Kiến trúc sư và Luật Kiến trúc sư

Thứ sáu, 20 Tháng 4 2012 00:21 Ashui.com
In

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, với sự xuất hiện của một số kiến trúc sư (KTS) người Việt tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, đã đánh dấu một bước quan trọng của nền kiến trúc nước nhà. Lần đầu tiên, nước ta có KTS.

Và cũng từ đây, người Việt Nam bắt đầu làm quen với kiến trúc qua bản thiết kế. 18 năm sau, tháng 4/1948, tại chiến khu Việt Bắc, Đoàn KTS Việt Nam, tiền thân của Hội KTS Việt Nam được thành lập theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư gửi Hội nghị, Bác đã khẳng định “việc kiến trúc là việc rất quan hệ” và Người căn dặn KTS “phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công”. Từ đó đến nay, trải qua biết bao khó khăn, thử thách, đội ngũ KTS ngày một trưởng thành, góp phần to lớn vào sự nghiệp kiến thiết đất nước và phát triển nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc.

Hơn 60 năm qua, kể từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đặc biệt là trong 30 năm đổi mới, kiến trúc có điều kiện phát triển và đạt được những thành tựu to lớn. Một hệ thống hơn 760 đô thị trải đều từ Bắc xuống Nam, từ đồng bằng đến miền núi, biển đảo. Bộ mặt kiến trúc nước nhà không ngừng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng mọc lên. Hàng vạn công trình kiến trúc mới, hiện đại được xây dựng. Ngày hôm nay, những tòa nhà cao hàng chục, thậm chí hơn trăm tầng đã không còn là xa lạ với chúng ta. KTS Việt Nam bước đầu đã vươn lên để sáng tạo những tác phẩm kiến trúc không chỉ có quy mô lớn, phức tạp mà còn mang phong cách mới của thời đại.

Tuy nhiên, nhìn lại toàn cảnh diện mạo kiến trúc hôm nay, bên cạnh những thành tựu to lớn về vật chất mà chúng ta đã xây dựng nên, thì còn rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Đó là sự thiếu đồng bộ trong phát triển kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Chúng ta xây dựng nhiều nhưng rất ít công trình đẹp. Các đô thị phát triển nhanh nhưng kiến trúc manh mún, lộn xộn, nghèo nàn về hình thức. KTS được đào tạo nhiều, nhưng không tinh, rất ít KTS giỏi, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và ảnh hưởng để tạo dựng nên các trường phái hay phong cách. Trong xu thế hội nhập quốc tế, KTS của chúng ta thiếu sự chuẩn bị đầy đủ về hành trang để có thể hòa nhập cùng đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta luôn bị động, nếu không nói là bị yếu thế trước sự xâm nhập của kiến trúc quốc tế. Nền kiến trúc nước nhà đang có nguy cơ bị quốc tế hóa và mất dần bản sắc. Đó là một thực tế đáng báo động. Thực trạng trên không thể không có trách nhiệm của KTS.


Diện mạo đô thị Việt Nam sẽ đẹp hơn khi chúng ta có Luật kiến trúc sư? (minh họa: Ashui.com)

Kiến trúc là một lĩnh vực đặc thù, vừa mang tính nghệ thuật và kỹ thuật. Công việc của KTS là tạo dựng không gian ở cho con người và môi trường sống cho xã hội. Sản phẩm của KTS là sản phẩm đặc biệt, từ một ngôi nhà ở đến một đô thị, một quần cư… tất cả đều tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế văn hóa xã hội của đất nước. Sứ mệnh của KTS rất cao cả, trách nhiệm của KTS trước nhân dân, trước xã hội rất lớn lao. Thế nhưng, từ trước đến nay, hành nghề của KTS hầu như không bị ràng buộc bởi hành lang pháp lý. Trách nhiệm của KTS trước xã hội chưa được luật hóa, chỉ được đo bằng giá thiết kế phí. Quyền lợi của KTS khi hành nghề cũng không được đảm bảo, mà hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đầu tư. KTS hành nghề trong một môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh. Sự đánh giá chất lượng của sản phẩm kiến trúc hầu như do chủ đầu tư quyết định, điều này đã dẫn đến sự cào bằng trong hành nghề KTS. Trong khi đó, Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt đã chỉ rõ “phải hoàn thiện cơ chế hành nghề KTS trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt chế độ KTS đăng ký; quy định đạo đức người đăng ký, năng lực nghề nghiệp xin đăng ký, trình tự thủ tục đăng ký, quy định chế độ hành nghề KTS…”. Hiện nay, Việt Nam đã và đang tiếp tục đường lối đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Nước ta đã gia nhập ASEAN, WTO và nhiều tổ chức trên thế giới. Hội KTS Việt Nam là thành viên của Liên hiệp KTS quốc tế UIA từ những năm 1980 và gần đây là Hiệp hội KTS châu Á (ARCASIA). Hầu hết các nước tham gia tổ chức này đều đã có Luật KTS hay còn gọi là Luật Hành nghề KTS.


(ảnh minh họa)

Ngày nay, chúng ta đã có đến 17 nghìn KTS, trong đó có hơn 4 nghìn người là hội viên Hội KTS Việt Nam, đây là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng là kim chỉ nam để phát triển nền nghệ thuật kiến trúc nước nhà trong thời kỳ mới. Là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của giới KTS, Hội KTS Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của Luật KTS đối với tương lai phát triển của nền kiến trúc. Luật KTS sẽ điều tiết: Trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của KTS trong hành nghề; Xây dựng đạo đức hành nghề; Xây dựng tổ chức quản lý hành nghề; Là cơ sở để thực hiện lộ trình đào tạo KTS từ trong nhà trường đến bồi dưỡng nâng cao năng lực cho KTS trong hành nghề; Đảm bảo quyền lợi của KTS tương ứng với giá trị của sản phẩm sáng tạo ra…

Sự ra đời của Luật KTS thể hiện tính dân chủ, công bằng, minh bạch và trách nhiệm không chỉ cá nhân KTS mà còn với các tổ chức sử dụng sản phẩm sáng tạo của KTS, tất cả đều xuất phát vì lợi ích chung của nhân dân, của xã hội và sự phồn vinh của Tổ quốc.

Vừa qua, chủ trương xây dựng Luật KTS do Hội KTS Việt Nam khởi xướng đã nhận được sự đồng thuận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi để có cơ sở xây dựng đề án Luật KTS trình Chính phủ và Quốc hội. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của Chính phủ và Quốc hội Luật KTS sẽ sớm được đưa vào chương trình soạn thảo Luật của Quốc hội, để trong một thời gian không xa, Luật KTS được ban hành sẽ là động lực để thúc đẩy nền kiến trúc nước nhà phát triển trong thời kỳ mới hiện đại giàu bản sắc và hội nhập quốc tế.

KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: