đường lớn hay hẻm nhỏ mà xử lý mặt ngoài tương ứng các chức năng tiếp cận, dịch vụ, quảng cáo và thu hút. Tức là hình ảnh ngôi nhà xưa cũ, ngôi nhà tĩnh nhiều hơn động ở miền quê dần nhạt phai như một tất yếu của tiến trình đô thị hoá. 

Tôi nhớ hình như mình chỉ nghe đến khái niệm nhà mặt tiền vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi ba mẹ tôi chuyển công tác từ Hà Nội vào Sài Gòn. Có lần được nghe các cụ bàn bạc: "Mình có buôn bán gì đâu mà ở mặt tiền", cho nên kết quả là nhà tôi chuyển nhà mấy lần đều ở trên lầu, hoặc trong cư xá, hay là dạng nhà trong phố nhỏ ngõ nhỏ. Và luôn luôn thấy ổn bởi yên tĩnh hơn, riêng tư hơn, hợp với cách sống của mình hơn. Tôi thấy ở các nước phát triển cũng vậy, có người này có người kia thì cũng phải có các hình thức cư trú tương ứng phù hợp, khi đó cơ cấu đô thị sẽ ổn vì không phải lúc nào, ở đâu cũng phải "nhào ra mặt phố". 

Mặt tiền nhà khi bước vào thời kinh tế thị trường luôn giữ giá trị là mặt… kiếm ra tiền. Khi rủng rỉnh trong túi đôi chút thì gia chủ sẽ nghĩ đến việc trang điểm lại nhà mình hoặc phá cũ đi xây mới lại. Bước chuyển đổi này đến nay vẫn tồn tại nhiều bất cập từ khâu quản lý đến thực tế chênh lệch về con mắt thẩm mỹ của người dân cũng như nhà chuyên môn. Thậm chí đã có lúc nhiều chủ nhà mặt phố hầu như rập khuôn theo công thức: cửa cuốn hoặc cửa kéo tầng trệt mở tối đa, các tầng lầu làm bancông và hình khối giống nhau, hoặc cũng mở cửa kính tối đa bất kể bên trong là không gian gì, hoặc có cửa sổ bên lồi bên lõm rồi xếp chồng tầng lên, kết thúc bằng một bộ khung sân thượng, có thể thêm chóp nhọn, vòm cong, dàn lam, mái ngói và những biến tấu khác sau khi đã… tham khảo nhau, chắp vá lung tung khắp nơi. 


Nhiều ngôi nhà đẹp riêng lẻ chưa chắc tạo nên một dãy phố hoàn chỉnh và đồng bộ. 

Có một quan niệm không chỉ giới chủ nhà mà cả kiến trúc sư nữa vẫn hay cho rằng: "Làm nhà ở mặt phố có gì đâu, chỉ cần "binh" cho ổn ổn mấy cái mặt bằng, xếp chồng lên, từ đó suy ra mặt đứng. Nhà phố ngang 4 – 5m thì xoay xở gì được nhiều!". Tất nhiên với gia chủ lẫn người thiết kế – thi công không đòi hỏi cao về cá tính và thẩm mỹ, không nhìn trước ngó sau và đặt nặng diện tích sử dụng lên trên hết thì quan niệm này thể hiện đúng bản chất của xây nhà phố nơi đô thị là bám mặt tiền, kinh doanh là chính. Nhưng bên cạnh đó có không ít gia chủ lẫn người chuyên môn lại xem mặt tiền là nơi để thể hiện nhiều thứ khác. Và càng đắp chỉ hay làm vòm chóp giống nhà bên Tây bên Tàu thì càng chứng tỏ mình giàu sang đúng điệu (!?) nên nhiều gia chủ đã nghĩ thế và nhiều nhà đã làm như thế. Không ít khu đô thị (được xem là kiểu mẫu) hiện nay sau một thời gian "siết chặt" về kiểu dáng mặt tiền của mẫu nhà chung đã có những thoả hiệp với khách hàng tự xây là chỉ khống chế về kích thước bancông đưa ra, chiều cao tầng, hay màu sắc không quá chói lọi, còn lại là…tuỳ. Bệnh trăm hoa đua nở trên mặt tiền vì vậy vẫn không thuyên giảm mà đang có xu hướng chuyển từ hình thức này sang hình thức khác, với "cơ sở lý luận" là mẫu nhà chung ấy không phù hợp với hoàn cảnh riêng của tôi! 

Thực sự thì các thế hệ kiến trúc sư trẻ sau này đã du nhập thêm nhiều phong cách xử lý mặt tiền nhà song hành cùng với biến đổi không gian theo hướng hiện đại hơn, tiện nghi hơn so với thời trước. Từ lệch tầng đến tối giản, hi-tech hoặc nét Việt... Nói chung là có bao nhiêu tên gọi và cách xử lý trong nội thất nhà ở thì cũng có bấy nhiêu "dấu ấn" biểu lộ ra mặt đứng bên ngoài. Nhưng khó có thể gọi tất cả các cố gắng đó là tạo nên trường phái hay phong cách, mà chỉ đơn giản vẫy vùng trong những thử nghiệm và biểu hiện. Có cái hoài cổ, có cái đi trước, từ táo bạo đến rụt rè… để tất cả đều góp phần làm cho toàn cảnh mặt tiền nhà ở tư nhân thêm phức tạp, khó kiểm soát về mặt thẩm mỹ chung. Trong những góc nhìn đơn lẻ, không ít ngôi nhà thành công về màu sắc, hình khối, chi tiết... hay ít ra là giúp gia chủ và người thiết kế hài lòng. Nhưng nhìn rộng ra tổng thể nhóm nhà, dãy phố, tuyến đường... thì sẽ thấy ngay sự khập khễnh, hỗn tạp và nhốn nháo. Chừng nào một thiết kế đô thị chuẩn và thiết chế quản lý thẩm mỹ công cộng còn chưa được quan tâm đúng mức và xem như việc cấp thiết, thì chừng đó vẫn chưa thể giải quyết được gốc rễ vấn đề mặt đứng – mặt tiền nhà ở đô thị luôn vụn vặt và thiếu bản sắc như hiện nay. 


Một khu nhà ở cho công nhân, các nhà chuyên môn nghĩ sao về tình trạng này? 

Ghi chép: KTS Lê Huy (Kiến trúc & Đời sống) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
-1 # Cảnh 28/03/2013 10:35
Cùng là kiến trúc sư cứ đổ tội nhau...kiến trúc sư quy hoạch thì chỉ làm sử dụng đất, quy định các nhà cao tầng về một số tiêu chí thôi...còn quần áo phơi ra sao, tổ chức phơi thế nào trong căn hộ là do thiết kế trúc và ban quản lí dự án chứ....một bài viết thật vô duyên, kém hiểu biết về thực tế xã hội..
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo