Charlotte Perriand - nữ thiết kế phi thường

Thứ sáu, 21 Tháng 9 2012 22:01 Kiến trúc & Đời sống
In

Một nhà thiết kế nội thất có sức ảnh hưởng lớn nhất đến thời kỳ mở đầu của trào lưu hiện đại, người có công giới thiệu vẻ đẹp của “kỷ nguyên máy móc” đến với nghệ thuật nội thất thông qua những sản phẩm nội thất làm từ thép, nhôm và thuỷ tinh, cộng tác đắc lực của huyền thoại Le Corbusier vào cuối những năm 1920 và 1930, không ai khác hơn đó chính là Charlotte Perriand.  

Charlotte Perriand Sinh ra vào năm 1903, tuổi thơ của Perriand lưu giữ Paris hào nhoáng, nơi bà sống với cha mẹ là những người thợ may và đan xen là ký ức về vùng quê bạt ngàn núi non nơi Perriand thường về thăm ông bà ở Savoie. Vào năm 1920, bà theo học tại trường Ecole de l’Union Centrale des Arts Décoratifs trong 5 năm. Thất vọng với những bài học dựa trên nền tảng thủ công và phong cách Beaux-Arts được học tại trường, Perriand bắt đầu tìm cảm hứng trên nét đẹp máy móc của xe máy, xe hơi và những chiếc xe đạp mà bà thường thấy trên đường phố Paris. 

Sau khi tốt nghiệp một năm, Perriand kết hôn và chuyển vào căn gác xép thuê của người chồng trên đường Place Saint-Sulpice ở Paris. Sau khi tiếp nhận căn hộ, bà đã biến căn phòng lớn nhất trở thành một quán bar được cấu trúc bởi kim loại và thuỷ tinh. Dũng cảm từ chối công việc tại những nhà máy sản xuất đồ nội thất thủ công tại Faubourg Saint-Antoine, bà tuyệt vọng tìm kiếm những công việc khác để chờ thời cơ bước chân vào ngành thiết kế đồ gỗ nội thất, Perriand còn định theo học ngành nông nghiệp trong thời điểm khó khăn cho đến khi một người bạn gợi ý với bà hai quyển sách được viết bởi Le Corbusier, đó là Hướng về một nền kiến trúc xuất bản năm 1923 và Nghệ thuật trang trí ngày nay xuất bản năm 1925. Perriand đã phấn khởi đến mức tìm cách có được một cuộc gặp với Le Corbusier nhằm cố gắng thuyết phục ông nhận mình vào làm việc. 

Sống trong một gia đình có cha và mẹ đều là thợ may, Charlotte Perriand quyết tâm theo đuổi sự nghiệp thiết kế và kiến trúc khi hầu hết phụ nữ vào thời đó đều tuân theo một cuộc sống an ổn với các nghĩa vụ bên trong ngôi nhà của cha mẹ họ hay gia đình chồng tương lai. 

Cộng tác với Le Corbusier và Piere Jeanneret, Perriand đã phát triển dòng ghế dựa làm từ những ống thép, những chiếc ghế ấy vẫn đang được bán cho đến hôm nay và đã được chào đón như một biểu tượng của kỷ nguyên máy móc. Chúng xứng đáng là tác phẩm để đời của bà. Perriand miệt mài trong studio của Le Corbusier qua một thập kỷ và sau đó hợp tác với nghệ sĩ Fernand Leger và nhà thiết kế đồ nội thất Jean Prouvé. Bà tiếp tục là nhân vật ảnh hưởng đến trào lưu thiết kế hiện đại cho đến khi lìa đời vào năm 1999, được vinh danh là một trong số ít phụ nữ đạt thành công rực rỡ trên lĩnh vực mà nam giới đang thống trị. 

Ở độ tuổi 24, Charlotte Perriand đã dám sải bước vào studio của Le Corbusier tại số 35 Rue de Sèvres ở Paris vào năm 1927, để hỏi xin một công việc nhưng chỉ nhận được một câu trả lời ngắn ngủi: “Chúng tôi không cần thợ thêu gối”. Vài tháng sau, chính Le Corbusier phải hối hận vì hành động của mình. Sau khi được người em họ Pierre Jeanneret đưa đi tham quan bar Salon D’Automne do bà thiết kế với thép, thuỷ tinh và nhôm, Le Corbusier đã đích thân mời bà về làm việc tại studio của mình. Perriand đã đưa các nguyên lý của Le Corbusier vào thực tiễn bằng cách phát triển ba chiếc ghế với khung làm từ những ống thép mạ crom cho hai công trình của ông vào năm 1928, đó là Maison La Roche, một ngôi nhà được ông thiết kế ở Paris và một khuôn viên giải trí nằm bên ngoài biệt thự ngoại ô cho hai khách hàng người Mỹ là Henry và Barbara Church. Theo như yêu cầu của Le Corbusier, ba chiếc ghế phải phục vụ cho ba mục đích sử dụng khác nhau, một chiếc được thiết kế cho “những cuộc chuyện trò”, đó là B301 với tay vịn dạng dây quai, chiếc kia dành cho “thư giãn” với thiết kế hình vuông, mập mạp, bọc bằng da; chiếc còn lại dành cho giấc ngủ, đó là chiếc ghế dài có phần lưng dựa đầy mời gọi. Lấy cảm hứng từ những chiếc đi-văng kiểu thế kỷ 18 với những đường cong gợi cảm, chiếc ghế dành cho giấc ngủ chính là chiếc B306 Chaise Lounge kinh điển. Perriand đã quảng cáo ghế bằng hình ảnh bản thân bà trong tư thế nằm vắt chéo chân, diện chiếc váy khá ngắn đối với thời đại ấy, trên cổ đeo một sợi dây chuyền làm từ những viên bi bạc đạn trong công nghiệp. 

Làm việc với Le Corbusier giúp Perriand thấm nhuần các phương thức rèn luyện khắc nghiệt để trở thành một nhà thiết kế thực thụ. “Nét bút chì dù nhỏ nhất cũng phải có điểm nhấn”, bà luôn ghi nhớ những điều đó. Bà tin rằng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì các sản phẩm nội thất phải dựa vào hình thức sản xuất hàng loạt mới có thể đạt giá thành phù hợp. Bà đã cố gắng thuyết phục công ty Peugeot của Pháp đồng ý sử dụng ống thép trong ngành sản xuất xe đạp để sản xuất đồ nội thất. Tuy nhiên, Peugeot đã từ chối và sau đó bà thuyết phục thành công hãng Thonet – nhà sản xuất ghế gỗ yêu thích của Le Corbusier. Hãng này đã sản xuất một loạt sản phẩm nội thất theo tiêu chí của bà cho Salon d’Automne vào năm 1929. 

Tại triển lãm những thiết bị và vật dụng cho nhà ở, Salon d’Automne được lắp đặt dưới dạng một căn hộ tiêu biểu tầm nhìn của sự sang trọng mang phong cách hiện đại. Nền nhà thuỷ tinh sáng loáng, khúc xạ ánh sáng từ dưới sàn nhà cho đến tận trần nhà cũng làm bằng thuỷ tinh. Mỗi chiếc ghế trong nhà đều làm từ kim loại bọc da hoặc vải bạt. Mặt bàn làm từ kính trong suốt và Perriand đã sắp đặt các luồng ánh sáng hợp lý, chế tạo vách ngăn di động để tối đa hoá chức năng của căn hộ, đồng thời tách biệt giữa không gian sống và không gian lưu trữ vật dụng. Bà không quên để ý đến từng chi tiết mềm mại tạo sức hấp dẫn khi tiếp xúc như những bộ lông thú trải trên giường và phòng tắm.

Những năm tiếp theo, cuộc hôn nhân của Perriand đổ vỡ nên bà chuyển về sống tại một căn gác nhỏ ở Montarnasse, nơi bà có thể trèo khỏi cửa sổ phòng tắm để tập thể thao trên sân thượng. Trở về thời kỳ độc thân cùng những người bạn và đồng nghiệp tại studio của Le Corbusier, bà đã du lịch đến nhiều quốc gia để trượt tuyết, bơi lội và đi bộ đường dài. Bà cũng đến Moscow và Athens để tham dự hội nghị Congrès Internationaux d’Architecture Moderne (CIAM) dành cho giới nghệ sĩ theo đuổi trường phái hiện đại. Trong suốt những năm 1930, bà đã đưa sản phẩm nội thất và sản phẩm gia dụng trở thành những yếu tố không thể thiếu cho sự thành công của những công trình kiến trúc gắn liền với Le Corbusier bao gồm cư xá đại học của sinh viên quốc tế tại Cité Universitaire và trụ sở chính của Cứu Thế Quân tại Paris cùng những căn hộ nằm trong các toà nhà hàng đầu trên đường Rue Nungesseret Coli. 

Sự nghiệp của bà tiếp tục thăng hoa vào giữa thập niên 1930, khi bà bắt đầu thử nghiệm với vật liệu thô như gỗ và mây, lấy cảm hứng từ những sản phẩm nội thất bản địa mà bà thường thấy ở Savoie. Những vật liệu tưởng chừng lạ lẫm và khá thô sơ so với những vật liệu bà từng yêu thích trước đây như thuỷ tinh hay kim loại, nhưng Perriand đã tin rằng chúng có thể giúp bà tìm thấy mục tiêu sáng tác mới, đó là phát triển hàng loạt dòng sản phẩm nội thất đa năng nhưng vẫn phù hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng. 

Vào năm 1937, Perriand rời studio của Le Corbusier để cộng tác với Fernand Leger tại một gian hàng đặt ở triển lãm Paris năm 1937 và sau đó bà làm việc cho một khu nghỉ dưỡng vào mùa đông tại Savoie. Khi thế chiến thứ hai nổ ra, bà đã quay lại Paris để cùng Pierre Jeanneret và Jean Prouvé thiết kế những toà nhà đúc bằng những khối nhôm kiên cố. Đến năm 1940, một người bạn từ Studio rue de Sèvres đã sắp xếp cho bà một chuyến du lịch đến Nhật Bản với chức danh cố vấn thiết kế công nghiệp cho bộ Công thương. Perriand lên thuyền từ Marseilles để cập bến Nhật Bản, bà đã đưa ra rất nhiều lời khuyên giúp chính phủ Nhật phát triển thiết kế chuẩn mực cho ngành công nghiệp Nhật Bản, để nước Nhật có thể phát triển sản phẩm xuất khẩu cho các nước phương Tây. Khi Nhật Bản tham gia thế chiến với tư cách đồng minh của Đức, bà mong muốn trở về Pháp nhưng thất bại bởi tình trạng bao vây của hải quân và phải lưu lạc đến Việt Nam từ năm 1942 – 1946. Trong những năm tháng tha hương tại Việt Nam, Perriand đã học được nghề mộc và nghề dệt. Bà cũng kết hôn với người chồng thứ hai là Jacques Martin và sinh ra cô con gái Pernette. 

Trở về Pháp, Perriand phục hồi lại sự nghiệp của mình. Dự án đầu tiên đánh dấu ngày trở lại là một resort tại khu trượt tuyết, đến năm 1947, bà làm việc với Fernand Leger cho một công trình bệnh viện và sau đó với Le Corbusier tại công trình Nhà ở xã hội Unité d’Habitation, Marseilles. Kinh nghiệm có được ở Nhật Bản và Việt Nam tiếp tục ảnh hưởng đến phương hướng sáng tác của bà, bà đã kết hợp rất nhiều thành phần chức năng trong nội thất Nhật Bản như cửa kéo để phân chia khu vực không gian, lồng ghép sự tinh tế mang phong cách Đông Dương bằng cách sử dụng vật liệu mang đậm hơi thở của tự nhiên như gỗ và tre. Những đề tài độc đáo đó tiếp tục xuất hiện trong rất nhiều dự án tầm cỡ xuyên suốt sự nghiệp về sau của bà như khu nghỉ dưỡng Méribel và toà nhà Liên hiệp quốc ở Geneva, văn phòng xây mới của hãng hàng không Air France tại London, Paris và Tokyo.

Bà hoạt động năng nổ trong suốt khoảng thời gian này cho đến những ngày cuối cùng trong cuộc đời. Danh tiếng của bà lan xa sau công trình bảo tàng Nghệ thuật trang trí mang phong cách retro ở Paris và một buổi triển lãm vào năm 1998 tại bảo tàng Nghệ thuật thiết kế. “Điều quan trọng nhất là bạn cần công nhận lý do khiến trào lưu hiện đại thành linh hồn của mọi nhu cầu, sự chuyển mình của thiết kế hiện đại dựa trên lợi ích đã được phân tích bằng khoa học chứ không phải chỉ là một phong cách đơn thuần”. Charlotte Perriand khẳng định điều đó trong bài phỏng vấn cuối cùng của bà và kết thúc bằng câu nói bất hủ: “Chúng tôi đã làm việc cùng lý tưởng”. 
 

Tác phẩm tiêu biểu:

B306 Chaise Longue, thiết kế năm 1928 cho Cassina. Được truyền cảm hứng bởi những đường cong thanh thoát của những chiếc đivăng kiểu Pháp vào thế kỷ 18. Chiếc ghế là một tổng thể chặt chẽ của những thanh thép nhưng lại có vẻ ngoài quá đỗi mềm mại khi được bao phủ bằng lông ngựa và da thuộc. Trong hồi ức của Le Corbusier, ông nói về chiếc ghế như sau: “Khi nhìn thấy nó, tôi hình dung ngay một chàng cao bồi đến từ miền Viễn Tây, môi ngậm tẩu thuốc, gác chân lên bệ lò sưởi và thốt lên: Nghỉ ngơi thôi!”.

Ngày nay B306 Chaise Lounge vẫn là sản phẩm mà ai cũng ước ao được sở hữu. Mang tên gọi mới LC4, chiếc ghế hiện phân phối bởi nhãn hàng nội thất danh tiếng Cassina.

B301 reclining chair

Nếu B306 là chiếc ghế dành cho “nghỉ ngơi” thì B301 là chiếc ghế dành cho “chuyện trò” và Grand Confort dành cho “thư giãn” nằm trong bộ ba sản phẩm nổi tiếng được Charlotte Perriand thiết kế theo định hướng của Le Corbusier cho khách hàng vào năm 1928.

B301 reclining chair, chiếc ghế có kết cấu khoa học với lưng tựa thoải mái và tay vịn có hình dáng như những sợi dây curoa của xe đạp hoặc xe máy.

Grand Confort Armchair

Và trong bộ ba tất nhiên không thể thiếu Grand Confort Armchair – chiếc ghế bệ vệ, vuông vắn và mềm mại đến mức người ta chỉ muốn lao vào trong vòng tay êm ái của nó ngay lập tức.

Ghế Swivel

Thập niên 1920 được giới phân tích gọi là “thế kỷ của những chiếc ghế” bởi vì ngoài tác phẩm bất hủ như bộ ba (B306 Chaise Lounge, B301 và Grand Confort), Charlotte Perriand còn cùng Le Corbusier sáng tác chiếc ghế Swivel cũng trong giai đoạn này. Bên cạnh những chiếc ghế lẫy lừng kể trên, Swivel trông có vẻ khá khiêm tốn với thiết kế đơn giản dành cho không gian làm việc hoặc phòng ăn. Tuy nhiên, dưới sự chỉ dẫn của Le Corbusier và sức sáng tạo của Charlotte Perriand, ẩn sau vẻ ngoài tưởng chừng khô khan ấy lại là cả một phát minh trong cách thức phối hợp vật liệu. Kiểu dáng hoàn toàn thực tế của một chiếc ghế văn phòng đã được Charlotte Perriand biến đổi ngấm ngầm, từ chỗ ngồi êm ái được bọc bởi loại da thượng hạng cho đến lưng ghế được thêm thắt phần tựa lưng tiện nghi mà bà cho rằng được thiết kế theo hình dáng “của những chiếc lốp xe máy”. 

Tokyo Outdoor

Sau khi đến Nhật Bản vào năm 1940, bà nhanh chóng nhận ra tiềm năng vô giá của cây tre đối với ngành công nghiệp nội thất. Trên phương diện chế tạo, tre là một loại chất liệu có thể sử dụng cho cả sản phẩm nội thất và ngoại thất. Trên phương diện sáng tạo, những sản phẩm làm từ tre luôn đem lại vẻ đẹp hiện đại, sang trọng và phong thái tự nhiên không hề phai tàn cùng thời gian. Đó là lý do bà đã cải tiến kiểu dáng của B306 để cho ra đời chiếc ghế làm từ tre mang tên “Tokyo Outdoor”. Mặc dù đã có khi bị xem như một phiên bản sao chép của chiếc ghế huyền thoại B306, chiếc ghế dài bằng tre này đã chứng tỏ được sự khác biệt và nội lực mạnh mẽ của riêng mình. 

Sau khi đến Nhật Bản vào năm 1940, bà nhanh chóng nhận ra tiềm năng vô giá của cây tre đối với ngành công nghiệp nội thất. Trên phương diện chế tạo, tre là một loại chất liệu có thể sử dụng cho cả sản phẩm nội thất và ngoại thất. Trên phương diện sáng tạo, những sản phẩm làm từ tre luôn đem lại vẻ đẹp hiện đại, sang trọng và phong thái tự nhiên không hề phai tàn cùng thời gian. Đó là lý do bà đã cải tiến kiểu dáng của B306 để cho ra đời chiếc ghế làm từ tre mang tên “Tokyo Outdoor”. Mặc dù đã có khi bị xem như một phiên bản sao chép của chiếc ghế huyền thoại B306, chiếc ghế dài bằng tre này đã chứng tỏ được sự khác biệt và nội lực mạnh mẽ của riêng mình. 

Nhật Bản chắc chắn không thể quên những cống hiến lớn lao của Charlotte Perriand đối với ngành thiết kế nội thất ở nước họ. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa tố chất nghệ thuật và tư duy logic trong thiết kế công nghiệp, những sản phẩm nội thất dù được bà thiết kế để phục vụ cho chiến lược đổi thay của ngành công nghiệp sản xuất nhưng vẫn phù hợp hài hoà với văn hoá và lối sống hay nếp nhà của người dân. 

Kệ sách và Refolo

Quay trở lại Pháp sau nhiều năm lưu lạc, bà không mất quá nhiều thời gian để tái khẳng định danh tiếng của chính mình và kệ sách “Mexique Bookcase” mà bà cùng Jean Prouvé đã thiết kế cho khoa Mexico thuộc đại học Cite là một trong những tác phẩm đột phá cho sự trở lại đầy ngoạn mục vào năm 1953. 

Ghế Ombre Chair Thâm tình giao hảo giữa Perriand và nước Nhật vẫn còn tiếp nối và là động lực để bà cho ra đời chiếc ghế Ombre Chair vào năm 1954. Đây là tác phẩm thiết kế cho triển lãm Nghệ thuật tổng hợp tại Takashimaya, Nhật Bản. Phiên bản đầu tiên của chiếc ghế làm từ gỗ tự nhiên của Nhật và đã tạo nên sức hút lan toả khắp thế giới. Đó cũng chính là lý do bà đã sáng tạo thêm một phiên bản nữa cho nước Pháp vào năm 1956. 

 
Dù nhìn ở góc độ nào thì chiếc ghế cũng toả ra sức hút đầy sáng tạo được kết tinh từ tâm huyết của một nghệ sĩ tài hoa (ảnh trái) / Perriand chuyển hướng sang thiết kế những sản phẩm mang màu sắc và hơi hướng đồng quê vào những năm 1960 (ảnh phải). 

 
Swivel có khung ghế tựa như một mô tả trừu tượng của một chiếc bánh xe với khung, căm kết nối trên trục của bốn chân ghế, tất nhiên, đặc biệt hơn cả vẫn là lưng ghế uốn cong hệt như chiếc lốp căng tròn (ảnh trái) / Chiếc ghế là mơ ước của Charlotte Perriand về một “kỷ nguyên máy móc” không hề cứng nhắc như người ta đã từng lầm tưởng (ảnh phải).

 
Sáng tạo dựa trên những điều đã quá quen thuộc, mỗi ngăn kệ chứa đựng tinh hoa của một tâm hồn phong phú trong thiết kế. Kệ sách được làm bằng khung gỗ tự nhiên với những điểm nhấn là các ô màu đen, màu trắng, màu đỏ au của gỗ và màu xanh da trời. Những màu sắc này khi kết hợp lại với nhau, tự chúng đã gợi trong tâm trí người xem một sự liên tưởng mật thiết đến nước Mexico mà không cần bất cứ ngôn từ nào diễn tả (ảnh trái) / Vào năm 1953, Charlotte Perriand đã thiết kế một sản phẩm nội thất đa năng mang tên Refolo. Dựa trên ứng dụng mô-đun, bộ sofa này có thể thêm hoặc bớt những tấm nệm để được dùng như một chiếc bàn thấp, ghế dài hoặc đi-văng (ảnh phải). 

 
Những chiếc ghế bar bà thiết kế cho khu trượt tuyết nghỉ dưỡng “Les Arcs” vào năm 1960 cũng là một trong những tác phẩm đáng ca ngợi. Khung ghế làm bằng Chrom sáng bóng với bề mặt bọc da màu rượu Cognac. Khi phong cách Vintage đang làm mưa làm gió ở cả lĩnh vực nội thất và thời trang như hiện nay, những chiếc ghế này đặc biệt được yêu thích trên toàn thế giới (ảnh trái) / Bàn Plana và ghế Refolo (ảnh phải).

 
Tinh thần làm việc và sức sáng tạo không ngơi nghỉ của Charlotte Perriand luôn khiến các đồng nghiệp nam phải kính nể. Vào năm 1969, bà tiếp tục giới thiệu trước công chúng chiếc bàn mang phong cách đương đại Plana. Thoạt nhìn, chiếc bàn có vẻ ngoài đơn giản với những thành phần cơ bản được tiết giảm gần như tối đa nhưng khi nhìn kỹ, ta sẽ phát hiện những đường cắt sắc sảo ở mặt bàn và chân bàn, tạo cho tác phẩm vô số cảm nhận khác nhau khi được chiêm ngưỡng từ nhiều góc độ (ảnh trái) / Và cuối cùng, không thể không nhắc đến chiếc bàn Ventaglio – tác phẩm độc đáo được bà thiết kế cho căn nhà gỗ của bà tại Pháp. Sự kết hợp giữa yếu tố nghệ thuật và ứng dụng công nghiệp không bao giờ vắng bóng trong các sản phẩm của Charlotte Perriand. Bà đã táo bạo thiết kế mặt bàn dựa trên ý tưởng về những mảnh ván sàn chắp vá mà ta thường thấy ở một góc khuất nào đó trong một ngôi nhà (ảnh phải). 

Thanh Thủy (tổng hợp)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: