Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Kiến trúc sư Eero Saarinen

Kiến trúc sư Eero Saarinen

Viết email In

Tôi luôn thiết kế một thứ bằng cách xem xét tương quan của nó với một khung cảnh lớn hơn – một chiếc ghế trong một căn phòng, một căn phòng trong một ngôi nhà, một ngôi nhà trong một môi trường, một môi trường trong tổng thể của thành phố”, Eero Saarinen.  

Eero Saarinen sinh ra tại Kirkkonummi, Phần Lan. Là con của kiến trúc sư kỳ cựu người Phần Lan Eliel Saarinen, Eero Saarinen có những tố chất được thừa hưởng từ người cha để trở thành một trong những nhà thiết kế nổi tiếng của thế kỷ 20. Ông theo gia đình định cư tại Mỹ vào năm 13 tuổi tại Bloomfield Hills, bang Michigan nơi mà cha ông giảng dạy ở học viện Nghệ thuật Cranbrook. Tại nơi đây, ông đã học về điêu khắc và thiết kế đồ nội thất. Eero Saarinen cũng quen với các bạn học là nhà thiết kế nổi tiếng cùng thời như Charles và Ray Eames, ông trở thành bạn thân của nhà thiết kế Florence Knoll. Sau khi hoàn thành khoá học tại học viện, ông tiếp tục học kiến trúc tại đại học Yale quyết định khởi nghiệp là kiến trúc sư cùng với người cha của mình. Công trình thiết kế của ông luôn có yếu tố tạo hình và điêu khắc theo chủ nghĩa biểu hiện và mạch lạc, rõ ràng của chủ nghĩa Công năng châu Âu. 

Cuộc đời ngắn ngủi của một trong những nhà thiết kế vĩ đại thế kỷ 20 đã chứng minh ông là một nghệ sĩ tạo hình kỳ diệu. Cái chết sớm ở tuổi 51 đã chấm dứt một sự nghiệp lẫy lừng mà việc tìm kiếm phong cách cá nhân đang nở rộ thời đó. Bằng những công trình và thiết kế để đời của mình, ông đã góp phần không nhỏ vào việc định hình cũng như sự chuyển hướng nền kiến trúc nửa sau thế kỷ 20. Ông là nhà thiết kế, nghệ sĩ, kiến trúc sư tiên phong của chủ nghĩa Tân biểu hiện trong nền kiến trúc hiện đại của Mỹ cũng như của thế giới. 
 

Một số tác phẩm kiến trúc tiêu biểu

Trung tâm kỹ thuật General Motor, Warren, Michigan, Mỹ 1955. Trung tâm nghiên cứu của hãng General Motors do hai cha con Saarinen cùng hợp tác thiết kế. Đây là một trong những công trình quan trọng trong thập niên 1950 của thế kỷ 20 và cũng là tác phẩm cuối cùng của cha ông Eliel Saarinen. Sau khi ông mất, Eero Saarinen hoàn thành nốt công trình này. 

Giảng đường Học viện Massachusetts, Cambridge, Mỹ, 1955. Eero Saarinen bắt đầu tìm hướng sáng tạo riêng cho phong cách của mình bằng tìm kiếm đường cong trong ngôn ngữ kiến trúc. Năm 1955, ông xây dựng giảng đường của học viện Massachusetts ở Cambridge, Mỹ. Công trình có hình thức kiến trúc và kết cấu khác thường, mặt bằng là một tam giác cong, mái là vỏ mỏng bêtông cốt thép. 

Nhà thờ nhỏ MIT, học viện công nghệ Massachusetts, Cambridge, Mỹ, 1955. Sử dụng thủ pháp hình khối kỷ hà, hình trụ tròn, tạo cảm giác vững chãi, tĩnh lặng và mang tính biểu cảm cao. Từ bên ngoài nhà thờ được làm gạch đơn giản, xung quanh có một con hào nhỏ. Nhà thờ có đường kính 15m và cao 9,1m, phía trên có một ngọn tháp bằng nhôm. Phía dưới một số mái vòm thấp, ông chọn gạch thô và không hoàn hảo để tạo hiệu ứng kết cấu và chất cảm của vật liệu. Toàn bộ công trình được đặt trong rừng cây bạch dương, một dãy tường dài được xây dựng phía đông. Các bức tường tạo một nền tảng thống nhất cho nhà thờ, giúp giảm được tiếng ồn ở các công trình xây dựng xung quanh. Phía bên trong là một không gian ấm cúng, thân mật, bức tường nội thất giống như bên ngoài là gạch thô tạo hiệu ứng khi đèn chiếu xuống. Phần trung tâm của nhà thờ là bục ánh sáng được lấy từ cửa sổ tròn trên mái nhà thờ, ánh sáng tự nhiên chiếu xuống bên trong tác phẩm điêu khắc kim loại của Harry Bertoria. Được xây dựng cùng thời gian và địa điểm với giảng đường học viện Massachusetts. Hai công trình có nhiều vẻ đối lập tạo nên sự khác biệt và tô điểm, hỗ trợ cho nhau. 

 

Nhà thi đấu khúc côn cầu Đại học Yale, New Haven, Connecticut, Mỹ, 1958. Nối tiếp thành công trong những trải nghiệm về đường cong trong ngôn ngữ thiết kế của mình. Nhà thi đấu khúc côn cầu trên băng là một trong những điểm sáng trong sự nghiệp của ông, sự tìm kiếm cách thể hiện công trình theo hướng nghệ thuật tạo hình, công trình gợi hình ảnh một sinh vật khổng lồ với sống lưng uốn cong, cái đầu nhỏ bé ngóc lên, giống như con chim với đôi cánh dang rộng như muốn bay lên. Những hình ảnh ẩn dụ làm cho công trình mang nhiều ý nghĩa của trường phái nghệ thuật Biểu hiện trong kiến trúc hiện đại. Công trình nổi lên mặt đất với phần tường và hành lang bao quanh sân đấu. Tất cả khán đài đều nằm chìm dưới mặt đất. Phần mái gồm một dầm thép chính với hai sườn bêtông chạy song song với mặt đất. Hệ thống dây cáp treo gồm dây căng từ dầm xương sống sườn đai và dây nằm ngang thẳng góc với dây trên, ép lại để giữ ổn định tạo thành một mặt cong. Trên hai hệ dây căng này được lợp các tấm kim loại làm mái công trình. 

Nhà ga hàng không TWA sân bay Kenedy, New York, Mỹ, 1961. Công trình đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của Eero Saarinen với tài năng của mình là ga hàng không TWA tại sân bay Kennedy. Có thể nói đây chính là tuyên ngôn của chủ nghĩa Tân biểu hiện trong nền kiến trúc hiện đại. Thoát khỏi sự gò bó của chủ nghĩa Công năng, với những kiến trúc hình hộp khô khan của một xã hội tiêu thụ thì chủ nghĩa Biểu hiện quay trở lại với cái tên Tân biểu hiện cùng với tên tuổi Eero Saarinen vụt sáng. Với dáng dấp mang ý nghĩa của một con chim khổng lồ dang rộng sải cánh bay lên trời, nhà ga kéo dài 200m bao phủ không gian lớn bao gồm khu tiếp tân, trung tâm thông tin, mua vé, gửi hành lý và các khu kỹ thuật liên quan, toàn bộ được tạo thành các đường cong. Tất cả tạo thành tính nhất quán và cảm giác chuyển động, ông nói rằng: “Tôi muốn tạo cho hành khách sự phấn khích trước một chuyến bay xa”. Đây là nhà ga hàng không xuyên lục địa với những chuyến bay kéo dài, cảm giác hồi hộp, xúc động và lãng mạn được tăng thêm hiệu ứng khi đi trong không gian của công trình này. 

Ga hàng không quốc tế Dulles, Washington, Mỹ, 1962. Một công trình nổi tiếng nữa của Eero Saarinen cũng là một ga hàng không quốc tế tại Dulles, Washington. Nhưng với hệ thống kết cấu khác với ga TWA, hệ thống mái treo móc hai đầu vào hai dãy cột xiên, hai đầu cao thấp khác nhau. Mái cong từ dãy cột cao xuống dãy cột thấp hơn tạo thành đường cong nhẹ nhàng. Cạnh đó là đài chỉ huy sân bay như một cây đèn cổ vững chãi. 

Nhà hát Opera Sydney, Úc, 1970. Eero Saarinen tuy không phải là tác giả của nhà hát Opera Sydney (Úc), nhưng nhờ có ông mà công trình này được xây dựng. Trong cuộc thi thiết kế quốc tế về nhà hát ở Sydney, bản vẽ của Jorn Utzon, kiến trúc sư Đan Mạch đã bị ban giám khảo loại bỏ. Eero Saarinen lúc đó là uỷ viên ban giám khảo. Do ông đến chậm một ngày, khi tới nơi, ông được biết là một số phương án đã bị loại bỏ. Không nản chí, ông lục lại đống bản vẽ đó và bất chợt ông thấy đồ án của Utzon. Sớm nhận ra tính đột phá trong thiết kế và ngôn ngữ kiến trúc của đồ án hết sức đặc biệt này vào thời điểm đó, ông nói rằng: “Đồ án này chính là giải nhất chứ còn phải đi tìm ở đâu nữa”. Với danh tiếng và uy tín của Saarinen, hội đồng đã xem xét lại đồ án nhà hát của Jorn Utzon và đã được trao giải nhất. Sau đó công trình đã được xây dựng ròng rã trong 14 năm vì gặp rất nhiều thách thức về kết cấu, kỹ thuật thi công và trong thời điểm nền kinh tế khó khăn, cũng như dư luận xã hội. Khi hoàn thành vào năm 1970, nhà hát Opera Sydney được đánh giá là một trong những tác phẩm kiến trúc sáng giá nhất thế kỷ 20. 


Một số tác phẩm thiết kế nội thất 

Biệt thự của gia đình Miller, Columbus, Indiana, Mỹ, 1953. Công trình được làm cho gia đình nhà tư bản công nghiệp và cũng là nhà từ thiện nổi tiếng J. Irwin Miller. Căn biệt thự mang đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất vào thời đó. Cấu tạo bằng thép kính, Eero Saarinen đã tổ chức không gian rất hợp lý. Ý định ban đầu của vợ chồng Miller là tạo ra một nơi giải trí để họ có thể sử dụng tiếp khách hàng kinh doanh từ khắp nơi trên thế giới, cũng như là một môi trường để nuôi dạy con cái của họ. Eero Saarinen hợp tác cùng với nhà thiết kế nội thất Alexander Girard và nhà thiết kế sân vườn Daniel Kiley để thực hiện những ý tưởng mà ông đã có trong đầu cho ngôi nhà này. Biệt thự Miller chịu ảnh hưởng của Ludwig Mies Van Der Rohe theo phong cách hiện đại. Mái bằng đá và những bức tường kính, các phòng được tổ chức theo dạng lưới, và căn nhà được hỗ trợ bởi những hộp thép chữ nhật. Năm 2000, nhà Miller trở thành một công trình đầu tiên được công nhận là di sản quốc gia. Sau khi bà vợ mất, nó đã trở thành sở hữu của bảo tàng Nghệ thuật Indiana vào năm 2008. 

Ghế tử cung (Womb chair). Eero Saarinen nói rằng: “Khi tôi tiếp cận một vấn đề kiến trúc, tôi cố gắng tìm ra ý nghĩa thực sự của nó. Bản chất của nó là gì và làm thế nào nắm bắt các cấu trúc tổng thể của nó?” Người bạn thân của ông là Florence Knoll đã đưa ra những thách thức bằng việc tạo ra một chiếc ghế mà cô có thể nằm cuộn tròn trong đó. Ông đã trả lời bằng việc thiết kế bộ ghế này vào năm 1946 cho nhà sản xuất Knoll, bằng việc bỏ qua những khuôn mẫu cũng như luật lệ cũ và tạo dựng chuẩn mực mới cho thiết kế hiện đại. Bộ ghế này có nhiều kích cỡ lớn nhỏ khác nhau nhưng cỡ vừa và nhỏ được sử dụng làm chuẩn. Với cấu tạo cốt thép và khung được đánh bóng mạ crôm, bọc bằng vải và một lớp vỏ sợi thuỷ tinh, chiếc ghế được thiết kế ngồi thoải mái, và ta có thể ngồi lọt trong chiếc ghế mang lại cảm giác an toàn như một đứa trẻ nằm trong bụng mẹ. Đó cũng là lý do tại sao nó được đặt tên khá đặc biệt là ghế tử cung, chiếc ghế này là một mẫu đặc trưng của nhà sản xuất Knoll, những chiếc ghế được sản xuất vào thời điểm hiện tại có kích thước bằng 85% phiên bản gốc, ngoài ra cũng có phiên bản phù hợp cho kích thước của trẻ em. 

Ghế châu chấu (Grasshopper chair). Chiếc ghế mang dáng vẻ vừa cổ điển lại vừa hiện đại với chân ghế được uốn cong khéo léo tạo cảm giác nhẹ nhàng nhưng lại rất vững chãi. Nó được ông thiết kế vào năm 1946 cho nhà sản xuất Knoll. Chiếc ghế châu chấu đầu tiên được ông tạo ra trong những năm 1940 và 1950. Knoll đã sản xuất phiên bản ghế thư giãn và ghế gác chân trong gần hai chục năm và mẫu ghế này dừng sản xuất vào năm 1965. Hiện tại nhà sản xuất Modernica tiếp tục sản xuất vào năm 1995, họ đã cải thiện độ bền của phần kế cấu so với phiên bản gốc và nó trở thành một mẫu thiết kế nổi bật trong gia đình và văn phòng. Mẫu ghế này được cung cấp hơn 60 lựa chọn vải, da và phần gỗ uốn hoàn thiện. Phiên bản gốc vẫn được những nhà sưu tầm tìm kiếm.

Ghế hoa Tulip (Tulip chair). Được Eero Saarinen thiết kế vào khoảng năm 1955 và 1956 cho nhà sản xuất Knoll tại thành phố New York. Nó được thiết kế thành một bộ ghế và bàn ăn, với những đường cong mềm mại theo chủ nghĩa hiện đại và mang tính trải nghiệm với sự kết hợp vật liệu sợi thuỷ tinh, nhôm, vải và da thuộc. Chiếc ghế này được đánh giá là một thiết kế kinh điển của ngành công nghiệp thiết kế và nó được xem là “kỷ nguyên không gian”, một tiếng nói từ tương lai do sự xuất hiện rộng rãi của nó trong những tập phim truyền hình Star Trek nổi tiếng những năm (1966 – 1969). Với hình dáng hữu cơ mềm mại, rất ít những điểm nối, trông nó như một bông hoa tulip kiêu hãnh khoe vẻ đẹp của mình và làm nổi bật mọi không gian đặt bộ ghế này. Có bốn phiên bản ghế tulip, ghế có lưng tựa và ghế có chỗ để tay, ngoài ra còn phiên bản bọc da hoặc bọc vải phần lưng tựa. Thiết kế ngày giúp cho Eero Saarinen giành được giải thưởng nghệ thuật đương đại năm 1969, giải thưởng thiết kế công nghiệp liên bang năm 1969 và giải thưởng tại trung tâm thiết kế Stuttgart năm 1962. Đây có lẽ là mẫu thiết kế nổi tiếng và phổ biến nhất được biết đến của ông. 

Ghế tựa đơn giản (Side chair) 72PSB. Trong bộ sưu tập mang tính đột phá của mình vào năm 1957, Eero Saarinen chuyển hướng phong cách thiết kế của mình bằng việc sáng tạo hình dáng mềm mại như chất lỏng mang tính điêu khắc. Nhận thức được tầm quan trọng của sự thoải mái cho người sử dụng, Saarinen đã trở thành người đầu tiên sử dụng sợi thuỷ tinh để tạo hình dáng cho những chiếc ghế của mình, một vật liệu mềm dẻo để có thể điều chỉnh với trọng lượng cơ thể để cho ta cảm giác thoải mái nhất khi ngồi. Mẫu ghế đơn giản này có phiên bản có tay và không có tay, phần lưng ghế có thể được bọc vải mềm, chân kim loại hoặc gỗ uốn nhiệt hoặc chân có bánh xe và xoay được. Mẫu ghế này lý tưởng cho quán càphê, thư viện, văn phòng tuỳ theo các lựa chọn của từng phiên bản. 

Một số mẫu thiết kế khác: 

 
Bàn nằm trung bộ ghế Tuplip. Phiên bản ghế Tuplip không có lưng tựa.


Ghế tử cung (Womb chair) phiên bản dạng ghế sofa.


Ghế ABS được làm bằng sợi thuỷ tinh tạo hình.

 
Bộ Tulip chair là một trong những bộ bàn ghế nổi tiếng nhất vào thời đó, mang tính đột phá trong việc thiết kế và sản xuất. Poster mang đậm phong cách furturistic (vị lai). 

KILA (tổng hợp) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo