Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Địa phương hoá tính toàn cầu trong kiến trúc bền vững

Địa phương hoá tính toàn cầu trong kiến trúc bền vững

Viết email In

Kiến trúc hiện đại và vật liệu hiện đại đã thổi những luồng gió mới vào nền kiến trúc của tất cả các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những cái được hiển nhiên, một trong những lo ngại mà nó để lại là những dấu vết giống nhau đều khắp. Lo ngại không chỉ ở khía cạnh văn hoá như bản sắc địa phương (identity) mà còn là sự rập khuôn của giải pháp ứng phó với thiên nhiên. Bài học này Nhật Bản đã đi qua. KT&ĐS giới thiệu chia sẻ của ba kiến trúc sư nổi tiếng Nhật Bản tại hội thảo “Sự thống nhất tính toàn cầu và địa phương trong kiến trúc bền vững” nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội KTS TP.HCM vừa qua.

KTS Hiroshi Sambuichi: đặt ngôi nhà giữa “năng lượng quan”


Dự án "Inujima Art Project Seirensho" do KTS Hiroshi Sambuichi thiết kế (nguồn: Ashui.com) 

Là một kiến trúc sư trẻ nhưng nổi tiếng thời gian qua tại Nhật Bản, mở đầu bằng việc trình bày các ý tưởng của mình bằng những công trình đã làm, Sambuichi đã quan sát thiên nhiên kỹ lưỡng để sử dụng các chi tiết mà thiên nhiên vận hành, áp dụng trong những ý tưởng kiến trúc. Ông quan niệm rằng, nếu con người chấp nhận thiên nhiên theo cách của nó thì kiến trúc bám theo thiên nhiên sẽ được con người chấp nhận. Thiên nhiên làm thay đổi vòng tròn cuộc sống bằng năng lượng của nó: xuân hạ thu đông, năng lượng làm thay đổi vật chất, xói mòn nó. Do đó ở một góc nhìn khác, thay vì ta gọi thiên nhiên là “cảnh quan” (landscapes) thì Sambuichi gọi là “năng lượng quan” (energy-scapes). Sambuichi nói về “ánh sáng, gió và nước” (sun, wind, and water) ở khía cạnh như sau: cùng một nơi chịu tác động của nước vẫn khác nhau do tác động của gió khác nhau, ánh sáng khác nhau. Mà cái nhà là vật cản gió, cản nước, cản ánh sáng, do vậy chính tốc độ gió, tốc độ nước, ánh sáng sẽ làm ảnh hưởng hình thức của ngôi nhà và ngược lại. Theo ông, bất cứ vật thể nào cũng tạo ra tốc độ dịch chuyển của các vật chất. Kính đưa ánh sáng vào, làm nóng không khí, chặn không khí; gỗ chứa nước, gạch đá chứa nhiệt độ làm biến đổi tốc độ gió, nước. Ông bám vào ý tưởng này để tạo tác ra tác phẩm kiến trúc của mình.

KTS Tetsuo Furuichi: làm “passive house” là công việc hàng ngày


Ngôi đền đạo Phật giáo Kuhon-ji ở Nagasaki, Nhật Bản (1997-2003) do KTS Tetsuo Furuichi thiết kế (nguồn: Ashui.com)  

Vị kiến trúc sư này từng đoạt giải "Kiến trúc sư trẻ của năm" khi còn làm việc với KTS Kenzo Tange cách nay vài thập niên. Đến nay khi đã hơn 60 tuổi, ông tổng kết công việc của mình khi giới thiệu các công trình của ông với những khái niệm về gió, nước, ánh sáng, đất, trời và vật liệu (wind, water, light, earth, gods and materials). Ông đưa vào trong tất cả công trình của mình những thứ đó như những điểm tựa cho các giải pháp. Có công trình ông lùa gió vào như công trình Pilotis house, có công trình ông chắn gió lại như kiến trúc trung tâm Kazuno dành cho người già. Có công trình ông dùng nước để đưa hơi mát vào nhà từ hướng gió thường có trong năm vào mùa nóng, có công trình ông sử dụng lại gạch claustra (gạch bêtông có lỗ) truyền thống của Việt Nam để thiết kế một công trình tại Việt Nam, bên Hồ Tây, Hà Nội: nhà Công vụ Hồ Tây.

Bằng những liệu pháp “thụ động” (passive), KTS Furuichi đã làm ra hầu hết các tác phẩm dựa trên nền tảng của sự quan tâm, thích nghi với môi trường thiên nhiên xung quanh. Tôi nhận thấy dường như kiến trúc sư này xem việc đưa khái niệm “nhà thụ động” (passive house) vào như một công việc hàng ngày của ông ta.

KTS Osamu Ishyama: bí quyết ở con người và vật liệu địa phương

Osamu Ishyama đã cho thấy việc ông quan tâm đến yếu tố sử dụng vật liệu và con người địa phương trong kiến trúc nhiều như thế nào. Bằng bề dày đồ sộ của khối lượng công việc trong hơn 40 năm làm việc, Ishyama đã khắc hoạ sự tương thích giữa con người sử dụng và kiến trúc trong tất cả các trường hợp. Ví dụ như nhà bảo tàng cho người mù, ông không sử dụng ánh sáng mà bắt người xem phải chia sẻ bóng tối với người mù. Nhà lưu niệm Hiroshima – Phnom Penh sử dụng gạch sàn của Việt Nam, gạch tường của Campuchia, bêtông để trần và gạch bốn lỗ gợi hình ảnh hốc mắt của sọ người bị diệt chủng và nhiều chi tiết đầy triết lý khác.

  • Ảnh bên: Hiroshima House, Phnom Penh, Campuchia do KTS Osamu Ishyama thiết kế (nguồn: Ashui.com)

Làm sao tránh được đường vòng?

Qua hội thảo vừa rồi, bản thân tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp rằng, thực ra chúng ta cũng đã được đào tạo để làm kiến trúc bền vững bằng những khái niệm thông gió tự nhiên, ánh sáng tự nhiên, xử lý nguồn thải tự nhiên v.v. Nhưng dường như làn sóng hiện đại trong kiến trúc đã làm ta quên đi hoặc ỷ lại vào kỹ thuật, nên dần dần kiến trúc hiện đại của chúng ta cũng dần mang dáng dấp và các giải pháp lạnh lùng kiểu phương Tây. Và khi sử dụng kiến trúc phương Tây, thì ta lại phải tốn công sức, tiền của để giải quyết môi trường của nó bằng phương pháp nhân tạo là sử dụng máy móc thiết bị.

Bài học này Nhật Bản đã đi qua. Họ phải đi đường vòng để tìm ra cái họ đang có sẵn. Và họ may mắn có một thế hệ kiến trúc sư tỉnh táo để giải quyết lại vấn đề.


Resort Mango Bay (Phú Quốc) do KTS Dương Hồng Hiến thiết kế năm 2003. Hiện resort này được đưa vào hệ thống chào khách toàn cầu của các công ty du lịch và được du khách phương Tây đánh giá cao về tính địa phương trong kiến trúc. Ở đây, kiến trúc sư giữ nguyên trạng rừng nguyên sơ, không làm lối đi nhân tạo, chỉ làm đường mòn. Tường nhà làm bằng đất sỏi Phú Quốc trộn 5% xi măng theo phương pháp “chình tường”. Nền nhà là đất nện, thiết bị vệ sinh cũng có nguyên liệu từ đất địa phương.


(Ảnh: Hải Đông)

Với kinh nghiệm của các kiến trúc sư Nhật Bản, liệu ta có cách nào để rút ngắn được con đường đang mày mò? Ở ta, kiến trúc chống bão, chống lụt, chống nóng, chống mưa tạt cần được quan tâm bằng những cách riêng mà chỉ có chúng ta mới là người hiểu nhất nhu cầu này. Tôi cũng hiểu là chúng ta còn phải đấu tranh rất nhiều với thị hiếu theo cách thiếu chọn lọc của các nhà đầu tư trong giai đoạn giao thời. Nhưng bằng ý thức và tài năng, chúng ta vẫn có thể tìm ra một nền kiến trúc bản địa, nói theo cách khác là nó cứ như “mọc từ trong đất ra” một cách tự nhiên.

Nếu làm được điều đó, một ngày kia chúng ta sẽ có những kiến trúc hiện đại kiểu Sài Gòn, kiến trúc hiện đại dáng dấp Huế và kiến trúc hiện đại phong cách Hà Nội. Tại sao không?

KTS Dương Hồng Hiến 

 

Lời bình  

 
0 # nguyen hoang quan 03/03/2012 22:12
bai viet cua ban phan anh rat dung thuc trang nen kien truc Viet Nam hien nay: rat thieu ban sac.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo