Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Bên Hồ Gươm nghĩ về "nguời quét đường"

Bên Hồ Gươm nghĩ về "nguời quét đường"

Viết email In

Một ngày như mọi ngày, trước cửa nhà có người quét đường, nhìn họ tôi nhớ đến những "người quét đường" khác mà tôi biết trong Thành phố của tôi. Ngày thứ hai tuần thứ ba của tháng 1 hằng năm là Ngày Quốc lễ Martin Luther King tại Mỹ. Ông là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào tranh đấu Quyền công dân từ cuối thập niên 50 (thế kỷ XX) và kêu gọi hòa bình thế giới trong những năm giữa thập niên 60 - thời kỳ chiến tranh bắt đầu có những quy mô lớn và khốc liệt trên đất nước chúng ta. Năm 1964, mục sư Martin Luther King được trao giải Nobel Hòa bình. Năm 1967, trong một bài giảng cho học sinh tại một trường trung học, ông đã nói:

"Nếu một người đã được gọi để làm một người phu quét đường, hãy quét những con đường như đại danh họa Michelangelo đã họa tranh, hãy quét những con đường như đại nhạc sư Beethoven đã soạn nhạc, hãy quét những con đường như đại văn hào Shakespeare đã làm thơ. Người phu quét đường phải quét những con đường một cách tốt đẹp nhất để tất cả khán thính giả trên thiên đàng và nơi trần gian sẽ ngẫm nghĩ và nói: Đây là đời sống của một người phu quét đường vĩ đại - ông ta đã làm công việc của mình thật tốt đẹp".

Tuần thứ ba tháng 1 năm 2009, ở gần Hồ Gươm có một phòng trưng bầy các phương án dự thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận”. Dù là trong nước hay nuớc ngoài thì các tác giả đều là cái cơ duyên  được tham gia vào công việc thật sang trọng: thể hiện cái giấc mơ của bao ngưòi tại một không gian nhỏ bé nhưng rất thiêng liêng không chỉ riêng Hà Nội – các vị đã được lựa chọn. Một ngày kia trên bục vinh quang, ai đó trong các vị là đạt người giải cao. Nhưng ngay lúc này đây, các vị đã làm hết sức mình, và riêng điều đó thật đáng trân trọng.

Tác giả của phương án biến cả vùng rộng lớn quanh hồ thành không gian lễ hội đã là người làm hết sức mình vì một nỗi ám ảnh khắc khoải, thoát ra khỏi cái  bức bối, chật chội dồn nén bấy lâu. Họ đã là "người quét đường" vung lên những nhát chổi hào hứng - mặc cho bụi trần gian còn mịt mờ ở nơi thực tại.


Phương án của Công ty CP tư vấn và đầu tư xây dựng CDCC - Hội Kiến trúc sư Hà Nội (nguồn: Ashui.com)

Tác giả của phương án những dãy phố mái ngói đỏ kéo dài ven hồ đã làm hết sức mình một cách chau chuốt. Những góc phố, gốc cây nơi họ đã suy tư về tương lai đẹp nhất cho nó lâu rồi. Nhìn những bức hình  phối cảnh vẽ bằng bút chì đệm mầu nước cái đường phố rộn ràng, mặt hồ lung linh, vỉa hè rợp bóng cây kia… như mang theo cái hơi thở run rẩy của họ về những viễn cảnh ao ước ấy. Họ là "ngưòi quét đường" cần mẫn nhất, chuyên tâm nhất khi lùa những nét chổi li ti không cho một hại bụi đọng lại trên mạch đá.


Phương án của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản - nguồn: Ashui.com) 

Tác giả của phương án dãy cao ốc khổng lồ làm phông nền cho Hồ Guơm, để chợt nhìn làm ngưòi xem không giấu nổi cái ức chế nặng nề. Họ cũng chật vật lắm đặt ra những kịch bản không gian xung đột nhất, để tự tìm cho mình câu trả trả lời khó khăn nhất - nhưng câu hỏi hóc búa vẫn còn đó dai dẳng bám theo trên suốt đoạn đường. Họ là những ngưòi quét đường trân trần, đứng trên những mảnh vụn thuỷ tinh sắc nhọn rải đầy, cắn răng trong đau đớn để khai thông con đường sạch sẽ - sáng trong.


Phương án của MQLPAU and Partners (Việt Nam/Đức - nguồn: Ashui.com) 

Trong cuộc trò chuyện với các đồng  nghiệp ở Hà Nội, KTS Tadao Ando đã giới thiệu một công trình nhỏ bé, kê đủ vài hàng ghế - Nhà thờ Ánh sáng, tác phẩm đã có vị trí  xứng  đáng trong di sản không gian kiến trúc nhân loại. KTS nhắn nhủ: “Cho dù đặt ở những vùng miền hẻo lánh tới đâu, ở quy mô kích thước khiêm tốn tới mức nào – thì thông qua mỗi tác phẩm, ngưòi KTS đều có khả năng và sứ mạng phát đi cái tín hiệu sáng tạo với Thế giới”. Ông là "người quét đường" kiên định, không ngừng nghỉ ở mỗi khúc quanh, vì nơi cuối nẻo xa kia có tia nắng thúc giục bước tới.


Giáo đường Ánh Sáng, Osaka 

Trong phố nhỏ, có ngôi nhà nhỏ, trong ngôi nhà có một ông giáo già đang hì hụi tập vẽ trên máy tính. Người hàng phố vẫn thấy ông mỗi sáng đạp nổ cái xe máy cà tàng, ông đi đâu đó lầm lũi, ngơ ngác nhưng để lại sau lưng một chuỗi hình hài ghi dấu chốn thiêng trên các miền đất nước. Những tác phẩm ấy là lằn ranh ước lệ của cõi trần gian với vô tận vô cùng. Nơi dành cho sự tưởng vọng tới thế giới bên kia nhưng trong một khoảnh khắc nào ấy lại có thể đánh thức những khát vọng lớn lao ngay ở thế gíơi bên này. Nhiều người khắt khe, hay không dấu nổi ghen tị cũng phải ngợi ca … vì không thể làm gì được hơn thế nữa - nơi mà công trình ông đã dựng nên. Ông là "người quét rác" âm thầm – không hề vĩ đại mà chỉ là ngưòi quét tốt nhất những nẻo đường mà nhân duyên đưa đẩy ông đến, những con đưòng mới mẻ tinh khôi và cả những đoạn đường nham nhở mà ai đó đã vô tâm đào bới rồi bỏ đấy mà đi. 


Ở nơi nào Hà Nội ? 

Cũng phải kể rằng nơi ta đang sống, không ít người quét đường đã vứt chổi đi, rồi đứng đó hùng hồn chê bai bụi bặm phố phường, đôi khi họ còn huyên thuyên về con đường tươm tất đâu đó nơi phưong trời xa lắc. Còn có nhiều hơn những người quét đường chỉ cầm chổi hờ hững, lẩn tránh bỏ qua đoạn trường gồ ghề, chông gai để nhanh nhẹn chạy tới những đoạn trơn nhẵn mà hối hả ra tay.

Bên Hồ Gươm, nghĩ về "Người quét đường"...

Trần Huy Ánh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo